Thay đổi tập quán chăn nuôi nâng cao hiệu quả kinh tế

Cập nhật: 03/09/2024

VOV.VN - Thời gian qua, nhiều nông dân ở Đắk Lắk đã thay đổi phương thức chăn nuôi gia súc từ chăn thả sang nuôi nhốt, hoặc bán chăn thả, nhờ đó đã mang lại hiệu quả kinh tế cũng như giúp phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

 

Gia đình ông Y Thêm ở buôn H’Lun, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đang nuôi 16 con bò. Theo tập quán trước đây, đàn bò thường được thả rông tự kiếm cỏ ăn. Nhưng thời gian gần đây, do đồng cỏ thu hẹp nên người dân mỗi sáng như ông Y Thêm sẽ đưa đàn bò đến những khu vực có bãi cỏ rộng chăn thả, chiều lùa về nhốt trong chuồng.

Thời điểm nào khan hiếm cỏ ngoài bãi, gia đình ông dùng cỏ trồng và mua thêm ngoài về cho đàn bò ăn bổ sung. Ông Y Thêm cho biết, từ khi làm chuồng, đàn bò được nuôi có quy củ, vệ sinh đúng nơi đúng chỗ, môi trường sạch sẽ, ít gây ô nhiễm.

“Trâu, bò chuyển vô đây thấy nhà cửa sạch sẽ khỏi mùi hôi. Trước đây, khách khứa đi đám cưới này kia thấy phân bò phân, trâu khó coi lắm. Bây giờ khoẻ hơn không có mùi hôi thối gì hết” - ông Y Thêm chia sẻ.

Ông Phạm Doãn Thắng, cán bộ thú y xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây, tại địa phương phần lớn người dân có thói quen nuôi gia súc theo hình thức chăn thả tự nhiên, tối về cột dưới gầm nhà. Việc này gây mùi hôi thối, mất vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe. Bên cạnh đó, mỗi khi có dịch bệnh trên đàn gia súc cũng khó kiểm soát. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, các ngành đã tuyên truyền, vận động để bà con xây dựng chuồng trại, ổn định chăn nuôi.

“Cấp đoàn thể tuyên truyền và cấp chính quyền địa phương đã hỗ trợ một số xây dựng chuồng trại. Mấy năm nay l đoàn thanh niên hỗ trợ xây dựng chuồng trại. Bây giờ đàn bò chăn thả ngoài ít rồi, giờ là bán chăn thả thôi. Họ chủ động nguồn thức ăn dự trữ vào mùa mưa” - ông Phạm Doãn Thắng nói.

Theo ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, toàn huyện hiện có hơn 14.000 con bò. Trong đó, chỉ có một trang trại chăn nuôi bò tập trung với số lượng hơn 100 con, còn lại là rải rác trong các hộ dân. Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, giờ đây bà con đã biết cách chăn nuôi khoa học hơn, đem lại hiệu quả về nhiều mặt hơn.   

“Qua việc chăn nuôi bằng chuồng trại như vậy thì việc xử lý dịch bệnh, người chăn nuôi đã quản lý tốt đàn rồi. Bên ngành thú y sẽ quản lý tiêm phòng được tốt hơn và nhà nước quản lý được tổng đàn về mặt chăn nuôi tốt hơn” - ông Nguyễn Quang Đức nói.

Đắk Lắk hiện có tổng đàn trâu, bò khoảng 280.000 con. Sau nhiều năm được tuyên truyền, vận động, bà con đã thay đổi tập quán, học tập nhau để chuyển đổi từ thả rông gia súc sang nuôi nhốt hoặc bán nuôi nhốt. Do đó, cùng với giải quyết được vấn đề thức ăn, môi trường, phòng bệnh thì chất lượng đàn vật nuôi cũng ngày càng được cải thiện, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi.

Từ khóa: chăn nuôi, chăn nuôi, tập quán chăn nuôi, hiệu quả kinh tế, Đắk Lắk

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: hương lý/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập