Thủ tướng lắng nghe nhiều ý kiến tâm huyết tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ, vừa là Chủ tịch Hội đồng Vùng Đông Nam bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 5, là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện quyết tâm hành động đưa đầu tàu kinh tế của đất nước-TP.HCM, vượt qua chướng ngại vật, bứt phá trong thời gian tới.

Tham dự lễ khai mạc và phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5- năm 2024 diễn ra vào sáng 25/9, có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các bộ ngành, lãnh đạo TP.HCM và nhiều tỉnh thành, chuyên gia trong và ngoài nước.

Hành động đưa TP.HCM bứt phá

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM” một lần nữa xác định công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách, tạo tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển các ngành khác.

Vì vậy TP.HCM đặt kỳ vọng là đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2050, TP.HCM trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục.

Phát biểu chào mừng diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh, sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ, vừa là Chủ tịch Hội đồng Vùng Đông Nam bộ, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện quyết tâm hành động đưa đầu tàu kinh tế của đất nước - TP.HCM, vượt qua chướng ngại vật, bứt phá trong thời gian tới. 

"Tại Diễn đàn này, TP.HCM lắng nghe và thu nhận rất nhiều ý kiến trao đổi, kinh nghiệm, hiến kế hay, quý của các đại biểu trong và ngoài nước. Chính quyền Thành phố cũng đã cam kết hành động cụ thể trên nhiều lĩnh vực, cho từng giai đoạn ngắn-trung-dài hạn. TP.HCM nghiêm túc tiếp thu và tổ chức thực hiện hiệu quả những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các hoạt động của Diễn đàn này" - ông Nguyễn Văn Nên cho biết.

Ngay sau phát biểu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Phiên toàn thể của Diễn đàn với các tham luận đề cập yêu cầu và mục tiêu chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM, vai trò của trung tâm công nghiệp 4.0…

Nắm bắt xu hướng để chuyển đổi

Trình bày về định hướng chuyển đổi công nghiệp TP.HCM, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: TP.HCM triển khai chuyển đổi công nghiệp từ khá sớm, từ năm 2000 đã có sự dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các khu công nghiệp ô nhiễm và sử dụng nhiều lao động. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghiệp thông minh, có khu công nghiệp công nghệ cao. Đến 2023, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP có tỷ lệ công nghiệp kinh tế số đóng góp gần 15% ttrong GDP, giá trị sản xuất khu công nghệ cao tích lũy đạt 150 tỷ USD.

Tuy nhiên, chuyển đổi xanh hiện mới chỉ có những mô hình ban đầu. Kinh tế tuần hoàn còn nhiều vướng mắc, đang định hình đường hướng phát triển, năng lực cạnh tranh khiêm tốn, thiếu doanh nghiệp dẫn đầu. Các ngành công nghiệp còn phát triển theo chiều rộng, dựa vào lao động nhiều và đã đạt giới hạn, chi phí  thuê đất công nghiệp cao.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết vai trò đóng góp của TP.HCM đang sụt giảm, GDP, tỷ lệ xuất khẩu đang sụt giảm. Năm 2023, giá trị gia tăng chỉ chiếm 12 tỷ USD và chiếm 19% GDP của Thành phố, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 32%. TP.HCM đang chuyển sang phát chuyển thương mại, dịch vụ nhưng công nghiệp phát triển chưa bền vững và thực sự hiệu quả, đây là những hạn chế của Thành phố thời gian qua.

Trước những hạn chế và thách thức này, TP.HCM đã triển khai nhiều chính sách chuyển đổi công năng các khu công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.  UBND TP vừa ban hành kế họach hành động tăng trưởng xanh với 14 giải pháp sẽ làm rất mạnh trong thời gian tới. TP. HCM cũng đã triển khai chiến lược phát triển vi mạch đến năm 2030...

Trao đổi về xu hướng chủ đạo trong chuyển đổi công nghiệp trên thế giới, bà Kiva Allgood, Giám đốc Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, Thành viên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết, các xu thế chủ đạo chuyển đổi chuyển đổi công nghiệp trên thế giới chịu tác động của việc xuất hiện liên tục các công nghệ mới. Sản xuất công nghiệp có sự thay đổi sâu sắc do sự dịch chuyển chuỗi chung ứng cũng như nhu cầu tiêu dùng sản phẩm bền vững ngày càng cao.

Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) là chìa khoá mới cho công nghiệp sau thời kỳ tự động hoá, robotics. AI giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và Diễn đàn kinh tế thế giới là nơi mà các quốc gia, những chuyên gia hàng đầu  chia sẻ ý tưởng, sáng kiến mới cũng như các thông tin dữ liệu.

Biến đổi khí hậu cũng là một trong những yếu tố tác động lớn đến kinh tế và thúc đẩy xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững, thực hiện ESG góp phần cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.

Một trong những xu hướng khó dự báo nhất nhưng đang diễn ra đó là sự dịch chuyển về địa chính trị, việc này đỏi hỏi các quốc gia, doanh nghiệp phải có phương án dự phòng để duy trì tính liên tục của chuỗi cung ứng. Mức độ sẵn sàng thích ứng của mỗi quốc gia quyết định việc quốc gia đó có nắm bắt được cơ hội trong làn sóng dịch chuyển sản xuất, đầu tư sau mỗi biến động.

Theo bà  Kiva Allgood, các xu hướng lớn đang thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp sẽ đặt ra những thách thức nhưng cũng mang lại những cơ hội đáng kinh ngạc cho TP.HCM và Việt Nam. Với vị trí rất chiến lược và cơ sở sản xuất đã được thiết lập đây là thời điểm để TP.HCM, để Việt Nam tiếp tục phát triển, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất. Cùng với sự thành lập Trung tâm C4IR tại TP.HCM - Việt Nam, Chính phủ, ngành công nghiệp, chuyên gia, hãy cùng nhau nắm bắt thời điểm này và định hình tương lai của ngành sản xuất.

Chiều 25/9, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024 diễn ra phiên đối thoại chính sách trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành để làm cụ thể hơn các chính sách hỗ trợ chuyển đổi công nghiệp.

 

Từ khóa: Diễn đàn Kinh tế, Thủ tướng,Phạm Minh Chính,Diễn đàn Kinh tế TP.HCM,chuyển đôỉ công nghiệp,TP.HCM

Thể loại: Nội chính

Tác giả: nhóm pv/vov-tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan