Tuyên bố Chủ tịch Cấp cao ASEAN lần thứ 37: Gắn kết và chủ động thích ứng
Cập nhật: 20/11/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết củng cố đoàn kết và thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp, dựa trên luật lệ.
1. Các nhà Lãnh đạo ASEAN cam kết tiếp tục nỗ lực duy trì đà xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; đánh giá cao các nỗ lực thực hiện các ưu tiên đề ra trong năm 2020, nhằm cụ thể hoá chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” và hiện thực hoá “Tuyên bố Tầm nhìn của các Nhà lãnh đạo ASEAN về một Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng”.
Các nhà Lãnh đạo khẳng định cam kết củng cố đoàn kết và thống nhất, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dung nạp, dựa trên luật lệ, đóng góp vào hoà bình, an ninh, ổn định của khu vực; củng cố liên kết kinh tế, kết nối khu vực, nâng cao bản sắc ASEAN và hiệu quả bộ máy, tổ chức của ASEAN, nâng cao khả năng tự cường và năng lực thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của tình hình khu vực và toàn cầu.
Các nhà Lãnh đạo đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình các ưu tiên như: (i) Đánh giá giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025; (ii) Đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN; (iii) xây dựng Kế hoạch giai đoạn IV (2021-2025) của Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI); (iv) ra Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; (v) thúc đẩy vai trò của ASEAN trong gắn kết hợp tác tiểu vùng với các chiến lược chung của ASEAN; và (vi) thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ…
Các nhà Lãnh đạo ghi nhận những biến động chiến lược phức tạp, nhanh chóng của tình hình khu vực và quốc tế cùng sự nổi lên của các vấn đề an ninh phi truyền thống và những thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường các nỗ lực tập thể nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đang nổi lên, giải quyết các mối đe dọa từ Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện và bền vững, thông qua triển khai các sáng kiến thiết thực như: (i) Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19; (ii) Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; (iii) Khung Chiến lược ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; (iv) Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch Thực hiện. Các Lãnh đạo cũng nhất trí xem xét việc thành lập Hành lang đi lại ASEAN và khởi động tiến trình thành lập Trung tâm ASEAN về Ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
2. Về Chính trị - An ninh, các nhà Lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định cũng như thúc đẩy các giá trị hòa bình trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế; giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không đe dọa hay sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; đề cao tầm quan trọng của duy trì một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ và bao trùm với ASEAN đóng vai trò trung tâm; khẳng định vai trò quan trọng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), vai trò của Tài liệu quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) trong định hướng hợp tác của ASEAN ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; tiếp tục tập trung nỗ lực hợp tác nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, hợp tác biển, hợp tác ngoại giao và quốc phòng, tăng năng lực ngoại giao phòng ngừa…
3. Về Kinh tế, mặc dù khẳng định lo ngại về một cuộc suy thoái chưa từng có trong năm 2020 do đại dịch Covid-19, các nhà Lãnh đạo khẳng định ASEAN vẫn duy trì được các nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và cam kết hợp tác giảm thiểu các tác động kinh tế từ Covid-19, giữ thị trường rộng mở và tiếp tục xây dựng khả năng phục hồi và cạnh tranh chung của khu vực, hướng tới sự phục hồi nhanh chóng trong năm 2021; đánh giá cao ASEAN đã đạt kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện 13 Mục tiêu kinh tế ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam theo 3 định hướng thúc đẩy chiến lược là: (i) Thúc đẩy hội nhập và kết nối kinh tế nội khối ASEAN; (ii) Tăng cường sự tham gia của ASEAN với cộng đồng toàn cầu vì hòa bình và phát triển bền vững; và (iii) Nâng cao khả năng ứng phó và thể chế của ASEAN. Theo đó, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về số hóa ASEAN, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối, duy trì chuỗi cung ứng, nhất là trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19, thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, phát triển tiểu vùng, phát triển kinh tế bao trùm, bền vững và đặc biệt đã thành công trong việc thúc đẩy ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37.
4. Về Văn hóa-Xã hội: Các nhà Lãnh đạo khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác hướng đến người dân và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là đề cao các nỗ lực khắc phục hậu quả của Covid-19, thúc đẩy phục hồi, trong đó ưu tiên các nhóm yếu thế như hỗ trợ người khuyết tật, bảo vệ trẻ em, thúc đẩy bình đẳng giới, lao động di cư và vấn đề già hóa dân số trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đồng thời ASEAN tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực về: (i) phát triển bền vững thông qua triển khai Lộ trình thực hiện Tương hỗ Tầm nhìn ASEAN 2025 và Nghị sự Liên Hợp Quốc 2030 về các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), Trung tâm ASEAN về Nghiên cứu và Đối thoại Phát triển bền vững; tăng cường hợp tác y tế trong ứng phó với Covid-19; (ii) Tăng cường hợp tác về lao động việc làm với việc ra Tuyên bố và thông qua Lộ trình phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới công việc đang đổi thay, Bản hướng dẫn ASEAN về Bình đẳng giới trong các chính sách về Lao động và Việc làm; (iii) ra Tuyên bố về tăng cường công tác xã hội, Lộ trình ASEAN về loại bỏ mọi hình thức tồi tệ nhất đối với lao động trẻ em; (iv) Tiếp tục các nỗ lực về phòng chống thiên tai, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bao gồm các công việc đang được thực hiện nhằm thiết lập một nền tảng phù hợp cho các thành viên của cộng đồng đóng góp cho các nỗ lực ứng phó với thiên tai của ASEAN, trong đó bao gồm Quỹ Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp ASEAN (ADMER); (v) đề cao bản sắc, văn hóa ASEAN, ý thức Cộng đồng, gắn kết người dân, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng Cộng đồng, thông qua Bản Tường thuật về Bản sắc ASEAN, khuyến khích ASEAN tăng cường sự hiện diện của lá cờ ASEAN tại các công sở và sử dụng ASEAN ca tại các sự kiện chính thức của ASEAN.
5. Về quan hệ đối ngoại, Lãnh đạo các nước ASEAN hoan nghênh các đối tác tiếp tục khẳng định tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, đưa ra nhiều cam kết cụ thể hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ứng phó dịch bệnh và phục hồi sau đại dịch, trong đó có cam kết đóng góp tài chính cụ thể cho Quỹ ASEAN về ứng phó Covid-19, dự kiến đóng góp cho Kho dự dữ vật tư y tế khu vực, Trung tâm ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi và triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN. ASEAN ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng của các tổ chức khu vực và các nước bên ngoài khu vực đối với việc thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn với ASEAN, bao gồm thông qua các đề nghị thiết lập các mối quan hệ đối tác chính thức với ASEAN và tiếp tục xem xét về tiêu chí và cách tiếp cận toàn diện của ASEAN trong triển khai quan hệ đối ngoại. ASEAN chính thức công nhận Pháp và Ý là Đối tác phát triển của ASEAN, ghi nhận trường hợp của Anh, đồng thời thông qua các Kế hoạch Hành động tiếp theo cho 5 năm tới (2021-2025) với một số Đối tác. Trước đó, ASEAN cũng nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) cho Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số thành viên lên con số 43.
6. Về các vấn đề quốc tế và khu vực: Các nhà Lãnh đạo cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, trong bối cảnh môi trường chiến lược biến động phức tạp, khẳng định ASEAN tiếp tục thể hiện sự chủ động, vai trò trung tâm, khả năng tự cường và thích ứng cao hơn.
Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đối với khu vực; bày tỏ quan ngại với các diễn biến, bao gồm tôn tạo, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, phương hại hòa bình, an ninh, ổn định khu vực; nhấn mạnh cần tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình hay gia tăng tranh chấp; giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982. Các nhà Lãnh đạo hoan nghênh các nỗ lực hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, và nỗ lực đàm phán COC ngay trong bối cảnh Covid-19; nhấn mạnh cần tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán COC, tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng lòng tin và phòng ngừa cũng như tầm quan trọng của hợp tác thực tiễn cùng có lợi; nhấn mạnh cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, tiến tới đạt được COC thực chất, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; khẳng định UNCLOS 1982 là cơ sở duy nhất để xác định các quyền được hưởng trên biển, quyền chủ quyền, tài phán và lợi ích chính đáng trên biển, và UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý duy nhất mà mọi hoạt động trên biển phải tuân theo.
Các nhà Lãnh đạo nhất trí tiếp tục ủng hộ ASEAN có vai trò lớn và rõ ràng hơn trong hỗ trợ Myanmar tăng cường hỗ trợ nhân đạo, thúc đẩy tiến trình hồi hương và phát triển bền vững ở Bang Rakhine; đánh giá cao đóng góp của các nước thành viên ASEAN và một số đối tác trong việc hỗ trợ các hoạt động của ASEAN, bao gồm các dự án ưu tiên tại Bang Rakhine, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hồi hương và thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện; tái khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Myanmar nhằm mang lại hoà bình, ổn định, duy trì thượng tôn pháp luật, thúc đẩy sự hoà hợp và hoà giải giữa các cộng đồng khác nhau, cũng như bảo đảm phát triển công bằng và bền vững ở Bang Rakhine.
Các nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên liên quan nhằm hiện thực hóa hòa bình và ổn định lâu dài ở Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân; kêu gọi tất cả các bên liên quan nối lại đối thoại hòa bình và tiếp tục hợp tác hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài ở Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, bao gồm thông qua thực hiện đầy đủ và nhanh chóng Tuyên bố Panmunjom, Tuyên bố chung Bình Nhưỡng và Tuyên bố chung của các Lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên; tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ tất cả các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và ghi nhận những nỗ lực quốc tế nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược trên Bán đảo Triều Tiên; tái khẳng định sẵn sàng đóng vai trò xây dựng, bao gồm thông qua sử dụng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt như ARF, để thúc đẩy bầu không khí có lợi cho đối thoại hòa bình giữa các bên liên quan.
Các nhà Lãnh đạo tái khẳng định sự cần thiết của một giải pháp toàn diện, công bằng và bền vững cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine nhằm đạt được hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông; kêu gọi các bên nỗ lực tiến hành các bước đi tích cực để tạo đà cho các cuộc đàm phán và cùng nhau nối lại các cuộc đàm phán nhằm đạt được hòa bình lâu dài; ủng hộ các quyền chính đáng của người dân Palestine về một Nhà nước Palestine độc lập với việc hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước, Palestine và Israel, cùng chung sống trong hòa bình và an ninh trên cơ sở các đường biên giới trước năm 1967, với thủ đô là Đông Jerusalem./.
Từ khóa: tuyên bố chung, ASEAN, Việt Nam, Thủ tướng, hội nghị, tuyên bố chủ tịch cấp cao ASEAN 37
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN