Sau CPH, nhiều doanh nghiệp còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc cổ phần hóa, thoái vốn thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPHDNNN) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách và chỉ đạo quyết liệt triển khai công tác CPHDNNN và bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
Tuy nhiên, tiến độ triển khai CPHDNNN và bán vốn nhà nước tại DN còn chậm so với kế hoạch và gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Đến nay, mới hoàn thành cổ phần hóa 35/127 DN giai đoạn 2017-2020; hoàn thành bán vốn nhà nước tại 88/403 DN. Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết Quý II/2019, có 6 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH, tuy nhiên trong đó chỉ có 1 DN thuộc danh mục các doanh nghiệp CPH.
PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long tại Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. |
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong việc CPHDNNN tại Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính)tổ chức ngày 8/8, PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế cho rằng, khi Nhà nước còn nắm tỉ lệ sở hữu lớn khiến DNNN khó thay đổi về chất.
Bởi qua theo dõi diễn biến trên thị trường chứng khoán trong hơn 3 năm qua, trong tổng số 25 Tổng công ty thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có 20 Tổng công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Nhưng số liệu trên sàn cho thấy, chỉ có 1 Tổng công ty đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước (Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng), còn lại có đến 8 Tổng công ty gần như không có giao dịch cổ phiếu hoặc giao dịch không đáng kể.
“Những DN này đều có một đặc điểm chung là Nhà nước vẫn đang nắm từ 80% - 98% tổng số cổ phần. Quan sát cũng cho thấy, không có nhiều biến động tích cực nào về tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của những DN này sau CPH. Thậm chí, nhiều DN còn kinh doanh bết bát, kém hiệu quả hơn”, PGS.TS. Ngô Trí Long cho chỉ rõ.
Cũng theo PGS.TS. Ngô Trí Long, trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, trong số 426 DN, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của DN CPH. Điều này đã dẫn đến một thực tế đáng quan ngại là DNNN không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị, nhân sự là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp, việc tham gia vào HĐQT của nhà đầu tư chiến lược chỉ mang tính hình thức (tỉ lệ cổ phần nắm giữ cũng chưa quá 35% để có tiếng nói trong quản lý, điều hành DN).
PGS.TS. Ngô Trí Long cho biết, trong nhiều trường hợp, chậm CPH, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Nhiều dự án như nhà máy Bột Giấy Phương Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên… bán nhiều lần không ai mua; hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được. Cổphiếu của một sốDN có vốn nhà nước trong một sốngành, lĩnh vực vốn rất hấpdẫn nhàđầu tư, đặc biệt là nhàđầu tưngoại nhưdược phẩm, công nghiệp nhựa,bia rượu nước giải khát…đang giảm dần.
“Nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để thoái vốn càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn. Một điểm đáng lo ngại hơn là sự chậm trễ trong CPH, thoái vốn dễ dẫn đến DN có tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN”, PGS.TS. Ngô Trí Long phân tích và chỉ rõ, trong trường hợp này, những DN đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn./.
Cổ phần hoá DNNN ì ạch, mới đạt 1/4 kế hoạch
Từ khóa: cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, nhà đầu tư, niêm yết sàn chứng khoán, doanh nghiệp thua lỗ
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN