Tiêm kích F-16 ở Ukraine sẽ được trang bị những vũ khí nào?
Cập nhật: 19/08/2024
Bộ Tư lệnh TP.HCM báo công Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu 5 vững mạnh toàn diện
VOV.VN - Theo WSJ, Mỹ đã đồng ý trang bị tên lửa và các loại vũ khí tiên tiến khác cho tiêm kích F-16 đang được gửi đến Ukraine.
Đan Mạch và Hà Lan đang chuẩn bị gửi những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất đến Ukraine vào mùa hè này. Một số chiếc khác sẽ do Bỉ và Na Uy cung cấp. Tuy nhiên đến nay, nguồn cung cấp vũ khí cho các tiêm kích này vẫn chưa được giải quyết.
Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, mặc dù Lầu Năm Góc có khả năng sản xuất và số lượng lưu kho hạn chế, nhưng Washington sẽ cung cấp cho tiêm kích F-16 ở Ukraine các loại đạn dược không đối đất, bộ dẫn đường chính xác cho bom và tên lửa không đối không tiên tiến, với số lượng đủ để đáp ứng nhu cầu cấp thiết nhất của Kiev.
F-16 là một trong những khí tài nổi bật nhất mà phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine khi nước này tìm cách xoay chuyển tình thế trong cuộc xung đột với Nga.
Cả Ukraine và các quốc gia tài trợ máy bay đều cho rằng F-16 sẽ tăng cường sức mạnh cho quân đội Ukraine, nhưng họ cũng thừa nhận những thách thức trong việc đào tạo đủ số lượng phi công, bảo dưỡng máy bay và xác định chiến lược tốt nhất để sử dụng tiêm kích phương Tây.
“Đây là một sự bổ sung quan trọng nhưng bản thân nó không thay đổi cục diện xung đột”, Ngoại trưởng Na Uy Espen Barth Eide nói về việc cung cấp F-16 cho Ukraine.
Các loại vũ khí dành cho F-16 mà Mỹ dự kiến gửi cho Ukraine bao gồm tên lửa không đối đất AGM-88 HARM; bộ JDAM chuyển đổi bom không dẫn đường thành vũ khí thông minh; bom đường kính cỡ nhỏ. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ gửi tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AMRAAM và tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X.
“Bản thân máy bay sẽ vô giá trị nếu không có vũ khí”, Thiếu tướng Rolf Folland, Tổng tư lệnh Không quân Hoàng gia Na Uy cho biết.
Tại châu Âu, nhiều nước không muốn gửi số lượng lớn vũ khí phóng từ trên không của mình cho Ukraine. Do đó, các đồng minh của Washington đã đưa ra một giải pháp, theo đó họ sẽ góp tiền để mua vũ khí phóng từ trên không của Mỹ để gửi cho Ukraine.
Tuy nhiên việc trang bị vũ khí cho F-16 chỉ là một trong nhiều thách thức mà Ukraine phải đối mặt khi họ nhận được máy bay. Số lượng máy bay tổng cộng khoảng 80 chiếc sẽ không được giao cùng một lúc. Các máy bay F-16 của Đan Mạch sẽ được giao theo từng giai đoạn trong 8 tháng.
Khi F-16 đến Ukraine, rào cản tiếp theo sẽ là đảm bảo có đủ phi công và đội ngũ bảo trì để vận hành chúng.
Việc bảo dưỡng F-16 tại Ukraine dự kiến sẽ rất khó khăn. Ukraine sẽ cần có nguồn cung cấp phụ tùng thay thế ổn định và điều này gây khó khăn cho các khoản viện trợ vũ khí khác của phương Tây, từ lựu pháo đến xe tăng.
Theo kế hoạch hiện tại, các nhân viên Ukraine sẽ thực hiện hầu hết các công việc bảo dưỡng trong nước. Công việc phức tạp hơn như bảo dưỡng động cơ ban đầu sẽ cần được thực hiện ở nước ngoài. Việc các nước châu Âu cử nhà thầu quân sự tới Ukraine để giúp bảo dưỡng máy bay F-16 đang được thảo luận.
Hầu hết công việc sửa chữa có thể được thực hiện gần khu vực chiến sự thay vì ở Mỹ, nhưng Ukraine sẽ cần có cơ sở sửa chữa động cơ đặt tại nước này.
Cho dù vấn đề về phi công và quy trình bảo dưỡng được giải quyết, vẫn sẽ có rủi ro đáng kể khi đưa F-16 vào chiến đấu, đặc biệt là vì các phi công Ukraine đã quen lái máy bay chiến đấu của Liên Xô.
Một phi công F-16 của Đan Mạch thường mất hơn 4 năm để đào tạo đầy đủ, trong khi các phi công Ukraine chỉ có thời gian khoảng một năm.
Không giống như các phi công F-16 của Mỹ thường sẽ có ít nhất 1 năm học hỏi tại đơn vị trước khi triển khai, các phi công Ukraine sẽ trực tiếp tham gia chiến đấu.
Hiện tại vẫn chưa rõ F-16 sẽ được sử dụng như thế nào để chống lại lực lượng Nga.
Washington được cho là sẽ hạn chế Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho F-16 để tấn công lãnh thổ Nga, giống như họ đã làm với các loại vũ khí khác. Ukraine sẽ chỉ được phép sử dụng chúng nhắm vào lãnh thổ Nga trong trường hợp đáp trả các cuộc tấn công từ bên kia biên giới.
Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây cho biết, F-16 có thể mất một thời gian để tích hợp vào lực lượng vũ trang Ukraine và cũng sẽ mất nhiều tháng để có thể đem lại tác động đáng kể trên chiến trường.
Ukraine muốn sử dụng F-16 theo cách đưa chúng bay đến biên giới và tấn công vào Nga, nhưng chiến thuật như vậy không thực tế trong môi trường hiện tại do các mối đe dọa từ tên lửa đất đối không của Nga.
Theo giới chức Mỹ, chiến lược sử dụng F-16 hiệu quả nhất ở Ukraine là hỗ trợ trên không tầm gần hoặc tiêu diệt các mối đe dọa mặt đất đối với binh sĩ ở tiền tuyến.
Trong khi đó, giới chức châu Âu cho rằng F-16 có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ phòng không và có khả năng giúp đẩy lực lượng không quân Nga ra xa khỏi tiền tuyến, nơi máy bay của Moscow thả hàng nghìn quả bom lượn mỗi tháng với sức tàn phá khủng khiếp. Những quả bom được trang bị bộ dẫn đường giá rẻ này đã chứng minh được tính quyết định trong các trận chiến nổi bật như Avdiivka.
“F-16 sẽ không phải là viên đạn bạc. Nhưng nếu Ukraine có F-16 với vũ khí tầm xa, họ có thể đẩy lực lượng không quân Nga ra xa hơn và đó là điều quan trọng nhất”, Thiếu tướng Không quân Hoàng gia Na Uy Folland nhận đinh.
Từ khóa: tiêm kích F-16, Ukraine,tên lửa HARM,tên lửa AMRAAM,AIM-9X, vũ khí Mỹ, chiến lược sử dụng F-16
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: hoàng phạm/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN