Sở Y tế Hà Nội: Thận trọng với sốt xuất huyết khi vào mùa cao điểm
Cập nhật: 19/10/2019
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
Loại quả Việt đi đâu cũng thấy, ăn vào buổi sáng lại bổ dưỡng không ngờ
VOV.VN - Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Giai đoạn nguy hiểm thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh.
Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc do giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại BV Việt Nam-Cuba (Hà Nội). |
Giai đoạn sốt: người bệnh xuất hiện sốt cao đột ngột, liên tục, kèm theo nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, có thể có chấm xuất huyết ở dưới da; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Ngoài ra có thể chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi. Khi có sốt cao đột ngột, kèm theo một trong các dấu hiện trên, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, xác định mức độ bệnh. Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển rất nhanh từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng. Vì vậy người bệnh cần được điều trị đúng, kịp thời để tránh nguy cơ tử vong.
Giai đoạn nguy hiểm: thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là lý do làm cho người bệnh chủ quan, nghĩ rằng bệnh đã đỡ, không tiếp tục điều trị hoặc tái khám, dẫn tới bệnh nặng và có thể tử vong. Các biểu hiện của bệnh trong giai đoạn này có thể là đau bụng, vật vã, lừ đừ, li bì. Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan. Có thể kèm theo nôn ói. Tình trạng xuất huyết gia tăng, bao gồm nốt, chấm xuất huyết rải rác ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc đái ra máu. Trong tình trạng thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, mạch nhanh nhỏ, không bắt được, tụt huyết áp, không đo được huyết áp, da lạnh, nổi vân tím, tiểu ít. Đây là giai đoạn tối nguy hiểm của bệnh. Nếu người bệnh xuất hiện một trong các dấu hiệu trên cần phải được nhập viện ngay để điều trị kịp thời.
Giai đoạn hồi phục: thường vào ngày thứ 7-10 của bệnh: Lúc này, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, tim mạch dần ổn định.
Phân tuyến điều trị: để hạn chế chi phí cho người bệnh và giảm quá tải bệnh viện, các trường hợp bệnh nhẹ, được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Tuy nhiên cần phải theo dõi chặt chẽ và phát hiện sớm dấu hiệu cảnh báo (sốc) xảy ra để xử trí kịp thời. Các trường hợp sau, cần xem xét và cho nhập viện ngay kể cả khi chưa có dấu hiệu cảnh báo. Đó là các trường hợp sống một mình, nhà xa cơ sở y tế, không thể nhập viện kịp thời khi bệnh trở nặng, gia đình không có khả năng theo dõi sát; trẻ nhũ nhi; người có thể tạng thừa cân, béo phì; phụ nữ có thai; người trên 60 tuổi; người có bệnh mạn tính đi kèm (thận, tim, gan, hen, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính kém kiểm soát, đái tháo đường, thiếu máu, tan máu).
Lưu ý đối với bệnh nhân sốt xuất huyết: nếu sốt cao ≥ 38,5 độ C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60mg/kg cân nặng/24 giờ.
Không dùng aspirin (acetylsalicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bù dịch sớm bằng đường uống: khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh...) hoặc nước cháo loãng với muối. Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ để tránh nhầm lẫn với xuất huyết đường tiêu hóa. Nếu được chỉ định điều trị ngoại trú, người bệnh cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ.
Cần tái khám ngay để nhập viện khi có một trong các dấu hiệu sau: người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không đi tiểu trên 6 giờ; biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì./.
10 triệu chứng sốt xuất huyết bạn cần lưu ý
Từ khóa: sốt xuất huyết, dấu hiệu sốt xuất huyết, điều trị sốt xuất huyết, thuốc hạ sốt khi bị sốt xuất huyết
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN