Siêu tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ chuẩn bị tập trận cùng đồng minh NATO
Cập nhật: 01/10/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Siêu tàu sân bay hiện đại nhất, trị giá 13 tỷ USD của Hải quân Mỹ sắp sửa ra khơi trong lần triển khai đầu tiên sau nhiều năm trì hoãn hoạt động liên quan đến các vấn đề về công nghệ.
Con tàu này sẽ tập trận cùng với các nước đồng minh NATO. Phát biểu với báo chí, Phó Đô đốc Daniel Dwyer, chỉ huy Hạm đội 2 thuộc Hải quân Mỹ cho biết, tàu sân bay USS Gerald R. Ford hiện là một trong những tàu chiến lớn nhất thế giới được đưa vào hoạt động từ năm 2017. Thời gian đóng con tàu này mất hơn một thập kỷ. USS Gerald R. Ford sẽ ra khơi vào tuần tới trong một đợt triển khai ngắn hạn. Theo Hải quân Mỹ, con tàu đã rời căn cứ hải quân Norfolk, Virginia cùng với các tàu khu trục và tàu chiến khác.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R. Ford sẽ phối hợp với các tàu của nhiều quốc gia trong đó có Pháp, Đức và Thụy Điển tiến hành các cuộc tập trận, đặc biệt là tập trận chống tàu ngầm tại Đại Tây Dương. Hải quân Mỹ cho biết, trong thời gian Ford được triển khai trên biển, sẽ có hàng nghìn binh sỹ, 17 tàu chiến, một tàu ngầm và ít nhất 60 máy bay từ 9 quốc gia sẽ tham gia cuộc tập trận.
Mỹ đã dành nhiều sự quan tâm cho khu vực Bắc Đại Tây Dương trong những năm gần đâu sau khi quân đội Nga tăng cường các hoạt động quân sự với tốc độ chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Việc triển khai tàu sân bay USS Gerald R. Ford tới khu vực diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Nga-Mỹ leo thang liên quan đến cuộc xung đột Ukraine và sự cạnh tranh ảnh hưởng trên biển giữa hai nước ngày càng gia tăng.
Phó Đô đốc Daniel Dwyer cho biết: “Đại Tây Dương là một khu vực có tầm quan trọng chiến lược, không chỉ với Mỹ, đồng minh mà còn cả các đối tác, góp phần củng cố liên kết xuyên đại Tây Dương giữa Bắc Mỹ và châu Âu cũng như phòng thủ nội địa. Trong thời đại cạnh tranh chiến lược này, chúng ta rất khó để nói rằng vị trí địa lý sẽ giúp cung cấp cho chúng ta sự an toàn như trước đây”.
Nhấn mạnh vai trò của cuộc tập trận với các đồng minh và đối tác trong việc thúc đẩy an ninh tập thể, ông Daniel Dwyer khẳng định: “Đây không chỉ là lần triển khai lịch sử đối với tàu sân bay Gerald R. Ford mà quan trọng là chúng ta đang cùng với lực lượng hải quân của 8 nước đồng minh cùng hoạt động trên khắp Đại Tây Dương”.
Bryan Clark, cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, hiện là chuyên gia quốc phòng tại Viện Hudson cho rằng việc triển khai là cơ hội để tìm ra cách tốt nhất vận hành con tàu.
“Mỹ có rất nhiều thế hệ thủy thủ chỉ vận hành một loại tàu sân bay. Nhưng hiện giờ chúng ta có con tàu hoàn toàn khác biệt, đặc biệt là về tốc độ phóng máy bay và nhiều khả năng khác. Hải quân Mỹ về cơ bản nắm được cách điều khiển con tàu nhưng câu hỏi đặt ra hiện giờ là có những cách nào tốt nhất để phát huy các khả năng của nó”.
Theo Phó Đô đốc Daniel Dwyer, việc triển khai là cơ hội để hải quân cùng với các thành viên khác của liên minh NATO tập trận và huấn luyện ở Đại Tây Dương cùng các vùng ven biển, đồng thời thử nghiệm công nghệ tiến tiến của tàu sân bay”.
USS Gerald R. Ford là chiếc đầu tiên trong số các tàu sân bay lớp Ford. Những con tàu khác hiện đang trong quá trình đóng hoặc trang bị. Tàu USS Gerald R Ford có thể mang theo hơn 75 máy bay trong khi các tàu sân bay tương lai - USS Enterprise và USS John F Kennedy - có thể mang theo tới 90 máy bay chiến đấu. Các tàu lớp Ford có khối lượng khổng lồ, nặng 100.000 tấn và có chiều dài 337m. Lớp tàu sân bay này sẽ thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz đang hoạt động hiện nay. USS Gerald R. Ford lớp đầu tiên được tích hợp 23 công nghệ mới, mang lại cho nó nhiều lợi thế hơn so với những tàu sân bay ra trước.
Các hệ thống tích hợp trên máy bay như Hệ thống phóng bằng điện từ (EMALS) và hệ thống cáp hãm đà điện từ (AAG), được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phóng và hạ cánh máy bay. Ông Dwyer cho biết, phi hành đoàn của Ford đã thực hiện hơn 10.000 hoạt động cất cánh và hạ cánh máy bay trên tàu sân bay.
Từng gặp nhiều rắc rối vì “bội thực” công nghệ mới
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford bắt đầu được đóng vào năm 2009. Do những khó khăn trong quá trình chế tạo, đến năm 2017, USS Gerald R. Ford mới được bàn giao cho Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, Hải quân Mỹ chưa thể đưa tàu sân bay này vào hoạt động ngay sau khi tiếp nhận do trục trặc liên quan đến việc tích hợp công nghệ hiện đại, trục trặc máy phóng và một loạt vấn đề khác.
Vào năm 2019, một năm sau khi tàu sân bay lần đầu tiên được dự kiến triển khai, Hạ nghị sĩ Elaine Luria, một cựu chiến binh Hải quân, đã chỉ trích gay gắt công ty đóng tàu Huntington Ingalls Industries, cho rằng họ đã xử lý sai dự án, đồng thời nhấn mạnh Ford về cơ bản là không khác nào "sà lan chạy bằng năng lượng hạt nhân trị giá 13 tỷ USD”.
Đô đốc Michael Gilday - Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ thừa nhận, việc quá tải công nghệ mới đã khiến tàu sân bay bị bàn giao muộn và vượt quá ngân sách.
Vượt qua tất cả những khó khăn, cuối cùng, tàu sân bay này cũng đã sẵn sàng được triển khai. “Mọi thứ đang đi đúng hướng”, Chuẩn đô đốc Gregory Huffman – người dự kiến sẽ chỉ huy con tàu này trong lần triển khai đầu tiên cho biết. Ông Gregory Huffman đưa ra nhận xét này vào năm 2021 sau khi hải quân Mỹ hoàn thành việc thử nghiệm kích nổ các quả bom nặng hơn 18kg gần con tàu để kiểm tra khả năng chống chịu của con tàu trong trường hợp xảy ra chiến tranh./.
Từ khóa: tàu sân bay mỹ, tàu sân bay USS Gerald R. Ford, mỹ sắp triển khai tàu sân bay USS Gerald R. Ford, tập trận chung, tàu sân bay mỹ tập trận chung với đồng minh, NATO tập trận, vũ khí mỹ, sức mạnh tàu sân bay USS Gerald R. Ford, hải quân mỹ, Đại Tây Dương
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN