Phối hợp giữa Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phía Nam còn lỏng lẻo
Cập nhật: 22/10/2024
VOV.VN - "Công tác phối hợp giữa Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phía Nam còn lỏng lẻo" - đó là ý kiến của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP.HCM tại Hội nghị giao ban Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) các tỉnh, thành khu vực Nam bộ sáng nay (18/10).
Báo cáo cho biết, 9 tháng qua, các tỉnh, thành phía Nam đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 39 ngàn vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại... giảm 32,7 % so với cùng kỳ năm trước; thu nộp ngân sách nhà nước 2.854 tỷ đồng. Trong đó đã khởi tố 810 vụ, tăng 9% so với cùng kỳ, số đối tượng bị khởi tố tăng 14,3%.
Số vụ vi phạm được phát hiện giảm, tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trên không gian mạng ở khu vực Nam Bộ vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Hàng hóa vi phạm đa dạng, không chỉ được sản xuất trong nước mà còn ở nước ngoài, đưa vào thị trường trong nước bằng nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại. Riêng tuyến biên giới giáp Campuchia thuộc tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, hàng thẩm lậu là pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, hàng dân dụng, điện tử, điện lạnh, tân dược, mỹ phẩm...
Tuyến cảng biển vi phạm tập trung ở các cảng lớn như: Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Cát Lái, TP.HCM. Các loại hình vi phạm là hàng quá cảnh, chuyển khẩu, tạm nhập tái xuất, nhập kinh doanh…Còn trên tuyến biển thì chủ yếu buôn lậu xăng dầu.
Tại đây, các đại biểu kiến nghị cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ban chỉ đạo 389 các tỉnh trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép...Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho rằng việc phối hợp trong công tác này hiện còn lỏng lẻo. "TP.HCM vừa là địa bàn sản xuất, vừa là nơi trung chuyển, vừa là địa bàn tiêu thụ. Dưới tỉnh thì đa số các chủ hàng cũng lên TP.HCM mua hàng. Việc phối hợp giữa các lực lượng để thông tin cho nhau, để hỗ trợ nhau trong công tác phát hiện điều tra xử lý hiện nay vẫn còn hạn chế".
Về sự phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác này, Đại tá Nguyễn Văn Tranh, Phó tư lệnh, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển vùng 4 chia sẻ: "Bộ phối hợp tốt với công an, bộ đội biên phòng, các cơ quan của Cà Mau, Kiên Giang để đấu tranh ngăn chặn. Ở đây, ngăn chặn là không cho các tàu vận chuyển dầu về bờ, thứ hai là ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm ở ngoài khơi, để làm sao hạn chế thấp nhất mua bán xăng dầu trái phép".
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian tới sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả hiệu quả và thực chất hơn. Các địa phương tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, kết quả, phương thức, thủ đoạn; chủ động phối hợp các lực lượng, địa phương có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Từ khóa: hàng giả, Ban chỉ đạo 389 ,gian lận thương mại ,hàng giả,Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu,số vụ vi phạm,Ban chỉ đạo 389
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: lệ hằng-ctv ngọc anh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN