Thảm họa bom nguyên tử Hiroshima - Nagasaki và thông điệp hòa bình của Nhật Bản

Cập nhật: 20/08/2024

VOV.VN - Ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử đầu tiên có tên gọi Little Boy đốt cháy bầu trời thành phố Hiroshima của Nhật Bản, và 3 ngày sau đó, Nagasaki bị dìm trong biển lửa của quả bom thứ hai - Fat Man.

Sau 79 năm, nỗi đau Nhật Bản vẫn còn đó. Vượt lên tất cả là một thông điệp về một thế giới hòa bình không có vũ khí nguyên tử, hạt nhân mà người dân Nhật Bản liên tục gửi tới thế giới trong suốt 79 năm qua.

Gần 8 thập kỷ, những tưởng là khoảng thời gian đủ để chữa lành mọi vết thương, nhưng với người dân Hiroshima và Nagasaki nói riêng và với người Nhật Bản nói chung, nỗi đau vẫn còn đó, ký ức về những mất mát và niềm kinh hoàng vẫn còn đó như vừa xảy ra tức thời.

Đến tận bây giờ người ta vẫn còn tranh cãi về việc ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản là quyết định đúng hay sai, và con số 140 000 nạn nhân ở Hiroshima, 74 000 nạn nhân ở Nagasaki là có xác thực không. Nhưng tranh cãi chỉ là tranh cãi, và những con số thống kê thì hoàn toàn xơ cứng, trong khi những sang chấn tâm lý của những nạn nhân bom nguyên tử may mắn còn sống sót thì thật và mới vô cùng.

Không có con số thống kê nào có thể chỉ ra đầy đủ những thiệt hại, mất mát, đau đớn của họ. Có nhiều người đã không chịu nổi nỗi đau mất hết người thân và những di chứng do phóng xạ gây ra đã tìm đến sự giải thoát bằng cái chết. Nhưng vẫn còn đó những người đủ dũng khí để sống tiếp, để kể tiếp với nhân loại về một nỗi ám ảnh, một vết thương không bao giờ lành của lịch sử.

Một nạn nhân có mặt trong vụ nổ nguyên tử tại Hiroshima, xin phép được dấu tên, kể lại: “Đã lâu lắm rồi, nhưng tôi không thể nào quên được. Nó như vẫn hiện ra rõ mồn một ngay trước mắt. Đêm trước ngày hôm đó, tôi nằm gối lên tay mẹ, nắm tay cha, 3 người nằm cùng nhau ngủ, nào ngờ, đó lại là đêm cuối cùng. Sáng hôm sau, bố mẹ đi làm và không bao giờ về nữa. Một tiếng nổ lớn. Tôi và chị gái bị vùi trong đống gạch vụn. Tôi chưa kịp định thần, chỉ nghe chị tôi nói: “khó thở quá, khó thở quá”. Tôi định bò xuống chỗ chị, thì chị gượng hét lên: “đừng xuống, đừng xuống. Chị chết chắc rồi, em xuống nữa là cũng chết đó”. Thế là chị ra đi. Tôi còn lại một mình đến tận hôm nay”.

Lễ kỷ niệm hòa bình và Tưởng niệm những nạn nhân của bom nguyên tử năm nay tại Hiroshima vẫn được tiến hành đúng ngày, đúng giờ với đầy đủ nội dung như thông lệ hàng năm. Vẫn là nghi thức dâng trình danh sách nạn nhân, lời tưởng niệm, nghi lễ dâng hoa và mặc niệm, tuyên đọc Tuyên ngôn và lời thề hòa bình, nghi thức thả chim, hòa ca bài hát hòa bình Hiroshima...

Cứ sau mỗi Lễ tưởng niệm, ký ức của mỗi người lại được khắc sâu thêm. Nhưng, ghi nhớ không phải để nuôi dưỡng lòng thù hận, sự căm ghét, mà ghi nhớ để khắc sâu thêm tình yêu và sự khao khát hòa bình, để cùng hướng tới những thứ tốt đẹp hơn. Tất cả những khao khát và tình yêu đó được truyền lại cho thế hệ trẻ.

Một nữ sinh tiểu học đến từ Tokyo để dự Lễ nói: “Cháu thực sự cảm thấy hòa bình có được ngày hôm nay thật quý giá. Cháu không chỉ nghĩ đến Hiroshima hay Nagasaki mà cháu nghĩ hòa bình có được ngày hôm nay là từ những gì đã xảy ra ở những nơi đó. Cháu mong muốn mọi người cũng học được điều này giống như cháu”.

Mỗi một năm, danh sách các nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki lại dài ra thêm. Những tổn thương trong tâm khảm được truyền đến thế hệ thứ 2 thậm chí thứ 3 của các nạn nhân bom nguyên tử. Và thông điệp mà Nhật Bản muốn gửi đến thế giới là: “Chừng nào thế giới còn vũ khí hạt nhân thì nguy cơ về thảm họa vẫn còn đó và nỗi đau sẽ không phải của riêng ai. Thế giới cần rút ra bài học về thảm kịch kinh hoàng và thảm khốc ở Hiroshima và Nagasaki”.

Từ khóa: nguyên tử, nhật bản, bom nguyên tử, ném bom nguyên tử, thảm họa nguyên tử, ném bom hạt nhân, thảm họa bom hạt nhân, hiroshima, nagasaki, dìm trong biển lửa

Thể loại: Thế giới

Tác giả: pv/vov-tokyo

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan