VKSND Tối cao đề nghị thực nghiệm lại hiện trường vụ án Hồ Duy Hải
Cập nhật: 07/05/2020
Ngày cuối cùng của Tổng thống Biden ở Nam Carolina trước khi kết thúc nhiệm kỳ
Những lễ tuyên thệ đáng nhớ nhất trong lịch sử của các Tổng thống Mỹ
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường để xác định thời gian, thời điểm Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện Cầu Voi.
Sáng 7/5, phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội "Giết người" và "Cướp tài sản" liên quan đến án mạng hai nữ nhân viên tại Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) tiếp tục diễn ra.
Đáng chú ý, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần thực nghiệm lại hiện trường để xác định thời gian, thời điểm Hồ Duy Hải có mặt tại bưu điện buổi tối diễn ra án mạng. Đây cũng là nội dung liên quan đến kháng nghị của Viện Kiểm sát và chứng cứ đưa ra của Luật sư Trần Hồng Phong (người đề nghị cung cấp chứng cứ).
Tranh luận về lời khai của nhân chứng
Tuy nhiên, ngay sau đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao có ý kiến phản hồi. Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát nhận thấy, kết luận về thời gian của Hồ Duy Hải có mặt ở bưu điện đều từ những chứng cứ gián tiếp.
Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, dữ liệu của bưu điện có cuộc điện thoại của Hải, nhưng là từ buổi trưa (lúc 11 giờ 25 phút ngày 13/1/2008), không có ý nghĩa chứng minh gì. Thứ hai là lời khai của nhân chứng chỉ nói nhìn thấy có một thanh niên, cũng chỉ nói về khoảng thời gian là "khoảng 19 giờ nhìn thấy". Anh Đinh Vũ Thường nói có nhìn thấy gì "có ánh đèn màu sáng" nhưng cũng không có căn cứ chứng minh đấy là điện thoại. Người bán hoa quả gần bưu điện cũng chỉ xác nhận có chị V. đến mua hoa quả, còn không xác nhận được người đưa tiền cho V. mua hoa quả là Hồ Duy Hải.
Quang cảnh phiên xét xử. |
Bên cạnh đó, điều tra viên nói về "khoảng thời gian 19 giờ" để chứng minh thì không logic. Cũng chính cơ quan tố tụng dùng kết luận về "khoảng thời gian" này để xét xử vụ án. Cơ quan điều tra giải thích, anh Thường là đối tượng tình nghi nên lời khai không đưa vào hồ sơ nhân chứng. Nhưng lời khai này là một chứng cứ quan trọng trong vụ án, nên đề nghị cung cấp cho Viện Kiểm sát và Hội đồng giám đốc thẩm.
Đáng chú ý, đại điện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị cần có thực nghiệm lại hiện trường. Trong đó, tính cả thời gian Hải có mặt ở tiệm cầm đồ, đi trả xe,... rồi từ đó đến bưu điện. "Chứ chúng ta không ngồi đây để suy diễn về khoảng thời gian" - đại diện Viện Kiểm sát nói.
Bên cạnh đó, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, Tòa án 2 cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc đánh giá động cơ, mục đích. Bởi khi xét xử, Tòa án phải đánh giá toàn diện những vấn đề đó; từ đó đề nghị, hai bản án đó phải hủy và xem xét lại.
Về vấn đề này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng tình đây là những chứng cứ gián tiếp. Tuy nhiên, Chánh án nói: "Nếu tách ra từng lời khai, tình tiết, chứng cứ một cách độc lập không nói lên điều gì, nhưng tổng hợp lại sẽ có vấn đề. Tại sao lại có nhiều vấn đề trùng hợp nhau đến như vậy với lời khai của Hải. Nên chúng ta không thể lấy từng việc, chẻ ra để phủ định từng cái".
Từ đó, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị, đến phần đánh giá chứng cứ, các thẩm phán sẽ đánh giá tổng thể các chứng cứ.
Liên quan đến tài liệu Luật sư Trần Hồng Phong cung cấp về lời khai của Đinh Vũ Thường vào ngày 17/12/2011, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Viện Kiểm sát đánh giá tính hợp pháp của văn bản này. Trước đó, Luật sư Phong đề cập giấy xác nhận của nhân chứng Đinh Vũ Thường, trong đó nhân chứng khẳng định: Không được các cấp tòa mời tham gia vụ án với tư cách nhân chứng. Trong khi đó, lời khai của Đinh Vũ Thường nói không nhận dạng được Hồ Duy Hải, nhưng trong cáo trạng nêu Thường đã nhìn thấy Hồ Duy Hải tại khu vực Bưu điện Cầu Voi buổi tối vụ án diễn ra.
Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, tài liệu này phát sinh trong giai đoạn xét xử. Với phạm vi của xét xử giám đốc thẩm, theo đại diện Viện Kiểm sát, không chỉ xem xét trong nội dung kháng nghị, mà còn đánh giá tất cả các vấn đề liên quan vụ án.
Tuy nhiên, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng chứng cứ này là bản photo, chưa có công chứng, không giám định chữ viết, chữ ký nên không đủ tin tưởng là chữ ký của ai. "Nên không thể đưa ra để làm căn cứ xét xử được" - Chánh án nói. Về mặt nội dung, chứng cứ này không có gì mới so với nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao./.
Từ khóa: Hồ Duy Hải, giám đốc thẩm, chánh án TAND tối cao, tử tù Hồ Duy Hải, vụ án Hồ Duy Hải
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN