Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên

Cập nhật: 21/10/2023

VOV.VN - Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN ở khu vực Tây Nguyên và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chiều 20/10, tại TP Buôn Ma Thuột, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN ở khu vực Tây Nguyên và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo các DN, trong 2 năm vừa qua, hệ thống ngân hàng đã có nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ cho DN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, để vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những ảnh hưởng từ tình hình kinh tế, chính trị của thế giới. Song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các DN cả nước nói chung, trên địa bàn khu vực Tây Nguyên vẫn còn phải gặp nhiều khó khăn thách thức  khiến cho việc phục hồi kinh tế còn chậm.

Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp – DN xuất khẩu cà phê ở tỉnh Gia Lai, do khó vay vốn nên đa số DN trong ngành không có đủ nguồn tiền để đảm bảo thu mua và điều tiết kế hoạch. Điều này dẫn tới tình trạng bị ép giá do khối lượng lớn cà phê tập trung thu hoạch vào chính vụ được bán ra trong thời gian rất ngắn.

“Đặc thù ngành cà phê đòi hỏi tính thời vụ rất cao, nhu cầu vốn đáp ứng vụ mùa rất lớn, nên giải pháp để cho vay vốn cần phải có chính sách nới rộng theo tình hình hoạt động của DN. Về dòng tiền, ngân hàng nên căn cứ vào hợp đồng ngoại hoặc là hàng hóa, nếu áp dụng chính sách cho vay bằng tài sản thế chấp, bằng bất động sản sẽ không phù hợp với mô hình sản xuất kinh doanh của DN xuất khẩu”, bà Lan Anh nêu vướng mắc.

Theo bà Huỳnh Thị Thị Thùy Trâm, Giám đốc Công ty JFT Việt Nam tại Lâm Đồng, khó khăn về vốn vay của DN nông nghiệp - nông sản có liên quan tới các quy định về tài sản thế chấp, khi đất nông nghiệp và cây trên đất ít được chấp nhận. Còn nếu được chấp nhận, phía ngân hàng cũng tính mức cho vay rất thấp. Bà Trâm kiến nghị các ngân hàng và Chính phủ có giải pháp cho vấn đề này.

“DN mong rằng Ngân hàng Nhà nước cùng với chính sách của Chính phủ có thể tháo gỡ những quy định về tài sản đảm bảo. Về bảo hiểm tài sản, khi có thiên tai, bảo hiểm cũng như hỗ trợ của ngân hàng cần kịp thời đến với DN, giúp cho chuỗi cung ứng không bị ngắt quãng”, bà Trâm kiến nghị.

Sau khi nghe những kiến nghị của các DN và những lý giải của các ngân hàng thương mại, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định: Ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Sau hội nghị, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng khẩn trương nghiên cứu, triển khai giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn tín dụng.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam làm đầu mối, cùng với các ngân hàng thương mại khác nghiên cứu một cách thấu đáo, trên tinh thần khẩn trương nhất để đưa ra được những giải pháp nhằm tiếp cận, mở rộng và hỗ trợ trực tiếp cho việc tái canh cây cà phê và một số cây chủ lực khác, giúp cho việc thu mua, chế biến, xuất khẩu hiệu quả nhất. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải mạnh dạn hơn, phải tháo gỡ cùng các DN giải quyết các vấn để có tính chất đảm bảo an toàn vốn”, Phó thống đốc nói.

Theo thống kê, tín dụng tại khu vực Tây Nguyên đến 30/9/2023 đạt trên 508.000 tỷ đồng, tăng 6% so với cuối 2022 và chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn là hơn 297.000 tỷ đồng, tăng 3,15% so với cuối năm 2022, chiếm tỷ trọng trên 58% tổng dư nợ của khu vực.

Từ khóa: tiếp cận tín dụng,ngân hàng nhà nước,doanh nghiệp vay vốn, tài sản thế chấp, tiến độ giải ngân

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nam trang/vov tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan