Sự thật khó tin về tên lửa tầm nhiệt đầu tiên của thế giới Sidewinder
Cập nhật: 27/03/2021
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Đây là lịch sử khó tin về sự ra đời và hoàn thiện của tên lửa tầm nhiệt, được ghi nhận như một hiện tượng quân sự thế giới và trở thành một trong những loại vũ khí phổ biến nhất được triển khai hiện nay.
Dự án “chui”
Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã đẩy nhân loại đến một cuộc chạy đua vũ trang vô tiền khoáng hậu và nhiều gay cấn nhất trong lịch sử. Mỗi bên đã phải nỗ lực tạo ra những vũ khí mới, uy lực ngày càng cao nhằm khắc chế hoặc hạn chế bất kỳ lợi thế công nghệ nào mà phía bên kia tạo ra, mà cuộc đua tên lửa không đối không tự dẫn đầu tiên trên thế giới AIM-9 Sidewinder là một ví dụ.
Năm 1946, khi cùng các cộng sự nghiên cứu các hỗn hợp chì-sunfua nhạy cảm với bức xạ hồng ngoại, trong đầu nhà vật lý Hải quân Mỹ William B. McLean đã nảy sinh một ý tưởng mới. McLean lập luận rằng, nếu các hỗn hợp hóa chất này có thể bị bức xạ hồng ngoại kích thích, chúng cũng phải có thể được sử dụng để theo dõi bức xạ hồng ngoại. Tên lửa sẽ điều chỉnh quỹ đạo bay để giữ cho tín hiệu nhiệt của mục tiêu phản xạ lên tế bào quang nhạy cảm, khiến tên lửa tầm nhiệt theo đúng nghĩa đen.
Chỉ có điều, thiết kế vũ khí mới không phải là chuyên môn của McLean và đối với các nhà nghiên cứu cũng như các kỹ sư tại Trạm Thử nghiệm Vũ khí Hải quân Mỹ (NOTS) ở sa mạc Mojave (California), ý tưởng của ông về một tên lửa tầm nhiệt là hoàn toàn “vô bổ”. Tuy nhiên, mặc dù công sức và chi phí không được ghi nhận và còn được đặt một tên giễu cợt là “Phân xưởng sở thích của McLean”, McLean không nản lòng; ông đã phải xăn xiu từ nguồn tài trợ của NOTS và coi phát minh của mình là một phần của công việc được giao về các hỗn hợp tạo tia hồng ngoại cho Hải quân.
McLean và các cộng sự đã phát triển một hệ thống dẫn đường hồng ngoại đầu tiên để sử dụng trong các tên lửa không đối đất 5 inch tiêu chuẩn thời bấy giờ. Để đạt được hiệu quả, nó cần phải hoạt động đáng tin cậy, và ông đã mất gần ba năm để khảo sát các khả năng. Năm 1950, McLean đã nghĩ ra một cái tên phù hợp cho sáng tạo của mình - Sidewinder, tên một loài rắn có thể phát hiện con mồi bằng cách cảm nhận thân nhiệt; bản thân tên lửa cũng có xu hướng di chuyển theo đường ngoằn ngoèo trên không.
Một năm sau, chương trình Sidewinder được Đô đốc William “Deak” Parsons tài trợ chính thức. Và chỉ hai năm sau, vào năm 1953, tên lửa Sidewinder đã bắn hạ thành công máy bay không người lái mục tiêu đầu tiên của nó trong môi trường huấn luyện, chứng minh tính hiệu quả của trường phái này - những người thợ ở “Phân xưởng sở thích của McLean”, nghiên cứu ngoài giờ và gần như không được cấp kinh phí, đã thay đổi bộ mặt của chiến tranh trên không mãi mãi.
AIM-9 Sidewinder được đưa vào trang bị vào năm 1956 với tư cách là tên lửa tầm nhiệt đầu tiên trên thế giới và là vũ khí hàng không tiên tiến nhất lúc bấy giờ. Tên lửa dài 2,7 m, mũi được bao bằng bằng kính chứa hệ thống dẫn đường bên trong. Nó sử dụng một gương parabol quay theo con quay hồi chuyển để tự định hướng về phía tín hiệu nhiệt. Ngay cả đối với các phi công Mỹ, kỳ quan công nghệ này rất mới, được giữ rất bí mật. Người Mỹ hiểu rằng, các quốc gia đối địch sẽ gặp khó khăn hơn trong việc chống lại công nghệ mới này nếu họ chưa từng biết về nó.
Ra mắt
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tham gia xung đột với Trung Hoa Dân Quốc (Vùng lãnh thổ Đài Loan) trong hơn 30 năm, bắt đầu từ cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1927. Đài Loan mong muốn duy trì nền độc lập lâu dài đã ký một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ vào năm 1954, bốn năm trước khi xảy ra Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ hai (1958). Khi giao tranh nổ ra, Đài Loan yêu cầu Mỹ hỗ trợ, Tổng thống Eisenhower đã phái Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ đến khu vực. Không quân Mỹ cũng triển khai các máy bay chiến đấu F-100D Super Sabre, F-101C Voodoos, F-104A Starfighter và máy bay ném bom chiến thuật B-57B Canberra tới đây.
Đặc biệt, họ đã triển khai Chiến dịch Black Magic với các máy bay ROC Sabre từ Hải quân Mỹ đã được sửa đổi mang tên lửa AIM-9 Sidewinder - vũ khí không đối không sử dụng công nghệ hồng ngoại (IR) mới nhất của Mỹ. Quyết định cung cấp cho Đài Loan loại vũ khí mới và có tính bí mật cao được thúc đẩy bởi hai yếu tố - số lượng máy bay vượt trội của Trung Quốc và những thiếu sót về kỹ thuật của chính những chiếc Sabre của Đài Loan có nguồn gốc Mỹ. Quan trọng nhất đối với Đài Loan, Sidewinder không bị hạn chế bởi trần bay của Sabre và có khả năng tự dẫn, các phi công Đài Loan có thể bắn nó từ bên dưới máy bay phản lực của Trung Quốc.
Máy bay MiG-15 của Trung Quốc do Liên Xô sản xuất là một trong những máy bay chiến đấu tiên tiến nhất thế giới lúc đó. Trong khi những chiếc Sabre của Mỹ thường được coi là đối thủ của MiG-15, thì trần bay gần 15 km của MiG vượt trội hơn 600 m so với máy bay Mỹ. Trong thời đại mà các trận không chiến vẫn thường sử dụng pháo, khoảng cách đó mang lại cho người Trung Quốc một lợi thế khác biệt. Lợi thế duy nhất này có thể đã xoay chuyển tình thế có lợi cho Trung Quốc, nếu không có tên lửa AIM-9 Sidewinder mới mang tính cách mạng của Mỹ.
Thay đổi thế cuộc
Mỹ đã gửi cho Đài Loan 40 tên lửa Sidewinder và 20 máy bay Sabre đã được sửa đổi với đường ray phóng chuyên dụng và huấn luyện phi công Đài Loan cách sử dụng tối ưu của hệ thống vũ khí. Ngày 24/9/1958, Trung Quốc đã tung 126 chiếc MiG-15 và MiG-17 tiên tiến hơn qua eo biển Đài Loan. Đài Loan chỉ có thể điều 48 chiếc F-86 Sabre đánh chặn. Trong thời đại mà các cuộc không chiến thường đòi hỏi cự li cực kỳ gần và bắn pháo, những chiếc Sabre của Đài Loan đã đối đầu với MiG của Trung Quốc từ khoảng cách xa tới 3 km - một bước nhảy đáng kể so với 200 lên 250 m được coi là tầm bắn hiệu quả tối đa của pháo trong Thế chiến II.
Phi công Đài Loan đã phóng tên lửa Sidewinder hạ 6 chiếc bằng tên lửa (và có khả năng 2 chiếc khác), nâng tổng cộng lên 9 chiếc mà không bị mất máy bay nào. Trong trận không chiến đầu tiên tên lửa tầm nhiệt đã chứng minh hiệu quả của nó, và hai tuần sau, Trung Quốc chấp nhận hòa bình. Nhưng thành công của Đài Loan phải trả giá đắt. Một tên lửa Sidewinder đã tìm thấy mục tiêu là một chiếc MiG-17 của Trung Quốc, nhưng sau khi đâm vào máy bay, nó không phát nổ và nằm trong khung chiếc MiG-17. Sau khi máy bay hạ cánh, các kỹ sư Trung Quốc đã gỡ và tháo rời tên lửa sau đó chuyển sang Liên Xô để nghiên cứu mô phỏng thiết kế.
Rút ngắn thời gian nghiên cứu
Siêu tên lửa của Mỹ đã mang lại cho Đài Loan lợi thế trong cuộc khủng hoảng eo biển, nhưng lợi thế đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Tên lửa Sidewinder của Mỹ đã cung cấp cho các kỹ sư Liên Xô một khóa học về công nghệ chế tạo tên lửa và bài học về tai nạn trong các hệ thống vũ khí tiên tiến. Công nghệ con quay hồi chuyển của AIM-9 tinh tế hơn và nhỏ hơn bất cứ thứ gì Liên Xô có. Liên Xô đã sao chép hệ thống theo dõi hồng ngoại, cơ chế lái và ổn định khi bay của tên lửa, đồng thời tạo ra tên lửa tự dẫn của riêng mình - Vympel K-13. Vympel K-13 được đưa vào trang bị cho Liên Xô vào năm 1960, 2 năm sau khi Trung Quốc có được tên lửa AIM-9 “xịt”.
Sau đó, Liên Xô đã sản xuất phiên bản R-3 và bắt đầu trang bị loại vũ khí mới này cho các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsa và Trung Quốc. Chỉ 4 năm sau khi Mỹ lần đầu tiên phát triển công nghệ tên lửa mang tính cách mạng này, nó đã trở thành vũ khí không đối không phổ biến nhất trong kho vũ khí của đối phương, với số lượng sản xuất lên tới hàng chục nghìn quả. Tuy nhiên, Mỹ đã bắt đầu cải tiến tên lửa AIM-9 và nhanh chóng giành lại lợi thế về khả năng dẫn đường tên lửa. Mặc dù đã học được rất nhiều từ tên lửa tịt ngòi do Trung Quốc cung cấp, nhưng Liên Xô vẫn thiếu năng lực kỹ thuật để theo kịp Mỹ.
Gửi tên lửa qua bưu điện
Ngày 22/10/1967, một kiến trúc sư người Đức và điệp viên Liên Xô tên là Manfred Ramminger đã tìm cách lẻn vào Căn cứ Không quân Neuburg ở Đức. Ramminger và hai nội gián đưa một tên lửa AIM-9 hiện đại lên một chiếc xe cút kít và đẩy ra đường băng nơi có một chiếc Mercedes-Benz đang chờ. Quả tên lửa dài 2,7 m không vừa với ghế sau chiếc sedan, vì vậy Ramminger đã bọc nó trong một tấm thảm, đập vỡ cửa sổ sau và gác tên lửa trên xe. Để tránh bị nghi ngờ, anh ta buộc một mảnh vải đỏ vào cuối tấm thảm đang che quả tên lửa, theo luật giao thông của Đức.
Về đến nhà, Ramminger tháo rời tên lửa, đóng thùng và gửi qua bưu điện đi Moscow. Sau đó, anh ta lên máy bay đến Liên Xô để đón nó, nhưng kiện hàng vẫn chưa đến. Điệp viên quay trở lại Đức và phát hiện ra rằng hãng hàng không đã gửi nhầm địa chỉ. Ramminger lại vận chuyển tên lửa và lên một chiếc máy bay khác đến Moscow. Sử dụng tên lửa mới, các kỹ sư Liên Xô đã có thể copy công nghệ cải tiến mà người Mỹ đã phát triển, tạo ra tên lửa R-13M chỉ vài năm sau đó. Liên Xô đã thu hẹp khoảng cách về công nghệ với đối thủ Mỹ, lần này với số tiền vận chuyển chỉ là 79,25 USD.
Liên Xô cung cấp loại vũ khí này cho các quốc gia thuộc Khối Hiệp ước Warsaw và nhiều quốc gia khác, khiến nó trở thành một trong những hệ thống vũ khí phổ biến nhất mà phi công Mỹ phải bất an trong nhiều thập kỷ. Tổng cộng, khoảng 28 quốc gia sử dụng các biến thể “Sidewinder của Liên Xô”. Ngày nay, nhiều vũ khí không đối không tiên tiến nhất của Nga vẫn lấy cảm hứng trực tiếp từ phát minh của McLean. Tên lửa AIM-9 Sidewinder của Mỹ đã tiếp tục được nâng cấp và sửa đổi trong những năm qua và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay, mặc dù nó khác nhiều so với tên lửa ban đầu được chế tạo vào những năm 1950.
Tên lửa AIM-9X Block II được đưa vào trang bị năm 2015 có thể được sử dụng ngoài đường chân trời, cho phép phi công bắn tên lửa mà không cần khóa, tên lửa tự xác định mục tiêu trên đường bay. Nó thậm chí có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu mặt đất như xe tăng mà không cần sửa đổi. Sidewinder vẫn là một trong những vũ khí không đối không được triển khai phổ biến nhất hiện nay, được tích hợp trên các máy bay chiến đấu của Mỹ, từ những chiếc F-15 phục vụ lâu nhất đến những chiếc F-35 mới nhất vừa xuất xưởng. Dự án được sinh ra từ “Phân xưởng sở thích của McLean” đã thể hiện mình không đến nổi tồi./.
Từ khóa: Sự thật khó tin về tên lửa tầm nhiệt đầu tiên của thế giới Sidewinder, Dự án “chui”, AIM-9 Sidewinder, Vympel K-13, tên lửa không đối không, công nghệ hồng ngoại
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN