
Nguy hiểm từ mẹo chữa đột quỵ bằng kim chích đầu ngón tay lan truyền trên mạng
Cập nhật: 5 giờ trước
MEDLATEC hợp tác với Viettel Post: Mở rộng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe số
Khát đến mấy cũng đừng uống những loại nước này vào mùa hè, cực hại sức khỏe
VOV.VN - Gần đây, mạng xã hội lan truyền phương pháp "chích máu đầu ngón tay" để cứu người đột quỵ chỉ với một cây kim. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khẳng định đây là thông tin sai lệch, vô căn cứ, có thể khiến người bệnh mất “giờ vàng” cấp cứu, gây hậu quả nghiêm trọng.
Những ngày gần đây, mạng xã hội liên tục chia sẻ cách chữa đột quỵ bằng cách chích máu ở đầu ngón tay và dái tai chỉ với một cây kim. Phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng này đang khiến nhiều người lầm tưởng đây là cách hữu hiệu cứu người đột quỵ.
Theo đó, bài đăng chia sẻ cụ thể phương pháp tiến hành sơ cứu đột quỵ. Đầu tiên khi gặp người đột quỵ cần hết sức bình tĩnh cho dù bệnh nhân đang ở đâu cũng không được di chuyển. Vì nếu bị di chuyển, các mạch máu não sẽ vỡ ra. Hãy giúp bệnh nhân ngồi tại chỗ và giữ không cho bệnh nhân bị ngã, rồi bắt đầu chích cho máu chảy ra.
Đáng chú ý, bài viết này còn cho rằng nếu có một cây kim tiêm ở nhà thì tốt nhất. Nếu không có kim tiêm, có thể dùng kim may hoặc một cây kim thẳng. Sau đó, phải rửa tay thật sạch trước khi thực hiện các bước sau đây.
"Hơ kim trên lửa để khử trùng, rồi dùng kim để chích trên mười đầu ngón tay của người bệnh. Không cần các huyệt cụ thể, chỉ cần chích cách các móng tay 1mm. Chích đến khi máu chảy ra. Nếu máu không chảy ra được, hãy dùng ngón tay của bạn để nặn ra. Khi tất cả mười đầu ngón tay đã có máu chảy ra, hãy chờ vài phút, nạn nhân sẽ hồi tỉnh. Nếu nạn nhân bị méo miệng, hãy kéo hai tai nạn nhân cho đến khi cả hai tai đều đỏ lên. Sau đó, chích vào dái tai nạn nhân cho đến khi mỗi dái tai có chảy ra hai giọt máu. Sau vài phút nạn nhân sẽ hồi tỉnh...", bài viết chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, bài viết còn khuyến cáo rằng phải chờ cho đến khi nạn nhân trở lại trạng thái bình thường, không có một triệu chứng bất thường nào nữa thì mới chở nạn nhân vào bệnh viện. Vì nếu nạn nhân bị vội vàng chở đi ngay đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, khi xe chạy bị xóc, sẽ làm cho các mạch máu não của bệnh nhân vỡ tung ra.
Mặt khác, nạn nhân đột quỵ thường phải chịu tình trạng mạch máu não bị vỡ khó tránh khỏi trên đường đi đến bệnh viện. Kết quả là các nạn nhân này sẽ không bao giờ hồi phục được.
Trước thực trạng tự chữa bệnh đột quỵ bằng "chích máu đầu ngón tay", các chuyên gia y tế cho biết điều này sẽ khiến người bệnh đánh mất “giờ vàng” cứu chữa.
Liên quan đến vấn đề này, Ths.BS Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam khẳng định, những
thông tin trên là vô căn cứ, không có cơ sở khoa học và tuyệt đối không có ý nghĩa gì trong điều trị đột quỵ.
Theo bác sĩ Mạnh, đột quỵ là tình trạng cấp cứu tối khẩn cấp, trong đó thời gian chính là yếu tố quyết định sự sống còn. Việc chậm trễ trong đưa bệnh nhân đến bệnh viện, thay vào đó là "chích máu đầu ngón tay" theo phương pháp lan truyền trên mạng, có thể khiến người bệnh đánh mất “giờ vàng” cứu chữa, dẫn tới tử vong hoặc tổn thương não vĩnh viễn.
Bác sĩ Mạnh cho hay, khi gặp người bị đột quỵ, điều đầu tiên cần làm là bình tĩnh và gọi cấp cứu ngay lập tức. Tuyệt đối không tự ý châm chích, nặn máu hay trì hoãn cấp cứu vì bất kỳ lý do nào.
Trường hợp người bệnh có dấu hiệu ngưng tim cần được ép tim ngay; nếu có tắc nghẽn hô hấp do dị vật, răng giả, cháo sữa… phải lập tức xử trí theo hướng dẫn sơ cứu chuẩn. Tất cả những bước này đều phải dựa trên kiến thức y học, không nên làm theo các mẹo truyền miệng không kiểm chứng.
“Trong bối cảnh mạng xã hội lan truyền nhanh như hiện nay, những thông tin thiếu kiểm chứng rất dễ gây hoang mang, đặc biệt với các bệnh lý nghiêm trọng như đột quỵ. Việc làm theo “phương pháp cây kim” không chỉ vô dụng mà còn đánh mất cơ hội điều trị kịp thời của người bệnh", bác sĩ Mạnh khuyến cáo.
Bác sĩ Mạnh cũng cho biết thêm, cứu người không thể theo cảm tính hay kinh nghiệm truyền miệng. Mọi trường hợp đột quỵ đều cần được cấp cứu tại bệnh viện càng sớm càng tốt, bởi nếu bỏ lỡ "giờ vàng" điều trị, khả năng cứu sống và hồi phục sẽ giảm sút nghiêm trọng.
Theo ThS. BS Nguyễn Thị Cúc - Chuyên khoa 1 Khoa đột quỵ não - Viện Thần kinh - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nếu gặp trường hợp đột quỵ, mọi người có thể chú ý vào các nhóm trường hợp sau đây để sơ cứu đúng.
Nếu trường hợp người đó bị đột quỵ còn tỉnh táo, không có biểu hiện của việc rối loạn hô hấp, không có biểu hiện mất ý thức hay nôn trớ, thì cần đưa họ tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị sớm.
Nếu người bệnh đó bị hôn mê, cần phải kiểm tra mạch của người bệnh đã ngừng chưa, còn thở không, sau đó tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi ngay lập tức.
Nếu bệnh nhân nôn trớ do có dị vật, cần phải lấy hết dị vật để khai thông đường thở cho họ. Sau đó gọi y tế và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Cúc, với bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não, giờ vàng dùng thuốc tiêu sợi huyết là 3-4,5 tiếng, giờ vàng can thiệp mạch là 6-8 tiếng. Tuy nhiên 1 số trường hợp đặc biệt thì có thể kéo dài thời gian, nhưng thông thường khuyến cáo là 3-4,5 giờ đầu đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để tăng cơ hội cứu sống và giảm tỷ lệ di chứng.
Từ khóa: đột quỵ, đột quỵ, kim chích, chữa đột quỵ, giờ vàng cứu đột quỵ, chích đầu ngón tay, dùng kim chích đầu ngón tay
Thể loại: Y tế
Tác giả: nguyễn hà/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN