Thơ và văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm nhìn lại
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Ngày 26/8, tại Bến Tre, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Thơ và Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm (1975-2020)”.
Hơn 100 đại biểu là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đến từ 13 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh đã tham dựhội thảo “Thơ và Văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long 45 năm (1975-2020)”.
Nhưng có tham luận nào đưa ra giải pháp có thể thực hiện ngay để quảng bá văn học khu vực này đi xa hơn địa phương mình?
Các tờ văn nghệ địa phương hay truyền thông địa phương có dành cho văn học chuyên trang chuyên đề, tỉ lệ bao nhiêu?
Sự giao lưu với các địa phương trong khu vực và khu vực với các địa phương trong cả nước như một kênh cho văn học khu vực này lan tỏa khi nào trở thành hoạt động thường xuyên?
Sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo để "tiếp sức" cho các nhà văn khu vực đưa tác phẩm đi xa?....
Đoàn Chủ tịch của hội thảo. |
10/20 tham luận trình bày tại hội thảo nhấn mạnh, văn chương đồng bằng sông Cửu Long từ sau năm 1975 được bồi đắp với ba thế hệ cầm bút. Thứ nhất là những nhà văn từ kháng chiến tiếp tục cống hiến như: Nguyễn Bá, Anh Động, Lê Chí. Thứ hai là những tác giả trưởng thành sau năm 1975 như: Vũ Hồng, Lê Thanh My, Thai Sắc, Hữu Nhân.
Và thế hệ thứ ba là những cây bút sinh ra trong thời bình như: Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Lê Minh Nhựt, Vũ Thiên Kiều. Về thơ, miền Tây Nam bộ có những tên tuổi như Trịnh Bửu Hoài, Đinh Thị Thu Vân, Kim Ba, Song Hảo, Thai Sắc, Lê Tân, Hồ Thanh Điền…
Về văn xuôi, ngoài sự tỏa sáng của Nguyễn Ngọc Tư còn có các tác giả quen thuộc Ngô Khắc Tài, Phan Trung Nghĩa, Phạm Trung Khâu, Mai Bửu Minh, Hồ Tĩnh Tâm, Trần Dũng… Và nhiều gương mặt mới đang tiếp cận bạn đọc cả nước như Văn Triều, Trương Thị Thanh Hiền, Đông Triều, Nguyễn Thanh Hải, Phạm Thị Toán… Đội ngũ ấy không ngừng bổ sung với tinh thần sáng tạo của những người viết giữa những kênh rạch phù sa.
Nói đến văn chương đồng bằng mà chỉ nhắc những nhà văn, nhà thơ đang mỗi ngày hít thở cùng chín dòng sông thì e rằng hơi thiếu sót. Vì từ nơi đây, đã có những tài năng nhập cư vào các đô thị lớn và đóng góp những tác phẩm chinh phục độc giả cả nước như Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc, Trần Thanh Phương, Lê Giang, Bích Ngân, Trúc Phương, Võ Đắc Danh, Nguyễn Trọng Tín… Họ dù không còn sinh sống ở miền Tây, nhưng hồn vía miền Tây và cốt cách miền Tây làm nên phẩm chất văn chương của họ.
Từ năm 1975-2020, sự nghiệp văn học nghệ thuật nói chung và ngành văn học nói riêng (văn xuôi, thơ, lý luận phê bình và các thể loại khác) ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh đã có bước phát triển khá toàn diện và đáng được ghi nhận, với nhiều thành tựu nổi bật, góp phần vào sự nghiệp thơ văn xuôi của nước nhà.
Cụ thể, nhiều công trình nghiên cứu, sưu khảo chuyên sâu về lịch sử, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, ngôn ngữ; nhiều bộ - tập tiểu thuyết phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc khác nhau. Đặc biệt, viết về đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang. Nhiều trường ca hoành tráng về đất và người phương Nam từ thuở đi khai hoang mở cõi. Đến hôm nay, có hàng trăm vở kịch, hàng ngàn tập thơ, tập truyện ngắn, bút ký, truyện ký... ra đời mang đến món ăn tinh thần bổ ích, lành mạnh cho mọi người.
Qua đó, động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần tích cực sáng tạo, chủ động trong lao động, từng bước làm chủ kinh tế tri thức, hội nhập vào kinh tế thị trường thế giới đang không ngừng phát triển, tiến tới một xã hội văn minh, giàu đẹp.
Nhìn trên bình diện văn chương toàn quốc, tác phẩm của các tác giả miền Tây Nam bộ luôn có vẻ hiền hòa và dào dạt như dòng chảy sông Tiền và sông Hậu. Nhưng cũng có đôi lần nổi sóng đáng chú ý, đó là những xôn xao quanh tác phẩm của ba nhà văn nữ: “Con chó và vụ ly hôn” của Dạ Ngân, “Thị trấn không đèn” của Trầm Hương và “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư. Ba mảnh hiện thực cồn cào chảy vào trang viết, đã buộc độc giả nghĩ thêm về những chuyển động vừa rộn ràng vừa bất an của đồng bằng sông Cửu Long hôm nay.
Cần Thơ tuy là đô thị lớn nhất, nhưng chưa có vai trò trung tâm cho sinh hoạt văn chương đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại, tỉnh An Giang thu hút được sự chú ý của công chúng hơn, vì ngoài địa chỉ Long Xuyên còn có mảnh đất Châu Đốc trầm tích văn hóa lâu đời. Nếu tính theo hội tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì tỉnh An Giang cũng có nhiều hội viên nhất: 11 người! Hiện nay, tỉnh An Giang đang có những cây bút trẻ đầy triển vọng như Lê Quang Trạng, Vĩnh Thông, Huỳnh Ngọc Phước, Huỳnh Trọng Khang…
Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá, văn học khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hiện nhiều cây bút nữ có sức viết khỏe đem đến những “bất ngờ và thỏa lòng chờ đợi của những ai có khả năng chờ đợi”. Chính những nhân tố tiêu biểu của văn học khu vực đã bổ sung những giá trị của đất và con người phương Nam trong lòng của cả nước. Tuy nhiên, khu vực ít có những cây bút phê bình. Ông mong muốn cơ quan hội và hội viên phấn đấu theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Các hội viên phải tiếp tục suy nghĩ để có quá trình “kết tinh sớm”.
Để làm được điều đó, hội không đầu tư giàn trải mà phải đầu tư đích đáng hơn, triệt tiêu các giá trị trung bình phổ biết trong quá trình sáng tác; quan tâm phát triển những cây bút lý luận phê bình để làm nổi bật và chấp cánh cho văn thơ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Và sau Hội thảo, thì điều trăn trở vẫn đọng lại, là làm sao cho văn học sông Cửu Long tỏa sáng, lan tỏa đến những khu vực khác trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại. Điều này rất cần không chỉ tự thân nhà văn phải PR cho tác phẩm của mình, mà còn là các cơ quan truyền thông, các lãnh đạo của tỉnh, khu vực chú ý quan tâm để giúp cho văn học được “lên sóng”.
Ngoài ra, cũng nên có thật nhiều cuộc giao lưu trao văn học giữa các tình, và khu vực lân cận cũng như cả nước, để văn chương sông Cửu Long được biết tên biết tiếng./.
Từ khóa: đồng bằng sông cửu long, văn học, thơ và văn xuôi, thơ đồng bằng sông cừu long
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN