Thủ tướng: Không thể vô cảm trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp
Cập nhật: 19/08/2020
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN -"Tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn, không thể vô cảm trước khó khăn của người dân, doanh nghiệp".
Chiều 19/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủcho ý kiến định hướng vào dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho 5 năm tới và dự thảo Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của năm nay
Thủ tướng chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 19/8 |
Sau khi các bộ, ngành nêu ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp các bộ ngành tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các dự thảo kế hoạch, báo cáo, tài liệu liên quan để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 tới. Từ đó kịp thời hoàn thiện để báo cáo Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề thuộc thẩm quyền.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo nền kinh tế không bị đứt gãy bởi Covid-19 không chỉ năm nay mà cả năm tới, đảm bảo giải quyết việc làm, đời sống cho nhân dân. Tinh thần là chủ động xây dựng kế hoạch, càng khó khăn càng phải tích cực nỗ lực vươn lên.
"Tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn, không thể vô cảm trước khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đối với các thành viên Chính phủ. Chúng ta cần thể hiện trách nhiệm trước nhân dân, trước đất nước, không "quyền anh quyền tôi", không được để tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Tất cả Chính phủ, thành viên Chính phủ thống nhất quan điểm nỗ lực hành động để hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội năm nay, năm 2021 và các năm tiếp theo" - Thủ tướng nói.
Nhắc lại việc các nước trên thế giới đều có nhiều biện pháp giúp giảm tác động của Covid-19, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cũng đã có nhưng chưa có các gói lớn. Do đó, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các địa phương hỗ trợ kịp thời, đủ mạnh đối với người dân và doanh nghiệp đang khó khăn hiện nay. Nhất là khi những ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể còn tiếp theo đến cuối năm.
Nhấn mạnh các đối sách phải chủ động, linh hoạt, phù hợp với trạng thái bình thường mới, Thủ tướng yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa và tiên tệ linh hoạt, mạnh mẽ hơn, nhất là chính sách tài khóa cần tập trung kích thích tổng cầu, tạo thu nhập và tăng trưởng. Đây là việc làm hết sức cần thiết mà nhiều nước đang áp dụng.
Do đó, phương án dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021, thậm chí là một số năm tiếp theo, phải tính toán đến việc khoan thư sức dân. Cần tiếp tục đặt ra chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí. Nhiều chuyên gia đã đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng để kích tiêu dùng nội địa. Thủ tướng cho rằng, quan điểm chính sách phải rõ ràng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Đối với chính sách an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh đến lao động mất việc làm, lao động khu vực phi chính thức, hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao tay nghề, tận dụng sự thay đổi chuỗi cung ứng. Tiếp tục hỗ trợ một số lĩnh vực rất khó khăn như vận tải, du lịch, dệt may, y tế, giáo dục.
Thúc đẩy các chính sách kinh tế mới thông qua các ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo, thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thúc đẩy phát triển nền tảng trực tuyến như đào tạo từ xa, khám chữa bệnh từ xa…
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng hoan nghênh nhiều thành viên Chính phủ đã nhấn mạnh việc tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bằng tất cả các nguồn lực có thể. Trong đó cần tập trung vào các chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ như đường cao tốc Bắc-Nam, đường ven biển từ Quảng Ninh đến miền Trung, đến Tây Nam bộ; những tuyến xuyên tâm. Bên cạnh đó là tập trung cho những chương trình đầu tư về công nghệ, đặc biệt là chiến lược kinh tế số của Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, rà soát để sửa Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là phân cấp ngân sách nhà nước cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.
Cùng với xây dựng kế hoạch, phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, Thủ tướng yêu cầu báo cáo cần thể hiện rõ chủ trương, giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có các thành phần kinh tế, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài, để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là khi hiện đang có nhiều tập đoàn lớn của thế giới đang muốn đầu tư vào Việt Nam.
Trong dự thảo kế hoạch kinh tế xã hội năm 2021, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh đến vấn đề ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đề xuất mức độ tăng trưởng kinh tế phải trên cơ sở đánh giá sát tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó cần dự báo và lường trước vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai.../.
Từ khóa: Thủ tướng Nguyễn xuân phúc, covid-19, doanh nghiệp, phát triển kinh tế
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN