Thiết kế vi mạch, nguồn nhân lực được săn đón

Cập nhật: 17/06/2024

VOV.VN - Lĩnh vực thiết kế vi mạch là một lĩnh vực khó, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực, nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã chủ động đào tạo chuyên sâu kết hợp thực hành trong những điều kiện, mô hình hiện đại. Đồng thời có những chính sách học bổng, sở hữu cổ phần... để giữ chân nhân lực

Bí quyết săn nhân lực

Tốt nghiệp Đại học Bách Khóa TP.HCM và hoàn thành chương trình “kỹ sư tài năng”, Nguyễn Việt Hưng, kỹ sư Điện - Điện tử được nhiều doanh nghiệp săn đón.

Sau 2 năm làm việc cho một tập đoàn hàng đầu về vi mạch, anh Hưng đã quyết định đầu quân cho Trung tâm thiết kế bán dẫn Marvell, một doanh nghiệp FDI – Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Có hai lĩnh vực quan trọng mà Marvell đang tập trung vào, đó là cơ sở dữ liệu đám mây (cloud datacenter) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Với kế hoạch mở rộng hoạt động và thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại Việt Nam, Marvell Việt Nam đang tăng tốc tuyển dụng.

5 năm làm việc tại đây, đến nay anh Hưng đang đảm nhiệm công việc kỹ sư kiểm định cho trung tâm. Dù vẫn được nhiều doanh nghiệp chào mời, nhưng chàng kỹ sư trẻ vẫn quyết định gắn bó với trung tâm này.

Làm việc tại đây không chỉ được phát huy khả năng nghề nghiệp trong không gian cởi mở, thường xuyên được trao dồi thông qua những thử thách mới, anh Hưng còn được hưởng rất nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài trẻ. Đặc biệt khi làm việc tại quê nhà vẫn đáp ứng được mức lương mong đợi cùng những chính sách khác.

Kỹ sư Nguyễn Việt Hưng bộc bạch: "Phúc lợi tại đây rất tốt, trong đó có cổ phiếu. Mỗi năm được nhân viên được chia sẻ một phần cổ phiếu của công ty đang được niêm yến ở bên Hoa Kỳ. Thực ra đây cũng là những phúc lợi rất thiết thực. Đồng thời cũng là động lực để mọi người làm việc hiệu quả. Giá trị lượng cổ phiếu cũng tăng giá thì đó cũng là động lực để mình công hiến tốt hơn cho công ty".

Để trở thành một kỹ sư trong ngành thiết kế vi mạch – bán dẫn đòi hỏi kỹ sư trẻ phải rất nỗ lực khi còn ở trên ghế nhà trường. Chi phí đầu tư cho việc học tập, nghiên cứu và hoàn thành đồ án khá tốn kém. Chính vì vậy những phần học bổng từ các doanh nghiệp chính là bệ phóng để sinh viên lĩnh vực này, thực hiện khát vọng trở thành kỹ sư trong ngành được cho là “hot” nhất hiện nay.

Sinh viên Phan Thị Diễm, năm 4- Khoa Điện tử - Viễn thông, trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM, một trong số nguồn nhân lực trẻ được Trung tâm thiết kế vi mạch  Marvell tại TP.HCM tặng học bổng với số tiền 2.000 USD.

Số tiền này đã giúp nữ sinh viên trang trải học phí, hỗ trợ nghiên cứu đồ án thực tập và bồi dưỡng Anh ngữ để phục vụ công việc.

Ngoài ra, Diễm cùng gần 60 sinh viên khác đang được huấn luyện để trở thành một nhân sự chính thức vào năm 2025.

"Em có dự định nếu được về làm việc cho Marvell sẽ triển khai sản xuất những gì mà đã được hướng dẫn tại công ty để tốt nghiệp. Đây cũng là một lợi thế cho kỹ sư trẻ. Với những chính sách tốt từ doanh nghiệp với các khoản lương, thưởng đặc biệt là thưởng cổ phiếu em cũng kỳ vọng được tham gia làm việc cho công ty"- sinh viên Phan Thị Diễm nói.

Cơ hội cho kỹ sư trẻ tiếp cận thực tiễn

Theo thống kê của Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), 95% nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho công nghệ vi mạch tại Việt Nam đến từ nước ngoài.

Với hơn 50 doanh nghiệp như: Intel, Amkor, Hana Micron (đóng gói, kiểm thử); Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo (thiết kế); Lam Research, Coherent (sản xuất thiết bị)… Cùng với đó, các công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip…

Việt Nam có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip, trong đó TP.HCM chiếm hơn 76% nhân lực. Trong các công đoạn sản xuất thì tập trung chủ yếu thiết kế vi mạch, khoảng 52%. Với tốc độ phát triển này, Việt Nam đang cần từ 5.000 đến 10.000 kỹ sư mỗi năm. Tuy nhiên, khả năng nhân lực đáp ứng hiện chưa đến 20%.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thách thức của kỹ sư trẻ Việt Nam là khả năng giao tiếp, đặc biệt là tiếng Anh, cũng như làm việc theo nhóm, khả năng trình bày và quản lý dự án. Đây là những hạn chế cần chú trọng cải thiện để phát triển đội ngũ nhân lực dồi dào.

Đối với nhóm các kỹ sư có kinh nghiệm từ 5 đến 15 năm, đặc biệt là những nhân lực có tầm nhìn và tiềm năng lớn, có thể quản lý được dự án, đảm nhiệm được khâu kiến trúc, quan trọng nhưng đang rất thiếu. Đây là một khó khăn chung vì công nghiệp bán dẫn vi mạch ở Việt Nam còn khá non trẻ, quy mô đào tạo còn giới hạn. Để khắc phục được điều này, cần nhiều thời gian đẩy mạnh để phục vụ cho chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi, Tiến sỹ Lê Quang Đạm, Tổng giám đốc Marvell Việt Nam phân tích: so sánh với các công ty trong khu vực, như: Malaysia, Singapore, Thái Lan, Phillipnes, nguồn nhân lực trong nước có kiến thức cơ bản vững chắc. Điều này trái ngược với một số nước khác, như Thái Lan - ngành thiết kế vi mạch Thái Lan rất ít phát triển vì nguồn nhân lực chưa mạnh, và thiết kế vi mạch không phải là sở trường của họ.

"Chúng tôi đang cố gắng làm việc với chính phủ, các trường đại học để cải thiện chất lượng đào tạo sinh viên, đào tạo thêm các môn chuyên ngành để khi sinh viên ra trường có thể rút ngắn thời gian thực tập, huấn luyện tại doanh nghiệp và bắt tay làm việc tại các dự án càng sớm càng tốt" -Tiến sỹ Lê Quang Đạm nói.

Trong ngành vi mạch bán dẫn thì có tới 80% nhân sự tập trung tại TP.HCM, khoảng 12% ở Đà Nẵng và phần còn lại ở Hà Nội. Nhiều doanh nghiệp đang có những chiến lược phối hợp, mở rộng điều phối việc đào tạo tại khu vực phía Bắc và miền Trung với nguồn nhân sự dồi dào và cạnh tranh ít hơn. Việc thu hút nhân tài luôn là thách thức lớn cho tất cả các doanh nghiệp. Đây cũng là một lợi thế để phát triển nhân lực trong thời gian tới. 

Từ khóa: vi mạch, thiết kế vi mạch, vi mạch, nhân lực, doanh nghiệp FDI

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nguyễn quang/vov-tp. hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập