Thanh Hóa phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng, khu vực, quốc tế
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thanh Hóa đã đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội với Thanh Hoá mà có ý nghĩa quan trọng đối với cả khu vực.
Thanh Hóa được ví như cửa ngõ khu vực; trục giao thông Bắc – Nam. Đặc biệt với hệ thống cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường bộ… Thanh Hoá có vai trò quan trọng, trục trung chuyển giao thương, kết nối vùng, khu vực, và quốc tế. Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thanh Hóa đã đầu tư nguồn lực phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đối với Thanh Hoá mà có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước.
Tuyến đường kết nối 2 tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa có chiều dài 88,5km, kinh phí 15.400 tỷ đồng đang được các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đại diện các bộ, ngành, cơ quan chức năng cho biết, việc thực hiện dự án Đường giao thông kết nối liên vùng từ đường Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa đến Quốc lộ 6 và đường cao tốc CT.03 tỉnh Hòa Bình đoạn qua tỉnh Thanh Hóa là hết sức cần thiết.
Không chỉ hình thành trục giao thông chính kết nối liên vùng Tây Bắc và Bắc Trung bộ mà còn từng bước hoàn thiện trục giao thông quan trọng liên kết vùng theo hành lang kinh tế Đông - Tây và kết nối với các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh Thanh Hóa; tạo điều kiện thuận lợi, thu hút vận tải hàng hóa từ các tỉnh Tây Bắc qua Cảng nước sâu Nghi Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân của tỉnh Thanh Hóa và ngược lại.
Cùng với tuyến đường kết nối Thanh Hóa - Hòa Bình, hiện nay tỉnh Thanh Hóa đang xin ý kiến Trung ương đầu tư tuyến đường kết nối thành phố Thanh Hóa - khu vực phía tây của tỉnh.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, với việc hình thành 2 tuyến đường này Thanh Hóa tạo bước tiến trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng, khu vực và quốc tế; Hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 về phát triển hạ tầng là khâu đột phá chiến lược.
Theo ông Liêm: "Tỉnh Thanh Hóa tập trung xác định nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên hạ tầng đường bộ, mục tiêu là kết nối vùng đồng bô, hiện đại phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng. Từ 2020 đến nay Thanh Hóa bố trí trên 9 nghìn tỷ đồng để đầu tư, kết nối theo hướng đông tây, kết nối các nút giao cao tốc. Bên cạnh đó thì để phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch dịch vụ để gắn với khai thác các tuyến kết nối với cao tốc".
Với phương châm giao thông đi trước mở đường, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Công tác xây dựng quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển được thực hiện đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đi trước một bước; các dự án giao thông được ưu tiên bố trí vốn đảm bảo tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, các công trình có tính kết nối các vùng kinh tế, các khu công nghiệp trọng điểm, các cửa khẩu, khu du lịch, khu đô thị. Điều này đã tạo ra không gian phát triển, dự địa để các nhà đầu tư có cơ hội lựa chọn, đầu tư vào Thanh Hóa.
Ông Ninh Văn Sức - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Việt Hưng cho biết: "Hạ tầng giao thông phát triển đóng vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư. Trong những năm qua, Thanh Hóa đã đầu tư mạnh hạ tầng giao thông nhờ đó khả năng kết nối và vận chuyển hàng hóa được cải thiện đáng kể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận chuyển mà còn tăng cường sự tin tưởng của nhà đầu tư về khả năng phát triển vùng của địa phương".
Ông Yamada Takio, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, Thanh Hóa sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế riêng biệt mà không phải địa phương nào cũng có, được ví như “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình và hệ sinh thái; có vị trí khá thuận lợi về giao thông với đủ các loại hình… Cùng với đó, địa phương có Khu kinh tế Nghi Sơn, với diện tích 106.000 ha, là 1 trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của Việt Nam, vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn nhất cả nước.
"Tại tỉnh Thanh Hoá nơi có nguồn lao động dồi dào, hạ tầng giao thông phát triển, có bộ phận hỗ trợ Nhật Bản và các khu kinh tế. Đây là điểm đến đầu tư hết sức hấp dẫn. Lý do các doanh nghiệp đầu tư nhiều vào đây là môi trường đầu tư hoàn thiện, nhờ chính sách hết sức tích cực của lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá trong thu hút đầu tư. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải thúc đẩy hơn nữa đầu tư phát triển hạ tầng, để làm được việc đó cần tận dụng nguồn hỗ trợ ODA của Nhật Bản” - Yamada Takio chia sẻ.
Để làm tốt hơn nữa việc phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, từ đó khai phóng nguồn lực, mở ra không gian phát triển mới, tỉnh Thanh Hóa đã, đang bám sát vào các quy hoạch đã được Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải phê duyệt; các Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 để thực hiện có hiệu quả phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải. Trong đó, tập trung đầu tư kết nối 4 trung tâm kinh tế động lực, 6 hành lang kinh tế và “hành lang kinh tế quốc tế”.
Từ khóa: thanh hóa, Thanh Hóa phát triển hạ tầng giao thông, thanh hóa, kết nối vùng, tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng kinh tế thanh hóa
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: sỹ đức/vov1
Nguồn tin: VOVVN