Sức hút của sân khấu múa rối dịp Tết Nguyên đán
Cập nhật: 5 giờ trước
Cùng Phố ông Đồ, Đường mai đón Tết sớm ở TP.HCM
TasteAtlas praises Vietnamese spring rolls on global list of best fried-dishes
VOV.VN - Múa rối nước - một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Việt Nam, dần khẳng định sức hút đặc biệt, thu hút sự quan tâm của cả người Việt lẫn du khách quốc tế, nhất là vào những dịp lễ, Tết
Những năm gần đây, xu hướng quay về với văn hóa truyền thống đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết. Trong dòng chảy ấy, múa rối nước - một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của Việt Nam, dần khẳng định sức hút đặc biệt, thu hút sự quan tâm của cả người Việt lẫn du khách quốc tế. Không chỉ dừng lại ở vai trò giải trí, sân khấu múa rối nước còn là biểu tượng sống động của văn hóa dân tộc. Dịp Tết này, những vở diễn tại Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam hứa hẹn mang đến cho khán giả món ăn tinh thần đậm đà bản sắc Việt.
Càng cận Tết, lượt khách ra vào các suất diễn ở sân khấu múa rối nước thuộc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam (Quận 1, TP.HCM) càng náo nhiệt. Không chỉ xem đây là hoạt động giải trí đơn thuần, nhiều khán giả cho biết họ đến thưởng thức múa rối nước như một cách để đưa con em và chính bản thân mình đến gần hơn với văn hóa truyền thống, tạo nên một thói quen ý nghĩa mỗi dịp Tết đến.
Chị Kim Ngọc (36 tuổi, ngụ Bình Dương) là một trong những khán giả theo xu hướng này. Không ngại đường xa, chị đã vượt hàng chục cây số đến TP.HCM để xem múa rối nước, một loại hình nghệ thuật mà theo chị là "có tính đặc thù của Việt Nam". Mỗi lần có dịp đi công tác ở TP, chị đều tranh thủ ghé sân khấu múa rối nước để “sống lại” những giá trị văn hóa quen thuộc. Cứ đều đặn mỗi tuần một lần, chị lại đến xem múa rối nước ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM. Đôi lúc chị còn dẫn theo gia đình nhỏ của mình cùng thưởng thức loại hình nghệ thuật có tuổi đời hàng trăm năm này. Chị cho biết đây sẽ là một trong những hoạt động giải trí không thể thiếu của bản thân và gia đình trong dịp Tết này.
Điều khiến chị Ngọc xúc động hơn cả là sự xuất hiện của những nghệ sĩ trẻ trong các buổi diễn. Đối với chị, việc thế hệ trẻ tiếp nối và giữ gìn những giá trị truyền thống là dấu hiệu tích cực, đảm bảo rằng văn hóa Việt sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy.
“Mình cảm thấy giá trị của người Việt, những giá trị về văn hóa, tinh thần được giới trẻ trân quý nên mình rất vui. Nó cũng là niềm động lực, để thấy rằng không chỉ riêng mình thích mà có một cộng đồng lớn, tức là giá trị văn hóa truyền thống của chúng ta vẫn tiếp tục được gìn giữ, không bị mai một” - chị Kim Ngọc bày tỏ.
Không chỉ người Việt mà nhiều du khách nước ngoài cũng không giấu được vẻ hào hứng sau khi tiết mục múa rối kết thúc. Bà Antonia Simpson (53 tuổi, đến từ Vương quốc Anh) cho biết, múa rối nước mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ và độc đáo, khác biệt so với các hình thức nghệ thuật ở phương Tây mà bà từng biết.
Dù gặp khó khăn vì rào cản ngôn ngữ, bà Antonia vẫn hy vọng sẽ có cơ hội quay lại TP.HCM để trải nghiệm loại hình nghệ thuật này vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Bà cũng bày tỏ mong muốn được giới thiệu múa rối nước đến với giới trẻ ở Anh.
“Đây là lần đầu tiên tôi xem múa rối nước. Những con rồng phun nước thật tuyệt vời. Tôi cũng rất quan tâm đến cách những nghệ nhân điều khiển rối chơi với các nhân vật. Tôi nghĩ nó rất thú vị và chắc chắn rằng trẻ em ở Anh cũng sẽ rất thích. Nó khiến tôi muốn tìm hiểu thêm về Tết và văn hóa Việt Nam" - bà Antonia chia sẻ.
Theo dự đoán của ông Trần Văn Được, Phó trưởng đoàn Múa rối nước Rồng Phương Nam, lượng khán giả đến với sân khấu vào dịp Tết năm nay sẽ gia tăng đáng kể so với năm ngoái. Bởi lẽ, khác với những năm trước chỉ có một vở diễn nhân dịp Tết Nguyên đán, năm nay đoàn nỗ lực ra mắt hai vở diễn phục vụ khán giả dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Đó là “Huyền sử Yết Kiêu” và “Giấc mơ nàng Tiên Cá”.
Do tính chất vui tươi, sôi động cùng chủ đề ý nghĩa liên quan đến bảo vệ môi trường, vở “Giấc mơ nàng Tiên Cá” sẽ được đoàn chọn biểu diễn từ mùng 1 đến 2 Tết. Từ ngày 13, đoàn sẽ trình diễn vở “Huyền sử Yết Kiêu” nhằm đem đến cho khán giả trải nghiệm đa dạng và trọn vẹn nhất.
Theo Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, lượng khán giả đến đây trong dịp Tết luôn có xu hướng tăng mạnh so với ngày thường. Sân khấu rối nước của đoàn nằm ngay trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM với sức chứa từ 140 đến 150 khán giả. Những ngày thường, lượng khán giả đến thưởng thức các vở diễn chỉ dao động từ 50% đến 70% tổng lượng khách tham quan. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán, số người xem có xu hướng gia tăng đáng kể, chiếm tỉ lệ từ 80% đến 95% trong mỗi suất diễn.
Nhận thấy nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả tăng cao, cứ mỗi dịp năm mới, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam lại sắp xếp tăng suất diễn. Thay vì mỗi ngày một suất trong ngày thường và 2 suất/ngày vào cuối tuần, đoàn sẽ biểu diễn 3 suất/ngày trong thời gian Tết Âm lịch nhằm phục vụ nhu cầu của khán giả. Đặc biệt, lượng khách đến với sân khấu dịp Tết phần lớn là du khách nước ngoài với mong muốn tìm một địa điểm du xuân vừa có tính giải trí cao, vừa đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam.
Thấy được tầm quan trọng của việc đưa loại hình múa rối nước truyền thống của dân tộc đến với khán giả nhân dịp Tết đến xuân về, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã có nhiều giải pháp nhằm thu hút khán giả, nổi bật là sự thay đổi trong cách thể hiện và cách tiếp cận khán giả.
Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã chọn cách bản địa hóa nghệ thuật múa rối nước truyền thống, sao cho loại hình này gần gũi và phù hợp với người dân Nam bộ mà vẫn giữ được tinh thần của bộ môn có nguồn gốc từ miền Bắc. Đồng thời, đan cài vào các vở diễn những bài học, thông điệp riêng nhằm khơi gợi tình yêu của khán giả với loại hình nghệ thuật có lịch sử và giá trị văn hóa kéo dài hàng trăm năm của dân tộc.
"Bao giờ Nhà hát cũng có định hướng chung là phải gửi một thông điệp đến khán giả. Có như vậy, thông qua nghệ thuật múa rối nước, bằng ngôn ngữ kể chuyện của múa rối nước, thông điệp dễ đi vào lòng người hơn và khán giả dễ tiếp cận hơn với những điều mà chúng tôi mong muốn truyền tải. Qua đó, chúng tôi muốn gắn kết khán giả để họ dần yêu và đam mê loại hình múa rối nước truyền thống Việt Nam" - Thạc sĩ Trần Văn Được, Phó trưởng Đoàn Múa rối Rồng Phương Nam cho biết.
Từ khóa: múa rối, múa rối,sân khấu ,Tết,văn hóa truyền thống,nghệ thuật dân gian
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: song anh - ngọc xuân /vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN