Trung Quốc đã phản ứng chậm ra sao trước dịch virus corona nguy hiểm
Cập nhật: 02/02/2020
Dao ethnic people in Son La preserve cultural heritages
Hà Lê, Mỹ Tâm "cháy" hết mình trong ngày 2025 drone thắp sáng bầu trời Hà Nội
VOV.VN - Trung Quốc đã có kinh nghiệm quý giá từ dịch SARS 2002-2003. Nhưng khi đối diện dịch corona mới, họ vẫn lúng túng và đã phản ứng chậm lúc ban đầu.
Dịch viêm phổi lạ do chủng mới của virus corona gây ra đang hoành hành ở đất nước Trung Quốc rộng lớn và đông dân. Theo con số thống kê đến sáng 1/2/2020, đã có hơn 11.000 ca nhiễm virus này và khoảng 260 người thiệt mạng do bệnh này. Dịch truyền nhiễm corona bùng phát mạnh ở thành phố Vũ Hán (miền trung Trung Quốc) và lan rộng ra nhiều địa phương khác.
Và đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đối mặt với dịch bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng như thế. Họ từng đối mặt với dịch hội chứng viêm hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào đầu thế kỷ 21 và dịch tả lợn châu Phi mới đây. Tức là Trung Quốc có khá nhiều kinh nghiệm trong chống dịch. Riêng dịch SARS từng gây nhiều thiệt hại về người ở đại lục Trung Quốc và Hong Kong.
Người dân Trung Quốc ở vùng dịch corona đeo khẩu trang để tránh nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: Getty. |
Thế nhưng lần này dịch tân corona (nCoV) vẫn xảy ra và lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ra cả một cuộc khủng hoảng cấp toàn cầu. Lịch sử dường như đang lặp lại.
Nhiều dấu hiệu cho thấy trong cả vụ dịch bệnh SARS và vụ dịch bệnh corona, giới chức Trung Quốc mải mê thuyết phục công chúng rằng mọi thứ đều ổn, đều diễn ra theo kế hoạch, trong khi đáng lẽ họ nên tập trung vào làm những việc cần thiết hơn để đối phó với các dịch bệnh này.
Trở lại những năm 2002-2003. Dịch truyền nhiễm SARS có lẽ đã bị khống chế sớm hơn nếu một số các quan chức Trung Quốc, trong đó có Bộ trưởng Y tế, không cố ỉm đi thông tin đáng lẽ cần công bố sớm cho đông đảo công chúng. Đến khi các biện pháp phù hợp được thực thi thì dịch SARS được khống chế trong vòng vài tháng.
Lần này (năm 2019-2020), chính quyền Trung Quốc đã có kinh nghiệm hơn trong việc phòng chống dịch bệnh và phương tiện kỹ thuật của họ để theo dõi bệnh dịch cũng đã được nâng cao rất nhiều nhưng tình hình ngăn chặn dịch vẫn không tiến bộ nhiều, thậm chí có phần khó khăn hơn.
Thoạt nhìn thì giới chức Trung Quốc lần này hành động sớm hơn, chủ động hơn so với thời kỳ 2002-2003.
Thế nhưng, mặc dầu ca nhiễm nCoV đầu tiên được báo cáo vào ngày 8/12/2019, Ủy ban y tế thành phố Vũ Hán vẫn không ra thông báo chính thức nào – mãi đến tận vài tuần sau họ mới ra thông báo.
Và kể từ thời điểm đó, các quan chức Vũ Hán đã cố gắng hạ thấp tính nghiêm trọng của dịch bệnh do virus corona và có nhiều nguồn tin khẳng định rằng họ cố gắng ngăn chặn báo chí đưa tin về dịch bệnh.
Thông báo muộn của chính quyền Vũ Hán nói rằng không có bằng chứng bệnh mới này có thể truyền từ người sang người, đồng thời tuyên bố không có nhân viên y tế nào bị nhiễm bệnh cả.
Đến ngày 5/1/2020, Ủy ban y tế Vũ Hán vẫn lặp lại các tuyên bố đó dù lúc đó có 59 ca nhiễm corona đã được xác nhận. Thậm chí sau khi ca tử vong đầu tiên được báo cáo vào ngày 11/1/2020, Ủy ban này vẫn tiếp tục khẳng định rằng không có bằng chứng chứng tỏ virus corona chủng mới có thể lây truyền chéo giữa người với nhau và rằng chưa có nhân viên y tế nào bị nhiễm cả.
Trong suốt thời kỳ quan trọng này, báo chí Trung Quốc ít đưa tin về sự bùng phát của dịch corona. Và cảnh sát Trung Quốc được cho là đã làm việc với những nhân vật bị tố là “tung tin đồn” về căn bệnh truyền nhiễm này.
Theo một phân tích, các đề cập đến dịch bùng phát đã xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat trong giai đoạn từ 30/12/2019 đến 4/1/2020 – khoảng thời gian mà Ủy ban y tế Vũ Hán lần đầu tiên thừa nhận có dịch bùng phát. Nhưng sau đó các đề cập này đã đột ngột sụt giảm mạnh.
Các đề cập về virus corona lại tăng nhẹ vào ngày 11/1/2020 khi có tin về ca tử vong đầu tiên nhưng sau đó chúng lại nhanh chóng biến mất một lần nữa.
Chỉ đến sau ngày 20/1/2020, sau khi có báo cáo về 136 ca nhiễm mới ở Vũ Hán, cũng như các ca nhiễm ở Bắc Kinh và Quảng Đông (Trung Quốc), thì chính quyền nước này mới ngưng kiểm duyệt thông tin. Và khi đó các đề cập về virus corona lập tức bùng nổ.
Như vậy việc kiểm soát thông tin chặt chẽ đã khiến cho Trung Quốc mất đi cơ hội quý giá lúc ban đầu để ngăn chặn sớm dịch corona chủng mới.
Khi dịch bệnh đã nghiêm trọng, chính quyền Trung Quốc đột ngột chuyển trạng thái. Chiến lược của họ bây giờ cho thấy họ rất nghiêm túc trong cuộc chiến chống dịch corona. Họ đã áp dụng các biện pháp cực mạnh như phong tỏa Vũ Hán và các thành phố lân cận trong tỉnh Hồ Bắc, với dân số lên tới hàng chục triệu người.
Lúc Trung Quốc mạnh tay thì đã có hàng ngàn người ở Trung Quốc nhiễm bệnh và hơn 100 người tử vong. Trong lúc đó kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nợ nần và cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Thách thức lớn đang đợi Trung Quốc phía trước. Thế giới cũng gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh do virus corona từ Trung Quốc lan rộng ra khắp nơi./.
Từ khóa: Trung Quốc phản ứng chậm, dịch corona, dịch bệnh truyền nhiễm, ứng phó với dịch, kiểm soát thông tin
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN