Thủ tướng: ĐBSCL phải thổi hồn vào cây lúa bằng công nghệ số, bằng phát triển xanh
Cập nhật: 15/10/2024
Thủ tướng: Nếu không tạo đột phá, Đà Nẵng vẫn mãi "lẹt đẹt"
Bộ Nội vụ: Cơ bản hoàn thành đề án tinh gọn bộ máy trình Bộ Chính trị
VOV.VN - Chiều 15/10, tại TP. Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và 12 tỉnh, thành phố vùng Đồng Bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam là quốc gia đầu tiên thực hiện chương trình sản xuất lúa giảm phát thải trên quy mô lớn. Đây cũng là đề án đầu tiên trên thế giới về sản xuất một triệu hec-ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp ở quy mô cấp Chính phủ chỉ đạo, nên nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác quốc tế. Đây là Đề án hết sức ý nghĩa với người nông dân vùng ĐBSCL, với ngành hàng lúa gạo và với nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đã nhấn mạnh 5 vấn đề mang tính định hướng để triển khai hiệu quả đề án.
"Ta phải thổi hồn vào cây lúa bằng công nghệ số, bằng phát triển xanh, bằng kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thứ hai là, chúng ta yêu quý cây lúa như là yêu quý chính bản thân mình. Từ đó mới tạo ra được một cuộc cách mạng cho cây lúa của đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và các công việc nói chung;
Thứ ba, là huy động nguồn lực thì phải đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực của Trung ương, nguồn lực của địa phương, nguồn lực hợp tác công tư, nguồn lực đi vay, phát hành trái phiếu, nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực của nhân dân;
Thứ tư là, sử dụng nguồn lực về khoa học và hiệu quả, xóa bỏ cơ chế xin cho, bao cấp, xóa bỏ thủ tục hành chính rườm rà, và làm sao nguồn lực này phải đến tận địa phương, đến tận cơ sở sản xuất, đến tận người nông dân;
Thứ năm là, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị nhưng trước hết là tính tự lực, tự cường của các địa phương và huy động sức mạnh của người dân, nhân dân làm nên lịch sử, sức mạnh chính là ở người dân nhưng phải có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp".
Về mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu, tăng tốc, bứt phá hơn nữa để đạt 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp càng sớm càng tốt, chậm nhất đến năm 2030 phải đạt nhưng cần nỗ lực đạt sớm hơn. Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh 11 nhiệm vụ giải pháp cụ thể, trong đó, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài, phải hoàn thành việc này trong quý 2 năm sau. Ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa trong phân khúc chất lượng cao. Thủ tướng giao các bộ liên quan phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên, đề xuất Quốc hội, cố gắng trình tại kỳ họp sắp tới. Đồng thời, huy động nguồn vốn, ngành ngân hàng hỗ trợ, nghiên cứu gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ.
Về vay vốn của các đối tác phát triển, Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm vay và cấp phát cho địa phương. Bộ Tài chính lập quỹ hỗ trợ 1 triệu ha gồm nguồn vốn của Nhà nước, vốn bán tín chỉ carbon, vốn xã hội hóa và các nguồn vốn hợp pháp khác. Thủ tướng giao nhiều nhiệm vụ cụ thể khác cho các bộ, ngành như: kết nối thị trường trong nước, ngoài nước, kết nối các doanh nghiệp, đối tác, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm; xây dựng đề án tổng thể để bảo vệ ĐBSCL, trong đó có cây lúa; giảm phát thải, giảm khí metal, bán chứng chỉ carbon, có sản phẩm trong quý 2 năm sau.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường kết nối doanh nghiệp với địa phương, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh để phát triển, tiêu thụ các sản phẩm lúa gạo; đề nghị các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tham gia, ngay từ đầu, hỗ trợ tư vấn, kinh nghiệm quốc tế, hỗ trợ tài chính.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị phải tập hợp nông dân bằng nhiều hình thức khác nhau như hợp tác xã, để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường; các bộ ngành, các địa phương phối hợp, liên kết với nhau, với doanh nghiệp, các nhà khoa học. Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án, tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm.
Từ khóa: thủ tướng, ĐBSCL, đồng bằng sông cửu long, cây lúa, phát triển cây lúa, vùng chuyên canh lúa, thủ tướng, thủ tướng phạm minh chính,sản xuất lúa chất lượng cao
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vũ khuyên/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN