Việt Nam “dĩ bất biến, ứng vạn biến” khi hội nhập kinh tế quốc tế

Cập nhật: 25/09/2019

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, hội nhập kinh tế quốc tế dù thách thức tăng nhưng cơ hội không nhỏ nên Việt Nam cần "dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Tại Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 diễn ra sáng 4/12, Thứ tưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Tổng Thư ký Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng, những xu thế và diễn biến mới trong tình hình kinh tế thế giới đã và đang có tác động không nhỏ tới tình hình hợp tác kinh tế đa phương, khu vực nói chung và tình hình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói riêng.

“Tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trở nên thường xuyên và gây lo ngại hơn bao giờ hết. Việc xử lý tranh chấp không còn dừng ở mức trao đổi, đàm phán song phương, mà đã nâng thành hành động pháp lý”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

viet nam "di bat bien, ung van bien" khi hoi nhap kinh te quoc te hinh 1
Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018

Theo ông Hải, các vụ kiện ra WTO trở nên phổ biến và đồng loạt hơn. Dù WTO rất tích cực tham gia giải quyết bất đồng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, một số nền kinh tế lớn đã có nhìn nhận khác nhau về vai trò và tôn chỉ của tổ chức này trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, việc Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 26 không ra được Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo cho thấy sự phức tạp và khó khăn trong việc tìm được tiếng nói chung của các nền kinh tế về một số vấn đề then chốt liên quan đến thương mại. Đồng thời, các định chế tài chính toàn cầu như Liên Hợp quốc, Qũy tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới đều đứng trước nhu cầu cải cách.

Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ, các rủi ro như nợ công, tỷ giá cùng những căng thẳng chính trị, xung đột và... đang tác động không nhỏ đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý là xu hướng bảo hộ xuất phát từ một số nền kinh tế phát triển, đầu tầu kinh tế thế giới; do đó, có tác động lan tỏa đến toàn hệ thống các mối quan hệ kinh tế, thương mại ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Tăng cải cách giảm tổn thương

Việt Nam có thể phải chịu tác động tiêu cực khi thương mại và tăng trưởng toàn cầu chững lại, còn lòng tin của các nhà đầu tư bị suy giảm. Các mô phỏng cho thấy tác động bất lợi liên quan đến tình trạng bất định có khả năng sẽ lớn hơn so với lợi ích có được do chuyển hướng thương mại.

Theo ông Sudhir Shetty, Chuyên gia Kinh tế Trưởng, Khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, để đối mặt với những sự bất ổn, bất định và căng thẳng đó, sự lựa chọn của Việt Nam là phải tăng cường khả năng đối phó về kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường cải cách về thương mại và đầu tư.

“Tăng cường khả năng đối phó là việc tốt nhất cần nhất phải làm. Trong đó, duy trì tỷ giá linh hoạt và điều hành tỷ giá đã linh hoạt rồi nhưng với những biến động ngày càng nhanh và khó lường thì phải linh hoạt hơn. Tăng khả năng ứng phó của chính sách tiền tệ cũng là điều hết sức quan trọng để tạo ra lớp đệm tức thời nhằm ứng phó những biến động về tài chính và thương mại quốc tế”, ông Sudhir Shetty khuyến nghị.

Theo PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, ĐHQG Singapore, Việt Nam là một quốc gia hàng đầu trong nắm bắt toàn cầu hóa; Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể ở giai đoạn cải cách lần thứ nhất và đang quyết tâm đi vào giai đoạn cải cách lần thứ hai. Nhưng Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương khi thế giới có biến động xấu do mô hình tăng trưởng của Việt Nam lệ thuộc sâu vào thương mại quốc tế.

“Việt Nam cần tiếp tục là người tiên phong trong cải cách. Cải cách giai đoạn 1 tập trung mạnh vào “cởi trói”, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tích cực hội nhập. Cuộc cải cách lần thứ hai phải là cuộc cách cách đổi mới mạnh về tư duy, đổi mới thiết chế thể chế cho tương lai tạo nên nền tẳng cho tương lai, để tạo nên vị thế xứng đáng của Việt Nam”, PGS. Vũ Minh Khương nhấn mạnh.

PGS. Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam đang coi mạnh phát triển thị trường nhưng lại coi nhẹ thể chế. Để giảm thiểu tổn thương, để gia tăng sức chống chọi của nền kinh tế, ông hiến kế: Việt Nam cần hoạch định một chiến lược hiệu lực để biến điểm dễ tổn thương của đất nước thành lợi thế chiến lược. Đồng thời, nên thành lập hội đồng cải biến kinh tế với trọng tâm đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy các nỗ lực bắt kịp.

“Việt Nam cần đi đầu trong nắm bắt và thúc đẩy thương mại tư do và công bằng. Tránh sa vào cạm bẫy bảo hộ thương mại (đặc biệt là trong nỗ lực bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ và ứng đáp với các thách thức của CM số)… Chúng ta phải có những nỗ lực đến mức khiến thế giới ngạc nhiên, thậm chí kinh ngạc”, ông Khương khuyến nghị.

Phải biết cách tự bảo vệ mình

Tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng, Việt Nam rất dễ bị tổn thương, nhưng điều này vừa là rủi ro nhưng cũng là lợi thế. Vì dễ tổn thương nên phải biết cách tự bảo vệ mình hơn.

Phó Thủ tướng nhắc nhở, chúng ta đạt một số tín hiệu khả quan nhưng vẫn không quên việc cập nhật liên tục những rủi ro toàn cầu. Rủi ro không những ít đi mà trái lại sẽ ngày càng tăng lên. Nhiều đại biểu nhấn mạnh đặc biệt đến công nghiệp 4.0, đúng là nó mang tính đột phá, phá huỷ những mô hình kinh tế cũ không còn phù hợp. Nhưng đi kèm với nó rủi ro kinh tế số, tấn công an ninh mạng. Rồi căng thẳng thương mại của các nước lớn, chủ nghĩa bảo hộ…

Tuy nhiên, trước bối cảnh này, Phó Thủ tướng lưu ý, dù thách thức gia tăng nhưng cơ hội là không nhỏ. Điều quan trọng vẫn là cách ứng xử của Việt Nam trước diễn biến mới và đặc biệt không chỉ đẩy mạnh hội nhập mà đồng thời cần phải tiến hành cải cách thể chế mạnh mẽ bên trong.

“Quan trọng vẫn là nội lực của chúng ta như thế nào. Trong bối cảnh này chúng ta nhớ lại lời dạy của Bác, đó là: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Rõ ràng thế giới sẽ có những diễn biến mà chúng ta không thể kiểm soát được, điều quan trọng là Việt Nam phải mạnh lên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.

Cẩm Tú/VOV.VN

Từ khóa: hội nhập kinh tế, Việt Nam hội nhập, diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế, tranh chấp thương mại, cải cách,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập