Trưng bày “Nhật ký hòa bình” tại Nhà tù Hoả Lò
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Sáng ngày 2/7, tại di tích nhà tù Hoả Lò, Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình”.
Sáng 2/7, tại di tích nhà tù Hỏa Lò- Hà Nội, cácnhân chứng lịch sử,nhà văn hóa và nhiềucựu chiến binh Việt- Mỹđã dự khai mạctrưng bày chuyên đề “Nhật ký hòa bình”, gửi đi thông điệp “Không bao giờ là quá muộn cho hòa bình”, “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” và “Việt Nam - điểm đến của sự hợp tác, hữu nghị và hòa bình”.
Triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 55 năm ngày diễn ra sự kiện Vịnh Bắc Bộ (5/8/1964 - 5/8/2019), 20 năm Thủ đô Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999 - 16/7/2019).
Đây là câu chuyện về thời kỳ đấu tranh hào hùng của Việt Nam từ năm 1945 - 1975) và cũng là lời cảm ơn gửi tới bạn bè quốc tế- những người đã luôn sát cánh, đấu tranh cho hòa bình của đất nước Việt Nam. Triển lãm gồm 3 phần: Nấc thang cuộc chiến, Khát vọng hòa bình và Thông điệp cho ngày mai.
Các cựu chiến binh trong triển lãm. |
Hòa bình luôn là ước mơ cháy bỏng không chỉ ở Việt Nam mà còn là niềm khao khát của mọi người dân toàn thế giới. Tháng 7 với người Việt là tháng nặng nghĩa tình, ơn sâu. Không thể không xúc động khi xem lại những thước phim quay ở chiến trường như còn vương mùi bom đạn, hay đọc lại những trang nhật ký viết về những miền đất lửa, nghe những giai điệu về cung đường Trường Sơn huyền thoại…Và những câu chuyện về tình đoàn kết của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã vượt qua khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, tôn giáo để lên tiếng phản đối cuộc chiến mà Chính phủ Mỹ từng tiến hành ở Việt Nam được kể lại qua những bức tranh, những thước phim. Nhiều câu chuyện từ các nhân chứng lịch sử từng phụ trách về hoạt động quốc tế hay các đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam ở các nước vào thời gian đó.
Một góc triển lãm Nhật ký Hoà bình. |
Hàng trăm hình ảnh tư liệu quý giá đã khắc họa rõ nét quá trình đấu tranh vì hòa bình của nhân dân trên khắp thế giới trong quá khứ và cả hiện tại. Thông điệp “Không bao giờ là quá muộn cho hòa bình; Hà Nội - Thành phố vì hòa bình” được thể hiện sâu đậm và rõ nét tại trưng bày.
Đây là lần thứ 30 trở lại nhà tù Hỏa Lò để tìm kiếm ký ức về cha, ông Thomas Eugene Wiber,con trai của Đại tá hải quân Walter Eugene (cựu phi công Mỹ từng bị giam tại nhà tù Hỏa Lò), nơi đây cũng trở thành địa chỉ thân thiết với người đàn ông Mỹ này, mỗi năm, ông trở lại thăm ít nhất một lần. Không giấu được sự xúc động. Ông chia sẻ: “Hà Nội là mảnh đất thiêng liêng đối với tôi, vì nơi đây vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật, hình ảnh về cha tôi”.
Một vị khách xem triển lãm Nhật ký Hoà Bình. |
“Hòa bình là thông điệp có giá trị lan tỏa mà nhân dân trên khắp hành tinh này hướng tới, chung tay bảo vệ. Thông điệp đó cũng rất phù hợp với sự kiện kỷ niệm 20 năm Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình sắp diễn ra. Chúng ta nhìn lại quá khứ để thêm yêu, trân trọng hiện tại, cùng nhau xây dựng tương lai hữu hảo, đoàn kết, hướng tới một cuộc sống tươi đẹp, văn minh và an toàn”.
Robert Preston Chenoweth, một trong những phi công Mỹ từng bị giam trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có nhà tù Hỏa Lò (1968 - 1973), có mặt từ rất sớm tại không gian triển lãm. Đây là lần thứ ba Robert Chenoweth đến nhà tù Hỏa Lò, và lần này có con trai ông, Sean, sinh viên một trường đại học tại bang Idaho. Robert P.Chenoweth bị giam ở nhà tù Hỏa Lò vào đúng những ngày Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội.
Hạ sĩ Lục quân Robert Preston Chenoweth (ngoài cùng bên phải). |
Thời gian ở Hỏa Lò tuy ngắn, nhưng khi chứng kiến sự đấu tranh dũng cảm của người dân Hà Nội, người lính Mỹ đã thay đổi hoàn toàn nhận thức về cuộc chiến. Trở về Mỹ năm 1973, Robert P.Chenoweth bắt đầu tham gia các phong trào phản chiến, đấu tranh vì hòa bình. Ông lặng người khá lâu khi xem lại những hình ảnh, kỷ vật về cuộc chiến tranh từng diễn ra tại Việt Nam: “Trở về Mỹ sau những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam, tôi trở thành một nhà hoạt động phản chiến. Bằng tất cả tình yêu với Việt Nam, tôi chia sẻ về lịch sử của đất nước bạn đến với tất cả trẻ em Mỹ. Hà Nội sau 13 năm, tôi thực sự bất ngờ trước những thay đổi của Hà Nội cũng như Việt Nam”,
Còn cậu sinh viên Mỹ con trai ông cũng không giấu sự xúc động: “Một cảm giác triển lãm tuyệt vời. Thật đáng kinh ngạc khi ở đây, nơi nhiều tù nhân chính trị đấu tranh dưới quyền của Pháp nhiều năm trước. Ở đó cha tôi ở lại 5 năm và được người Việt đối xử rất tốt. Đây là một lễ kỷ niệm hòa bình tuyệt vời, trong thành phố của hòa bình ngày nay”.
“Nhìn lại những bức ảnh tư liệu, tôi rất xúc động, bởi nó gợi nhớ một phần ký ức của tôi về cuộc chiến tại Việt Nam. Tôi đưa con trai tới Việt Nam lần này để con thêm hiểu về những câu chuyện trong quá khứ, từ đó thêm hiểu hơn về giá trị của hòa bình mà nhân dân hai nước nói riêng và nhân dân toàn thế giới đang gìn giữ”, ông Robert P.Chenoweth xúc động nói.
Nhiều vị khách đã dừng lại rất lâu bên những hiện vật gắn bó với các nhân chứng lịch sử, các cá nhân, tổ chức phản chiến giúp đỡ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ được giới thiệu đến đông đảo công chúng: Huy hiệu, phụ nữ Mỹ đeo trong các cuộc mít tinh, biểu tình để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam (1964 - 1973);
Thống kê thư của bà Cora Weiss, người đứng đầu phong trào “Phụ nữ đấu tranh vì Hòa bình” và các nhà hoạt động xã hội đã chuyển từ các phi công Mỹ ở các Trại giam miền Bắc đến gia đình và ngược lại; Giấy ra vào Sân bay Gia Lâm, ông Hoàng Văn Quấn, quản giáo Trại giam Hỏa Lò được Chính phủ Việt Nam cấp để sử dụng trong thời gian thực hiện công tác trao trả phi công Mỹ, năm 1973;
Sưu tập báo phản chiến do binh sỹ Mỹ xuất bản và phát hành tại các doanh trại, tàu chiến Mỹ (từ năm 1968 - 1972) do các tổ chức hòa bình tặng cán bộ quản giáo Trại giam Hỏa Lò; Báo The Veterran (Cựu chiến binh) số 2, tập 47 do các cựu chiến binh Mỹ chống chiến tranh VN quyên góp kinh phí để xuất bản tại New York, Hoa Kỳ, mùa thu năm 2017...
Cuộc chiến Việt- Mỹ đã để lại nhiều nỗi đau dai dẳng cho những người lính trận mạc ở cả hai chiến tuyến. 25 năm qua, cùng với chính phủ, không ít cựu binh Mỹ đã quay trở lại Việt Nam với mong muốn góp phần giảm đi những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại trên mảnh đất này. Cần mẫn, âm thầm, những người từng ở phía bên kia chiến tuyến đã và đang nỗ lực hàn gắn vết thương thời chiến, cùng chung tay tìm kiếm quân nhân mất tích, rà phá bom đạn chưa nổ, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam.
“Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”, dễ dàng nhận thấy những đóng góp không nhỏ của Thủ đô Hà Nội vào nỗ lực chung của cả nước để gìn giữ hòa bình, xây dựng, phát triển đất nước giàu đẹp.Bà Kellee Farmer, Tùy viên văn hóa của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, có mặt trong triển lãm, bày tỏ:“Hà Nội - Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đó là lý do Hà Nội xứng đáng được vinh danh là Hà Nội - Thành phố Vì hòa bình. Thông điệp hòa bình mà Hà Nội nói riêng và VN nói chung đang thực hiện đã giúp nhân dân hai nước khép lại quá khứ, mở ra mối quan hệ mới tốt đẹp, hướng tới tương lai hợp tác, cùng phát triển”.
20 năm sau khi được UNESCO trao tặng danh hiệu “Hà Nộ - Thành phố Vì hòa bình”, Hà Nội tiếp tục nỗ lực chuyển mình, không chỉ là thành phố năng động, mà còn tạo dựng được môi trường sống yên bình, cởi mở, phát triển. Ngày hôm nay, danh hiệu cao quý này vừa là động lực, vừa là thách thức để Hà Nội phấn đấu không ngừng, chung tay góp sức vì một thế giới hòa bình, nền tảng vững chắc cho tương lai.
Ông Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Mỹ, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ xúc động cho biết: “Với tên gọi “Nhật ký Hòa bình” cuộc trưng bày lại được tổ chức tại một địa danh linh thiêng biểu tượng cho tinh thần anh dũng quật cường, sự hi sinh cao cả của biết bao người Việt Nam yêu nước đã đấu tranh cho độc lập, tự do và hòa bình của Việt Nam. Sự cộng hưởng về ý nghĩa lớn còn bởi cuộc triển lãm diễn ra tại Thủ đô Hà Nội “Thành phố vì Hòa bình”.
Bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam khẳng định: Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, Hà Nội vẫn là điểm sáng thể hiệnkhát vọng hòa bình, tinh thần đấu tranhvì hòa bình của dân tộc. Trong thời bình, Hà Nội phát triển vững mạnh, đổi thay từng ngày. Nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong việc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, thân thiện, mến khách… đã cho thấy khát vọng vươn lên, niềmyêu chuộng hòa bình của người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung.
“Nhật ký Hòa bình” hôm nay là một minh chứng nữa của khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam. Đây cũng là thông điệp hãy chung tay viết tiếp những trang sử hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân Mỹ và thế giới, được truyền đi từ một địa danh linh thiêng- Nhà tù lịch sử Hỏa Lò, Hà Nội.
Trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan đến hết tháng 12/2019 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Từ khóa: Nhật ký hòa bình, Nhật ký hòa bình tại hoả lò, nhà tù hoả lò,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN