Từ người làm phim đầy tranh cãi đến người thẩm định phim
Cập nhật: 21/05/2021
Khởi công dự án tu bổ, cải tạo Cụm di tích Quốc gia Chùa Trầm
Vietnam welcomes nearly 17.6 million foreign tourists in 2024
[VOV2] - Là một nhà làm phim độc lập từng có nhiều dự án tranh cãi, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp vừa khiến giới làm nghề bất ngờ khi nhận lời tham gia Hội đồng duyệt phim quốc gia.
PV: Xin chào đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, trước hết xin cảm ơn chị đã tham gia cuộc trao đổi với VOV2. Thưa chị, đây là lần đầu tiên chị tham gia Hội đồng thẩm định phim Quốc gia, chị có thể chia sẻ là chị đã làm quen với công việc này như thế nào? Hiện nay thì một tuần chị dành bao nhiêu thời gian cho công việc đó?
Nguyễn Hoàng Điệp: Với việc tham gia Hội đồng duyệt phim Quốc gia thì tôi sẽ có từ 2 đến 3 ngày làm việc trong một tuần, mỗi buổi duyệt từ 2-4 phim tùy theo những phim đó có gây tranh cãi hay không.
PV: Lần đầu tiên tham gia Hội đồng, chị gặp phải những áp lực gì?
Nguyễn Hoàng Điệp: Lúc tôi nhận lời làm uỷ viên Hội đồng thẩm định phim quốc gia thì tôi không cảm thấy áp lực gì, cho đến ngày chúng tôi tham gia họp với các hội đồng khác nữa, lúc đó mới được nghe chia sẻ từ các anh chị và cô chú, những người đã có thâm niên tham gia các hội đông trước, lúc đấy mình mới biết là công việc này khác so với mình hình dung.
Mình vốn là người rất thích xem phim! Bạn cũng biết rằng công việc của mình đòi hỏi phải xem phim, theo dõi phim với mình vừa là công việc nhưng cũng đồng thời là một niềm vui thích. Nhưng đến bây giờ khi trở thành thành viên của Hội đồng duyệt phim quốc gia thì hoàn toàn khác. Mình không còn đến với một bộ phim ở trạng thái yêu thích hoặc ghét bỏ một cách rất rõ ràng và nhanh chóng được nữa. Bây giờ thì mình sẽ phải căn cứ theo luật để biết rằng, bộ phim này hợp với các khung độ tuổi nào, hợp với khán giả ra sao...
PV: Vậy còn về thuận lợi thì sao?
Nguyễn Hoàng Điệp: Là một người trong cuộc thì mình nhận ra là: thứ nhất, hội đồng duyệt năm nay về thành phần rất mới; thứ hai là có xu hướng trẻ hoá về mặt độ tuổi, đồng nghĩa với việc quan điểm và cách nhìn đâu đó cũng sẽ nghiêng về phía những người trẻ hơn.
Tuy nhiên tôi không thực sự dám chắc, bởi vì thời gian tôi làm việc với hội đồng mới chỉ khoảng 3 tuần, và trong 3 tuần đó thì chúng tôi cũng không xem quá nhiều phim gây tranh cãi để có thể bộc lộ những quan điểm khác nhau. Vả lại bằng quan sát thì tôi nhận ra rằng, hội đồng mà mình đang làm việc cùng có quan điểm khá cấp tiến, ngay cả với những anh chị hay cô chú mà tôi nghĩ họ ở thế hệ đi trước mình, chắc là đâu đó họ sẽ khắt khe hơn hoặc thiếu cởi mở hơn.
Thế nhưng thực tế thì không phải như vậy! Những phim mà tôi đã duyệt trong thời gian vừa qua có khá nhiều phim mang tính chất hành động, bạo lực, kinh dị. Tôi thấy biên độ chấp nhận trong thưởng thức của mọi người rất rộng, và với cách nhìn như thế thì thậm chí tôi còn phải đặt câu hỏi ngược là: Ồ vậy thì tại sao những bộ phim Việt trước đây làm về đề tài kinh dị hoặc hành động lại quá khó khăn để được ra rạp đến như vậy? Với cái cách mà hội đồng phim đang đánh giá bây giờ thì tôi thấy mọi người rất cởi mở.
PV: Thưa chị, trước đây các quy định kiểm duyệt phim khá là mơ hồ, không có những ranh giới rõ ràng; chẳng hạn như cảnh nóng thì được hở những chỗ nào hay những chỗ nào phải che lại; rồi có một yếu tố rất hay được đem ra như một tấm bình phong để lí giải cho các quyết định cắt xén là không hợp “thuần phong mỹ tục”. Chị suy nghĩ như thế nào về những qui định đó? Khi duyệt phim chị sẽ áp dụng những quy định đó như thế nào?
Nguyễn Hoàng Điệp: Thực ra với vai trò là 1 người trong Hội đồng duyệt thì tôi bắt buộc phải tuân thủ luật, ở đây là Luật Điện ảnh đã được pháp luật Việt Nam thừa nhận và có những văn bản đi kèm theo nữa. Tất cả những quy định này khá là ngắn gọn, không có được độ chi tiết và sắc nét để người làm phim hoặc người làm luật có được sự trao đổi thực sự mạch lạc.
Đúng như anh vừa nói, ở vai trò người làm phim tôi cũng hay bị tắc bởi một số cụm từ nằm trong luật mà mình rất khó giải thích, điểm này là điểm mà có thể gây ra nhiều tranh cãi vì nó quá dựa trên quan điểm như thế nào là “thuần phong mỹ tục” của từng thành viên ở trong hội đồng. Tôi cũng rất tò mò và đang chờ đợi sẽ có 1 bộ phim trong quá trình thẩm định gây tranh cãi để mình hiểu một cách cặn kẽ hơn trong thực hành.
Còn với cá nhân tôi thì tôi cho rằng, mọi thứ về luật nếu như càng chi tiết và minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Tôi đã từng băn khoăn là trong quá trình lâu dài duyệt rất nhiều bộ phim đa dạng cả của Việt Nam lẫn phim của nước ngoài thuộc đủ các thể loại mà chúng ta lại chưa có được một căn cứ đủ chi tiết để những người làm luật tham khảo.
Chính tôi với vai trò là đạo diễn và nhà sản xuất cũng rất hay bị tắc bởi những cụm từ tương tự, dẫn đến việc chúng tôi sẽ phải tìm cách sao cho cách hiểu và sự diễn giải của mình tìm được tiếng nói chung với Hội đồng duyệt. Tôi nghĩ phải tìm ra 1 cơ chế nào đấy để có đối thoại hai bên. Bởi vì chừng nào mà những người duyệt phim còn chưa có cơ hội đủ cởi mở và gần gũi với người làm phim để hiểu rõ cách mà bộ phim muốn diễn đạt, cũng như chia sẻ những lo ngại của họ ở vai trò khán giả, những nhà quản lý, những người làm tâm lý, họ phải bảo vệ sự an toàn của người thưởng thức thì tôi cho rằng cơ chế của chúng ta chưa hiệu quả.
Trong kinh nghiệm của mình tôi nhận ra rằng, lần nào chúng tôi được đối thoại cởi mở với Hội đồng duyệt thì lần đó kết quả kiểm duyệt sẽ đem đến đồng thuận rất lớn. Còn lần nào mà chúng tôi không thể đối thoại thì nó sẽ để lại dư chấn không tốt đẹp cho cả 2 phía.
PV: Nói như chị thì quy trình thẩm định một bộ phim hiện nay vẫn chưa có công đoạn tạo cơ hội cho những nhà làm phim đối thoại cởi mở với hội đồng?
Nguyễn Hoàng Điệp: Hiện tại về mặt phân công công việc thì chúng tôi không có giai đoạn “cán bộ tiếp dân” như thế. Và tôi nghĩ rằng chưa chắc nó cần phải được ghi trong văn bản. Tôi nghĩ là nếu như 1 nhà làm phim làm 1 bộ phim và bộ phim đó gây tranh cãi với Hội đồng duyệt, dẫn đến việc ra quyết định cần phải chỉnh sửa, cắt bỏ, thu hẹp hoặc phân loại độ tuổi mà nhà làm phim hoặc nhà phát hành cảm thấy không thoả đáng thì lúc họ cũng sẽ có văn bản hồi đáp thôi.
PV: Bản thân chị là người làm phim và bây giờ lại đứng ở vị trí người thẩm định các bộ phim, có lẽ chị sẽ có nhiều sự thông cảm hơn đối với những nhà làm phim đang mang phim đi duyệt?
Nguyễn Hoàng Điệp: Tôi sẽ tiếp cận và lắng nghe tâm sự, tâm tư của những người làm phim, kể cả những người rất khó khăn về mặt kiểm duyệt lẫn cả những người không qua được vòng kiểm duyệt, và cả những người thường xuyên qua được kiểm duyệt. Vả lại đây là việc đã ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của tôi từ rất lâu, vì bạn cũng biết tôi là người làm phim độc lập, gần như tất cả những tác phẩm mà tôi làm hoặc tôi sản xuất cho anh em bạn bè đều là những tác phẩm nghệ thuật và hầu hết đều gây tranh cãi.
Tôi không dám nói rằng mình sẽ là người hiểu hơn hẳn những người khác, nhưng rõ ràng tôi có sự gần gũi (với người làm phim). Còn khi có sự gần gũi đấy thì thái độ của mình sẽ như thế nào? Tôi có thể mô tả: tôi sẽ là 1 người luôn luôn đứng về phía những bộ phim, những sáng tạo, những người thực sự muốn thông qua điện ảnh để đem đến một cái nhìn mới mẻ. Tôi sẽ trân trọng sáng tạo của những người làm phim, đồng thời tôi cũng sẽ rất suy nghĩ đến việc quyết định của mình và của Hội đồng duyệt phim quốc gia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đường đi của bộ phim khi đến với công chúng.
Tôi tin rằng bất kì một Hội đồng duyệt nào đều mong muốn bảo vệ sức sáng tạo của người nghệ sĩ, đồng thời cũng bảo vệ và giữ được biên độ cũng như là khả năng thưởng thức của khán giả, tránh để kiểm duyệt trở thành lưỡi kéo ngăn cản sự sáng tác, sáng tạo của người làm.
PV: Xin cảm ơn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp về những chia sẻ vừa rồi!
Từ khóa: Kiểm duyệt phim, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, quan điểm, xu hướng, cởi mở
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2