Thuỷ sản thiếu kho đông lạnh trầm trọng, phải “gánh” nhiều khoản phí

Cập nhật: 03/04/2020

VOV.VN - Thuỷ sản phục vụ xuất khẩu đang thiếu kho lạnh trầm trọng, và các đơn hàng xuất khẩu phải cộng thêm nhiều khoản phí phát sinh do đại dịch Covid-19.

Nhiều đơn hàng dừng, huỷ

Theo số liệu thống kê của Hải quan, tính đến hết tháng 2/2020, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 991 triệu USD, giảm gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xuất khẩu, ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh 44%. Xuất khẩu sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế, kinh doanh xuất khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tỷ lệ các đơn hàng xuất khẩu vẫn được giao bình thường theo hợp đồng đã ký chỉ chiếm 30-50%. Trong khi đó, tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn và tỷ lệ các đơn hàng bị khách yêu cầu dừng hoặc hủy khá cao (lần lượt 20-40% và 20-30%).

thuy san thieu kho dong lanh tram trong, phai "ganh" nhieu khoan phi hinh 1
Thuỷ sản xuất khẩu nhiều đơn hàng dừng và huỷ do dịch Covid-19.

Các thị trường có tỷ lệ khách hàng yêu cầu hoãn giao hàng hoặc hủy đơn hàng tập trung chủ yếu tại thị trường châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc (từ tháng 3 thì thị trường Trung Quốc bắt đầu có dần các đơn hàng trở lại) các thị trường khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga... cũng có các đơn hàng bị hoãn và hủy nhưng không nhiều như nhóm thị trường kể trên.

Đặc biệt, tại thị trường châu Âu phần lớn các đơn hàng tôm bị yêu cầu hoãn hoặc hủy đơn hàng, mặt hàng cá tra chịu tác động ít hơn do giá tiêu thụ rẻ hơn và chủ yếu bán cho các hệ thống siêu thị. Nguyên nhân chính được khách hàng đưa ra là do Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì dịch Covid-19. Khách hàng không bán được hàng nên không nhập hàng tiếp, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm (food service) cũng ngừng hoạt động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

“Gánh” thêm nhiều khoản phí

Dự báo của VASEP, mặt hàng tôm xuất khẩu ở các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6 - 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.

Với mặt hàng cá tra không lo ngại nhiều về nguyên liệu, nhưng nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn. Đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của FSIS vì hiện nay chúng ta phải làm việc với Mỹ về cơ sở nuôi đủ điều kiện, đảm bảo khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau dịch vẫn tốt.

Việc xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc thông qua thương lái, gia công sẽ phải hạn chế, như vậy thị trường này cũng sẽ ổn hơn thông qua xuất khẩu chính ngạch, như vậy ngành cá tra sẽ ổn định không bị dư thừa hay thiếu hụt. Năm 2020 chắc chắn không thiếu nguyên liệu cá tra nhưng năm tới có thể thiếu.

thuy san thieu kho dong lanh tram trong, phai "ganh" nhieu khoan phi hinh 2
Trong nước, sản xuất thuỷ sản phục vụ xuất khẩu đang thiếu kho lạnh trầm trọng.

Dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp, hầu hết tất cả các doanh nghiệp thuỷ sản đều gặp khó khăn. Xuất khẩu hàng hóa và sự tiêu thụ chậm hàng hóa nên các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề thanh toán từ khách hàng (nhiều khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng). Điều này dẫn đến các doanh nghiệp không xoay vòng được vốn và thanh toán các khoản vay với ngân hàng.

Lãi suất vay ngân hàng cao, mặc dù đến nay, đã có 1 số Ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay (theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Quyết định 420/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước) nhưng việc thực hiện chưa đồng đều tại các ngân hàng thương mại và tại các địa phương. Mức giảm lãi suất chỉ áp dụng đối với các khoản vay mới, các khoản vay cũ không được áp dụng.

Theo VASEP, doanh nghiệp thuỷ sản bị “gánh” nhiều loại chi phí: phí chuyển tiền trong và ngoài nước, phí xử lý bộ chứng từ, phí hồ sơ xuất khẩu, phí giao dịch, phí điện, phí gởi hồ sơ... tại ngân hàng.

Những chi phí này tiếp tục phát sinh nhiều khoản chi phí mới do tình hình vận chuyển hàng hóa khi xảy ra dịch đó là: chi phí thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, chi phí lưu hàng tại cảng, chi phí mua trang thiết bị y tế để phòng tránh dịch Covid-19…

Trong nước, sản xuất thuỷ sản phục vụ xuất khẩu đang thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các doanh nghiệp không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm cá mà bà con nông-ngư dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại.

Kho lạnh không chỉ là điều kiện cần để có thể hỗ trợ tối đa cho việc thu mua hết nguyên liệu cho người dân, mà còn là mắt xích chính để giúp doanh nghiệp chủ động trong các giao dịch ký hợp đồng với quốc tế. Tuy nhiên, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.

VASEP đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách có giải pháp cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên. Hỗ trợ giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành./.

Từ khóa: thuỷ sản, thuỷ sản xuất khẩu, thiếu kho đông lạnh, "gánh" nhiều khoản phí, dịch Covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập