Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: "Có tâm lý lo ngại, sợ sai ảnh hưởng đến phòng chống dịch"
Cập nhật: 10/10/2022
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
VOV.VN - "Có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch".
Tiếp tục chương trình làm việc tại Phiên họp 16, chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Quyết sách chưa có tiền lệ, tháo gỡ nhiều rào cản
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày báo cáo, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng đã chủ động, sáng tạo trong áp dụng linh hoạt biện pháp chống dịch tại Nghị quyết 30, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nhận định, dự báo tình hình dịch và dựa vào khoa học.
Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện thành công chiến lược vaccine. Xác định vaccine là vũ khí quan trọng, ngay cả trước khi Nghị quyết 30 của Quốc hội ra đời, Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo, bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine xin sớm nhất, nhanh nhất, phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiếp cận sớm nhất”.
Chính phủ cũng đã có các quyết sách chuyển hướng chiến lược phù họp với từng thời kỳ diễn biến dịch bệnh. Đến nay, Việt Nam đã đạt mục tiêu kiểm soát dịch được dịch bệnh COVID-19, đưa đất nước về trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ thừa nhận công tác phòng, chống dịch còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Trong đó công tác chỉ đạo điều hành ở các cấp có nơi, có lúc còn lúng túng, chưa thống nhất, bị động.
Chính phủ cũng đề cập tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do nhiều lý do. Ngoài ra, có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết vị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID- 19 được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31/12/2023 nhằm tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Dự báo tình hình dịch COVID-19 vẫn còn có nguy cơ hiện hữu, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mà các chính sách, quy định hiện hành chưa kịp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và trong thời gian Quốc hội không họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật theo quy định tại mục 3.3 Nghị quyết số 30.
Đề nghị làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhấn mạnh, Nghị quyết 30 đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động, sáng tạo, linh hoạt đề xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch chưa từng có tiền lệ, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.
Cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đã giúp tháo gỡ nhiều rào cản pháp lý, kịp thời huy động lực lượng lớn quân và dân, y tế tư nhân cùng y tế công lập tham gia phòng, chống dịch, bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc, vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế, thực hiện các biện pháp hỗ trợ an sinh, bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Song cơ quan này cũng nhìn nhận việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện một số cơ chế chính sách còn chậm, gây lúng túng và làm ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai ở địa phương và một số cơ sở, làm giảm tính cấp bách, hiệu quả của chính sách.
“Một số quy định do ban hành trong tình trạng khẩn cấp nên chưa được đánh giá tác động thận trọng, kỹ càng dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều lúng túng, khó khăn, thiếu đồng bộ, không nhất quán” – cơ quan thẩm tra đánh giá, đồng thời chỉ ra có tình trạng mỗi địa phương quy định một kiểu, áp dụng không nhất quán, thậm chí có biểu hiện “cát cứ”, chỉ lo cho riêng mình, chưa phối hợp tốt.
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong triển khai tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, song Ủy ban Xã hội lưu ý Việt Nam vẫn chưa cấp phép đăng ký, sử dụng cho bất kỳ vacicne Covid-19 nào sản xuất trong nước dù là quốc gia thứ 3 trên thế giới nuôi cấy và phân lập thành công virus và được đánh giá có tiềm năng trong nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19.
Bên cạnh việc phát hiện và xử lý nhiều vi phạm để răn đe, tuy nhiên, Ủy ban Xã hội nhận định quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý, gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế và công tác thanh quyết toán của các cơ quan, ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này.
Ghi nhận 2 kiến nghị của Chính phủ, tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, để có đủ cơ sở cho Quốc hội quyết định việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết và để thực hiện đạt hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực thì Chính phủ cần có Báo cáo đánh giá tổng quan, đánh giá tác động, từ đó đề ra phương hướng, danh mục cụ thể các nội dung cần làm cho thời gian tới phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Đặc biệt, theo một số thông tin, trong năm 2023 sẽ xuất hiện nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, sẽ ảnh hưởng lớn tới công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc này và có Tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định” - Ủy ban Xã hội lưu ý.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Nghị quyết 30 là sáng kiến pháp luật, tạo điều kiện cho Chính phủ điều bành phòng, chống dịch cũng như phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trong điều kiện khó khăn, do đó báo cáo cần khái quát sâu sắc hơn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu đúng phạm vi theo yêu cầu của Nghị quyết 30, đúng trọng tâm, báo cáo về kết quả thực hiện 10 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi có Nghị quyết 30 của Quốc hội.
“Tiếp tục hoàn thiện báo cáo theo hướng bổ sung danh mục, số liệu cụ thể, rõ việc, rõ thời gian thực hiện, kết thúc, đánh giá tác động để rõ căn cứ pháp luật trình Quốc hội xem xét quyết định” – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh và lưu ý với các chính sách mới, nếu đủ điều kiện mới trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 tới đây./.
Từ khóa: Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, phòng chống dịch covid-19, vaccine ngừa covid-19, mua sắm thuốc và thiết bị y tế, Uỷ ban thường vụ Quốc hội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN