"Tai nạn giao thông giảm mang lại những tín hiệu tích cực" do có Nghị định 168

Cập nhật: 1 giờ trước

VOV.VN - Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân, có nhiều giải pháp nhỏ, nhưng khái quát chung lại có thể thấy khi Nghị định 168 được triển khai đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông.

Nguyên nhân gây ra TNGT chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông

Theo Cục CSGT, từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/1/2025, toàn quốc xảy ra 1.702 vụ TNGT đường bộ, làm 917 người chết, 1.163 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2024, giảm 26,29% về số vụ, giảm 1,72% về số người chết, giảm 37,71% số người bị thương; so với thời gian trước liền kề, giảm 18,25% số vụ, giảm 9,83% số người chết, giảm 20,12% số người bị thương. Riêng trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, toàn quốc xảy ra 445 vụ TNGT, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, 36,69% số vụ, giảm 37,61% số người chết, giảm 38,34% số người bị thương.

Theo thống kê từ ngành Y tế, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, số ca khám cấp cứu nghi do TNGT giảm 11%, số ca tử vong nghi do TNGT giảm 28,9%, đáng lưu ý là số lượng người bệnh bị tai nạn nặng phải mổ cấp cứu do tai nạn giảm đáng kể.

Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an khẳng định: "Nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông chủ yếu do ý thức người tham gia giao thông, năm nay tai nạn giao thông giảm một phần do nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đã áp dụng các giải pháp đúng và hiệu quả, phần còn lại do người dân đã ý thức hơn khi tham gia giao thông. Khi triển khai Nghị định 168, bản chất là răn đe để mọi người ý thức hơn về sự an toàn cho mình và mọi người xung quanh, sửa những thói quen tham gia giao thông kém văn hóa. Việc xử phạt có giảm đi đó là điều đáng mừng, giờ cần triển khai đồng bộ và dần hình thành một thói quen mới văn minh".

TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia nêu quan điểm: "Với những con số như vậy chúng ta không cần phải giải thích nhiều vì đây là những con số rõ ràng và thuyết phục nhất về kết quả của những giải pháp bảo đảm TTATGT được triển khai trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân, có nhiều giải pháp nhỏ, nhưng khái quát chung lại có thể thấy khi Nghị định 168 được triển khai đã tạo ra sự thay đổi rất lớn trong nhận thức và hành vi của người tham gia giao thông. Chúng ta có thể thấy ngay được những hành vi vi phạm có tính phổ biển, gây bức xúc trong xã hội trước đây, ví dụ như vượt đèn đỏ rất nhiều, nhưng bây giờ không còn nữa, rồi đi lên vỉa hè, lấn làn, rồi đủ các loại thì bây giờ giảm rất nhiều, thậm chí nhiều khu vực không còn. Điều đó góp phần rất lớn để góp phần thiết lật trật tự trong giao thông".

Thứ hai là các chuyên đề về kiểm soát nồng độ cồn, ma túy đã được các lực lượng chức năng triển khai xuyên suốt Tết. Điều này đã góp phần giáo dục, nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy định và từng người dân khi chúng ta đi chúc Tết, đi thăm họ hàng có thể cảm nhận được ngay, tức là ý thức không uống rượu bia vì sau đó phải lái xe ngày càng phổ biến. Đó là những dấu hiệu rất tích cực và cần tiếp tục được duy trì trong xã hội. Bên cạnh đó, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, đặc biệt là siết chặt quản lý vấn tải, rồi xử lý nghiêm các vi phạm có tính phổ biến trong dịp lễ tết, chẳng hạn đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… cũng đều góp phần mang đến kết quả tích cực ở trên.

Nghị định 168 đã mang lại những tín hiệu tích cực gì?

Theo Đại tá Phạm Quang Huy, sau thời gian đầu thực hiện, Nghị định 168 này đã có những tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông; đồng thời, qua đó cũng đã bộc lộ một số vướng mắc về thực trạng tổ chức giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và quy hoạch hạ tầng.

Trong những năm qua, công tác bảo đảm TTATGT đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng. Qua đó, công tác này đã đạt được nhiều kết quả nhất định, tình hình TTATGT có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn từng bước được khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt và tuyệt đối an toàn cho các sự kiện quan trọng của quốc gia, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực trên chưa thực sự bền vững, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông có chuyển biến nhưng chưa căn bản, số trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT còn ở mức cao.

"Tôi lấy ví dụ, từ năm 2020 tới 2024, CSGT cả nước đã xử phạt hơn 17 triệu trường hợp vi phạm; số vụ, số người chết do tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, từ năm 2020 đến 2024, cả nước xảy ra 96.473 vụ, làm chết 49.031 người, bị thương 67.505 người; tính trung bình mỗi năm có hơn 9.800 người chết. Ngoài ra, giao thông hỗn hợp (ô tô và xe máy, xe thô sơ) cùng lưu thông trên đường, trong khi tổ chức giao thông, phân làn giao thông còn nhiều bất hợp lý; ùn tắc giao thông tại các thành phố, đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vào các giờ cao điểm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, gây bức xúc trong xã hội…", Đại tá Phạm Quang Huy nêu ví dụ.

Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, một trong những nguyên nhân chính là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn mang tính “tùy tiện” và “nhờn luật”. Do đó, việc tăng mức chế tài xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, nguy cơ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng về người, hủy hoại kết cấu hạ tầng giao thông là điều cần thiết. Nghị định 168/2024 ban hành nâng mức xử lý vi phạm hành chính với nhiều hành vi vi phạm, đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện. Các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng CAND thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đều xác định quan điểm rằng, việc nâng mức xử lý vi phạm hành chính để răn đe giáo dục một bộ phận nhỏ người dân tham giao thông ý thức chưa tốt. Đồng thời khích lệ, động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông, bảo vệ cái quý nhất là tính mạng, sức khỏe con người. Đã đến lúc cần phải thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông, làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước. Đối tác nước ngoài họ đánh giá thấp hoặc lo sợ khi đi ra đường cũng làm giảm nhu cầu đầu tư nước ngoài.

Tai nạn cướp đi nhiều nhân lực quý giá của đất nước; hệ lụy làm bao nhiêu người đang cống hiến cho xã hội lại trở thành người khuyết tật khiến bao gia đình phải chăm lo, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mỗi người tham gia giao thông chỉ cần hình thành thói quen như tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, không vượt ẩu, không uống rượu bia thì sẽ giảm tai nạn giao thông, nâng cao chỉ số an toàn khi tham gia giao thông và luôn nhớ nhà là nơi để về…

Bộ mặt” giao thông đã thay đổi như thế nào sau khi thực hiện Nghị định 168?

Đại tá Phạm Quang Huy cho rằng, việc thực hiện Nghị định 168/2024 đã tác động mạnh đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, thay đổi được căn bản ý thức tuân thủ pháp luật, được nhiều người dân đánh giá tác động hiệu quả. "Tôi lấy ví dụ như việc quy định phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, và việc cấm sử dụng, đốt pháo nổ những năm trước đây, hay thời gian qua, CSGT đã xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử lý xe quá tải, cơi nới thùng thành… Qua đó, đã hình thành thói quen chấp hành pháp luật của người dân. Nghị định 168 không chỉ tập trung vào việc xử phạt vi phạm, mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người già và trẻ em, như quy định nhường đường cho người đi bộ, quy định về việc sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em trong ô tô…Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người", Đại tá Phạm Quang Huy chia sẻ.

Bên cạnh đó, việc trừ điểm trên giấy phép lái xe đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp tục điều khiển phương tiện, khi có hành vi vi phạm giao thông mà chưa bị trừ hết điểm, đảm bảo cuộc sống hằng ngày, vừa tự quản lý, ý thức về số điểm còn lại để tham gia giao thông một cách chủ động, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, xã hội. Thực tế cho thấy, từ ngày 1/1, có thể thấy rõ bộ mặt giao thông đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực, tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều…đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn.

Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh.

Tai nạn giao thông giảm 3 tiêu chí trong 1 tháng thực hiện Nghị định 168

VOV.VN - Sau 1 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP (từ 1/1/2025 đến 31/1/2025), tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ đã có chuyển biến rõ rệt, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm trước và thời gian trước liền kề; cùng thời gian lực lượng CSGT đã xử lý 70.426 trường hợp (t/h) vi phạm nồng độ cồn...

Từ khóa: Nghị định 168, Nghị định 168, tai nạn giao thông

Thể loại: Xã hội

Tác giả: văn ngân/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập