Sắp xếp tinh gọn bộ máy: Thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị
Cập nhật: 13/12/2024
Tinh gọn bộ máy: Gia Lai dự kiến giảm 7 sở và 31 phòng, ban
Sáp nhập báo, đài và trang thông tin điện tử, lập Trung tâm truyền thông Quảng Bình
VOV.VN - Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Phương án nghiên cứu, đề xuất sắp xếp các đơn vị thuộc các ban Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã chính thức được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trình bày tại Hội nghị ngày 1/12 trước hơn 1,3 triệu đảng viên trên cả nước. Đây thực sự là những thông tin mà dư luận trông đợi trong nhiều ngày qua kể từ khi Tổng Bí thư Tô Lâm có một số bài viết, bài nói chuyện về chủ đề này, trong đó đáng chú ý là bài viết nhan đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" ngày 5/11.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã trình bày những phương án cụ thể nhằm sắp xếp, tinh gọn các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ… theo hướng một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Các cơ quan, tổ chức trước đây đã sắp xếp bước đầu cũng phải rà soát đề xuất lại, kiên quyết xóa bỏ các tổ chức trung gian.
Theo phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu sẽ tối thiểu giảm được 4 cơ quan Đảng thuộc Trung ương, giảm 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm 4 ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Có thể nói, đây là yêu cầu, là đòi hỏi của thời kỳ phát triển mới, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bộ Chính trị xác định, việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
“Những công việc chúng ta làm hôm nay sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân”- Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu của mình tại hội nghị.
Theo Tổng Bí thư, đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, dù đã được chuẩn bị kỹ, bài bản nhưng chắc chắn việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải "uống thuốc đắng", phải chịu đau để "phẫu thuật khối u".
Tổng Bí thư đề nghị các cấp, các ngành từ Trung ương tới cơ sở phải xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong thực hiện chủ trương này. Đây không chỉ là vấn đề về quy mô hay số lượng, mà sâu xa hơn là phải tạo sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị.
Với tinh thần khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng", “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng", song người đứng đầu Đảng cũng yêu cầu quá trình triển khai thực hiện phải bảo đảm thận trọng, chắc chắn, giữ vững nguyên tắc, tiếp thu ý kiến từ tổng kết thực tiễn, các chuyên gia, nhà khoa học, kể cả kinh nghiệm nước ngoài... để đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy tối ưu nhất. Yêu cầu chung là bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp. Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém.
Để thực hiện quyết tâm này, Bộ Chính tri đã thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, gồm 29 đồng chí do Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng Ban. Bộ Chính trị cũng đã có chủ trương tạm dừng việc bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ chức vụ cao hơn đối với các cơ quan, đơn vị thuộc diện dự kiến phải sắp xếp, tinh gọn (trừ những trường hợp thật sự cần thiết); tạm dừng việc tuyển công chức từ ngày 01/12/2024 cho đến khi hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo định hướng của Trung ương.
Theo yêu cầu của Ban Tổ chức Trung ương, từng cấp, từng ngành bám sát kế hoạch để tổng kết và đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị mình bảo đảm đúng tiến độ (bộ, ngành phải hoàn thành trong tháng 12/2024); hướng tới mục tiêu chung là hoàn thành và báo cáo Trung ương phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025.
Thời gian từ nay đến khi Ban Chấp hành Trung ương thông qua phương án tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không còn nhiều. Điều này đòi hỏi phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, phương pháp làm việc khoa học của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chi đạo Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và toàn hệ thống chính trị, nhất là người đứng dầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ. Yêu cầu đặt ra là cần tạo sự thống nhất cao trong Đảng và toàn hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong nhân dân về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn tổ chức bộ máy trong tình hình mới.
Từ khóa: tinh gọn , tinh gọn bộ máy, sắp xếp cơ quan đảng, chính phủ, nghị quyết 18
Thể loại: Nội chính
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN