Quảng Ninh giải bài toán tăng trưởng kinh tế 12% trước dịch Covid 19
Cập nhật: 07/03/2020
HDBank, Vietinbank, Agribank, Vietcombank... được vinh danh Thương hiệu Quốc gia
Quảng Ninh khôi phục sản xuất, kiên trì mục tiêu tăng trưởng cả năm 2 con số
VOV.VN - Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế của tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là ngành du lịch, dịch vụ, thương mại biên mậu.
Đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 12%, Quảng Ninh đang tập trung ổn định sản xuất kinh doanh, giữ đà phát triển kinh tế.
Hơn 1 tháng qua, các khu du lịch lớn của tỉnh Quảng Ninh đều lâm vào cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Bến tàu tham quan vịnh Hạ Long, núi Yên Tử, đền Cửa Ông,... đều không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp, du khách cũng hạn chế sử dụng nhiều dịch vụ, tiện ích so với trước đó.
Theo thống kê, trong Quý I, lượng khách tới Quảng Ninh từ thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á có thể giảm tới 80%, thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc giảm gần 30%, khách nội địa giảm 70%.
Công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp của Quảng Ninh được đo thân nhiệt trước khi vào ca. |
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị y tế, phun thuốc khử trùng thường xuyên, tuyên truyền tại các điểm đến để phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách, các doanh nghiệp du lịch cũng đang đau đầu tìm giải pháp ổn định kinh doanh. Nhiều đơn vị tàu khách, nhà hàng, khách sạn nhỏ đã phải tạm thời đóng cửa, số khác cắt giảm đến một nửa nhân công hoặc cho nghỉ luân phiên, hưởng nửa lương.
Ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty hoạt động lữ hành, dịch vụ vận tải du lịch cho biết: "Khách hàng giảm sút mạnh, tuy nhiên chúng tôi vẫn duy trì cung cấp dịch vụ để vừa phục vụ khách, vừa tăng cường các giải pháp phòng chống dịch. Đối với các dịch vụ như nhà hàng khách châu Á phải đóng cửa, chúng tôi đã chuyển sang nâng cấp cơ sở vật chất,chất lượng dịch vụ,đồng thời tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực của nhân viên trong lúc đang nhàn rỗi".
Du lịch, dịch vụ giảm sút mạnh đòi hỏi Quảng Ninh phải linh hoạt trong điều hành kịch bản tăng trưởng kinh tế, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp, xây dựng để bù đắp, trong đó tập trung giữ đà hoạt động sản xuất ổn định và sớm phát triển trở lại sau khi hết dịch.
Tại khu công nghiệp Cái Lân (TP Hạ Long), hiện 50 doanh nghiệp vốn FDI và trong nước đều không có tình trạng thiếu nguyên liệu, nhân lực. 100% công nhân được đo thân nhiệt từ cổng vào hoặc tại các phân xưởng, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước giờ vào ca.
Bà Tăng Thị Minh Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty sản xuất nến nghệ thuật xuất khẩu cho biết: "Đối với nhập khẩu, khi các cửa khẩu thông quan, chúng tôi đã nhập khẩu được các nguyên liệu về để ổn định sản xuất. Nguồn hàng xuất khẩu đã đảm bảo cho khách hàng, hoạt động vẫn duy trì liên tục. Lượng công nhân vẫn ổn định, chúng tôi còn tuyển mới được 100 công nhân, đảm bảo lượng người lao động phục vụ cho sản xuất".
Việc thông quan các cửa khẩu với Trung Quốc giúp thương mại biên mậu ổn định trở lại và đảm bảo nguyên vật liệu sản xuất. |
Riêng đối với ngành Than, để đáp ứng nhu cầu thị trường, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam TKV đã quyết định điều chỉnh sản lượng khai thác than năm 2020 từ 40,5 triệu tấn tăng lên tối thiểu đạt 41 triệu tấn. Ngay đầu năm, các đơn vị của TKV đều vào guồng đẩy mạnh sản xuất, đồng thời chủ động phòng chống dịch cho hàng vạn công nhân.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã làm việc với ngành xi măng, ngành điện để điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp. Đồng thời yêu cầu tăng cường các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong thành lập doanh nghiệp mới cũng như đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Các ngành và địa phương đã và đang xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể, siết chặt kỷ luật kỷ cương tài chính ngân sách, tập trung vốn cho những công trình có đủ điều kiện để hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả.
Đặc biệt, Quảng Ninh đã thông quan trở lại cầu Bắc Luân II từ ngày 13/2, cầu phao tạm Km3+4 trên sông biên giới Ka Long từ ngày 25/2, ưu tiên xuất khẩu nông sản và nhập khẩu các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Đã cóhàng trăm lượt xe container hàng hóa xuất nhập khẩu được thông quan qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tổng thu ngân sách hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết: "Chúng tôi đã thành lập tổ hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh xảy ra, trực tiếp tiếp nhận thông tin tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp mới làm thủ tục. Chúng tôi hướng dẫn thủ tục khai báo, quy trình ngay tại địa điểm kiểm tra để doanh nghiệp biết và thực hiện, đảm bảo thời gian nhanh nhất, tạo điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời tuân thủ theo đúng quy trình phòng dịch".
Trước tác động không nhỏ của dịch bệnh, tỉnh Quảng Ninh vẫn kiên trì giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020, tổng sản phẩm GRDP tăng trên 12%, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 48 nghìn tỷ đồng, đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 22 dự án đầu tư công mới.Đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Tuy vậy, Quảng Ninh cũng có những cơ sở để tự tin.
Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2019 với những dự án hạ tầng động lực đã đi vào hoạt động, triển vọng từ các dự án quy mô của nhiều nhà đầu tư lớn, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, sự phát triển của các Khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái, các sản phẩm du lịch mới... cũng như sự quyết liệt của chính quyền sẽ góp phần giải bài toán giữ vững tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tính khả thi của các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2020./.
Bình Dương kiến nghị gỡ khó cho DN bị ảnh hưởng dịch Covid-19
Từ khóa: Quảng Ninh, tăng trưởng kinh tế, dịch bệnh, doanh nghiệp, Dịch bệnh Covid-19
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN