Ai hưởng lợi khi dữ liệu được đưa lên sàn giao dịch?

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Trong Luật Dữ liệu xác định rất rõ: dữ liệu là một loại tài sản và dữ liệu là tư liệu để chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Bởi vậy dữ liệu sẽ trở thành một loại hàng hóa và phải có một thị trường để tiến hành giao dịch dữ liệu giống như một loại hàng hóa.

Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch triển khai Luật Dữ liệu. Trước đó, Luật Dữ liệu đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2025.

Do vậy, các Bộ, ngành cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật…

Vậy, trách nhiệm bảo mật thông tin sẽ được thực hiện như thế nào? Ai sẽ được hưởng lợi khi thực hiện giao dịch dữ liệu? PV VOV Giao thông đối thoại với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, theo quy định của Luật Dữ liệu, những dữ liệu nào được coi là hàng hóa và đưa lên sàn giao dịch?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trong Luật Dữ liệu chúng ta đã xác định rất rõ: dữ liệu là một loại tài sản và dữ liệu là tư liệu để chúng ta chuyển đổi số và thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Bởi vậy dữ liệu sẽ trở thành một loại hàng hóa và phải có một thị trường để người ta tiến hành giao dịch dữ liệu giống như một loại hàng hóa. Cái này ở các nước phát triển đã làm từ rất lâu rồi.

Cho nên trong quá trình xây dựng Luật Dữ liệu, chúng tôi đã nghiên cứu và kế thừa, phát huy những kinh nghiệm của họ và quy định sẽ có những sàn giao dịch dữ liệu. Chính phủ cũng đã phê chuẩn Chiến lược đến năm 2030 chúng ta sẽ có 5 sàn giao dịch dữ liệu.

Để dữ liệu trở thành tài sản được giao dịch trên sàn thì những dữ liệu đó phải đáp ứng những điều kiện cơ bản, thứ nhất là dữ liệu phi cá nhân; thứ hai, dữ liệu cá nhân nhưng phải được sự đồng ý của chủ thể dữ liệu. Thứ ba là những dữ liệu không liên quan đến an ninh, quốc phòng, cơ yếu và những điều kiện khác theo quy định của Luật. Khi đảm bảo những điều kiện này thì những dữ liệu đó sẽ trở thành một loại tài sản để tiến hành giao dịch trên sàn giao dịch dữ liệu.

PV: Vấn đề bảo mật dữ liệu được đặt ra như thế nào khi thực hiện việc giao dịch dữ liệu?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Có nhiều chủ thể tham gia vào hoạt động gao dịch dữ liệu trên sàn, một là cơ quan quản lý dữ liệu; hai là những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm dịch vụ môi giới dữ liệu; ba là những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng những dữ liệu đó và tất cả những dữ liệu đó khi giao dịch trên sàn đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về dữ liệu, trong đó có những quy định rất chặt chẽ về vấn đề bảo mật.

PV: Thực hiện Luật này, ai sẽ được hưởng lợi từ việc bán nguồn dữ liệu?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Nhà nước thống nhất quản lý đối với hoạt động trao đổi dữ liệu trên sàn giao dịch dữ liệu. Nguồn kinh phí thu được từ hoạt động trên sàn giao dịch dữ liệu sẽ là tài sản của Nhà nước, nó là kinh phí mà nhà nước thu để phục vụ phát triển KT-XH. Nó giống như chúng ta đang tiến hành đấu giá biển số xe, rồi chúng ta đang có nhiều sàn giao dịch khác và những nguồn lợi thu được từ việc giao dịch ở sàn dữ liệu sẽ được bổ sung vào ngân sách quốc gia.

PV: Ông kỳ vọng gì vào việc ngăn chặn tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân sau khi Luật này có hiệu lực?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Trong thời gian qua, chúng ta không có một hệ thống pháp lý đầy đủ và chặt chẽ, cho nên vô hình trung, khi người dân cung cấp thông tin về cá nhân mình cho một số dịch vụ, ví dụ như chúng ta cung cấp để mua hàng online, để nhận quà khuyến mại, hoặc là chúng ta cung cấp để tham gia vào một dịch vụ xã hội nào đó… 

Tất cả những dữ liệu cá nhân đó khi được tập hợp lại nó thành một cơ sở dữ liệu và vì thiếu những cơ sở pháp lý chặt chẽ để bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định về sàn dữ liệu hoặc cơ sở dữ liệu quốc gia, cho nên nhiều cái dữ liệu, cơ sở dữ liệu nhỏ đó đã được trao đổi, được sử dụng mà không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; hoặc nó được tiến hành trao đổi một cách bất hợp pháp, trái với quy định của pháp luật.

Cho nên Luật Dữ liệu, cùng với Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, chúng ta sẽ có một môi trường pháp lý đảm bảo để tăng cường tính bảo mật, tăng cường an ninh, an toàn cho thông tin, trong đó có thông tin cá nhân.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cân nhắc việc Luật Dữ liệu quy định trách nhiệm của Thường trực Ban Bí thư

VOV.VN - Dự thảo Luật Dữ liệu quy định Thường trực Ban Bí thư quyết định việc chia sẻ dữ liệu dùng riêng do các cơ quan Đảng, quy định chi tiết việc thực hiện cung cấp dữ liệu cho cơ quan đảng và tổ chức chính trị xã hội trong trường hợp đặc biệt. Đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc và nghiên cứu cách thể hiện phù hợp hơn.

Từ khóa: dữ liệu, dữ liệu, sàn giao dịch, Luật Dữ liệu

Thể loại: Xã hội

Tác giả: quách đồng/vov giao thông

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan