Sản phẩm OCOP vùng biên Long An tất bật đơn hàng Tết

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Một số sản phẩm OCOP ở vùng biên giới của Long An: gạo tím hữu cơ, sản phẩm từ cà na thiên nhiên, muối ớt đóng lọ... năm nay không chỉ ổn định đơn hàng nội địa mà còn nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu đi Singapore, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ... Điều này tạo không khí sản xuất rất phấn khởi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ dịp cuối năm.

 

Nhiều đơn hàng ổn định mùa Tết

Cà na một loại trái cây dân dã, vài năm trở lại đây được trồng nhiều ở vùng biên giới Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Chị Trần Thị Ngọc Lan - chủ cơ sở chế biến thực phẩm Ngọc Lan, Vĩnh Hưng mạnh dạn đầu tư nhà xưởng để chế biến 9 loại sản phẩm từ trái cà na như: cà na ngâm đường, sấy dẻo, đập giập trộn muối ớt... bên cạnh đó còn phát triển nhiều loại muối ớt từ nguyên liệu bản xứ.

Mỗi ngày cơ sở này thu mua cho bà con nông dân khoảng 500-700kg cà na, là những loại quả sạch từ thiên nhiên. Hiện những sản phẩm hữu cơ chế biến từ cà na đã được công nhận tiêu chuẩn OCOP 3 sao tỉnh Long An, chuẩn bị công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao vào đầu năm 2025.

Chị Lan chia sẻ, trái cà na Nam bộ gắn với ký ức của nhiều người dân, giá cả phải chăng nên không chỉ được thị trường trong nước đón nhận mà kiều bào nhiều quốc gia cũng đặt hàng mỗi dịp Tết. 

Theo đó lượng đơn hàng và sản lượng xuất khẩu bằng với cùng kỳ. Trước những nhận định về kinh tế còn khó khăn, người dân nhiều quốc gia thắt chặt chi tiêu mua sắm cuối năm nên đơn hàng xuất đi khoảng 1,2 tấn là thành công ngoài mong đợi đối với một doanh nghiệp nhỏ ở vùng xa biên giới. 

Ngoài việc thực hiện những combo quà, thay đổi mẫu mã để xuất khẩu sang Singapore, Hàn Quốc… thì phần lớn sản lượng còn lại của cơ sở sẽ phục vụ nhu cầu mua sắm Tết nội địa và các hội chợ công nhân trên địa bàn tỉnh Long An.

"Bây giờ giá xuất khẩu cũng bằng giá nội địa, tuy nhiên sau khi trừ chi phí tất cả thì cũng có lãi khoảng 20%. Hiện thị trường Đài Loan thì họ chuộng sốt me, còn bột muối chanh thì xuất sang Mỹ… một số sản phẩm tắc xí muội thì cũng xuất được sang Singapore với Australia" - chị Trần Thị Ngọc Lan chia sẻ.

Cũng tại vùng biên Vĩnh Hưng, Long An, đợt cao điểm cuối năm bà con nông dân Hợp tác xã Vĩnh Thuận đã hoàn thành các đơn hàng cung cấp gạo Tím Lài hữu cơ cho một doanh nghiệp xuất khẩu. Trong số 513 ha diện tích lúa gieo trồng chất lượng cao tiêu chuẩn VietGap phục vụ thị trường trong nước và tiêu chuẩn xuất khẩu EU thì hợp tác xã này vẫn duy trì ổn định 42 ha lúa hướng hữu cơ và 8 ha hữu cơ. 

Sau hơn 1 tháng gieo sạ vụ Đông Xuân, bà con nông dân cũng tất bật chăm sóc ruộng lúa để chuẩn bị đơn hàng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ ngay sau Tết Nguyên đán 2025.

Nhờ mạnh dạn duy trì sản xuất theo đặt hàng của đối tác, gạo tím Vĩnh Thuận luôn có thị trường ổn định. Bên cạnh gạo tím, gạo ST25, hợp tác xã này còn sản xuất một số sản phẩm khô cá nước ngọt cho thị trường trong nước.

Bà Nguyễn Thị Diệu Ngân, Giám đốc HTX Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, cho biết: Hợp tác xã cân đối hiệu quả được nguồn kinh phí để vận hành nên vấn đề giá nông sản khi thương thảo với đối tác, giá bao nhiêu nông hộ được hưởng bấy nhiêu. Thiết thực nhất vẫn là vấn đề lợi nhuận, chính vì vậy người nông dân rất phấn khởi. Đây cũng là động lực để bà con tham gia sản xuất sạch, an toàn hơn. 

"Hợp tác xã sẽ không trích lại phần trăm của bà con, đối với lúa xuất đi là bà con nông dân được hưởng lợi trực tiếp, nhà sản xuất cũng được hưởng lợi trực tiếp. Chứ không phải HTX mua lúa 5.000 đồng/kg bán lại 6.000 đồng/kg. Giá doanh nghiệp chốt 6.000đ là nông dân được hưởng luôn đúng giá như vậy" - bà Ngân khẳng định.

Long An ước đạt 7,5 tỷ USD từ xuất khẩu

Tỉnh Long An có 231 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 - 4 sao cùng 6 điểm trưng bày sản phẩm OCOP. Các điểm trưng bày tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP của tỉnh giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ, hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm hợp đồng, hợp tác liên doanh và phát triển thị trường.

Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết: chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" OCOP ra đời từ năm 2018, đến nay đã khơi dậy tiềm năng về đất đai, sản vật, giá trị văn hóa của địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sở Công Thương Long An thời gian qua cũng dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ các sản phẩm OCOP tiếp cận những hội chợ thương mại, hội chợ du lịch. Qua đó góp phần kết nối cung cầu, quảng bá thương hiệu và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm của Long An. 

Bà Châu Thị Lệ cho rằng, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến để xuất khẩu nông sản thì tình hình tiêu dùng Tết năm nay vẫn có xu thế tiết kiệm. Người dân được nhận định tập trung chủ yếu hướng đến sự đa dạng trong sản phẩm và tiện ích trong tiêu dùng, đặc biệt là những sản phẩm truyền thống, văn hóa Việt…

Bên cạnh nông sản, nhiều mặt hàng chủ lực khác của địa phương cũng có sự tăng trưởng đáng kể trong xuất khấu. Từ những hiệu quả trong hoạt động xúc tiến đầu tư dự kiến kế hoạch xuất khẩu năm 2024 đạt 7,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm 2023.  

Long An vừa tổ chức hội nghị kết nối chuỗi cũng ứng hàng hóa xuất nhập khẩu, thu hút hơn 10 doàn khách nước ngoài đến trực tiếp kết nối giao thương. Qua đó ký được nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác giữa Hiệp hội doanh nghiệp Long An với Hiệp hội Thịt của Singapore hay một số doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Đông cũng rất quan tâm tới các sản phẩm của Long An. Bà Lệ nói.         

Với 650 lượt doanh nghiệp địa phương được hỗ trợ kết nối giao thương xuất khẩu đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn. Rất nhiều sản phẩm OCOP, đặc trưng tỉnh Long An đã nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng, để cải tiến đa dạng về mẫu mã, bao bì và chất lượng, đáp ứng yêu cầu theo từng phân khúc thị trường và văn hóa truyền thống, cung ứng cho thị trường Tết.

Từ khóa: OCOP, Long An,xuất khẩu,gạo tím hữu cơ,cà na thiên nhiên,không khí sản xuất cuối năm ,đơn hàng nội địa,nông dân phấn khởi,cà na

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: nguyễn quang/vov -tp.hcm

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập