Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Nghiên cứu, phối hợp nâng cao chất lượng đào tạo luật sư"

Cập nhật: 28/09/2020

VOV.VN - Ngày 28/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Chiều 28/9, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhiệm kỳ 2016 – 2020 họp phiên thứ 10. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Cho ý kiến về Đề án “Xây dựng cơ chế phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của luật sư” các đại biểu cho rằng, Đề án đã đánh giá, cung cấp nhiều số liệu phản ánh sự phát triển về số lượng và chất lượng của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư, các đoàn luật sư.

Đồng thời đề án nêu được một số hạn chế, bất cập về số lượng, chất lượng luật sư và hoạt động của tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư trong thời gian qua.

Tuy nhiên theo các đại biểu trong phạm vi các vấn đề được đề cập trong Đề án cần được rà soát kỹ. Bởi, Ban Bí thư mới Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 33, sau đó Ban Bí thư ra Kết luận 69 và có nhiều đề mục trong Đề án trùng lặp với Kết luận 69 của Ban Bí thư. Về thành lập trường đào tạo luật sư, các đại biểu cho rằng, đây là chủ trương đúng. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thành lập cần có đủ các điều kiện. 

Về Đề án “Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”, các đại biểu cho rằng, Đề án đã đề xuất phạm vi đánh giá theo lĩnh vực là hoạt động tư pháp bao gồm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đồng thời đề án đã tiếp cận xây dựng Bộ chỉ số theo hướng là đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp, mức độ bảo đảm khả năng tiếp cận công lý, bảo vệ quyền và lợi ích của họ và mức độ hài lòng của người dân mà hoạt động tư pháp đem lại.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý với việc cần thiết đổi tên Đề án từ “Xây dựng Bộ chỉ số tư pháp” thành “Xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá của người dân đối với hoạt động tư pháp”. Nếu theo nội dung Đề án với 15 chỉ số thành phần thì cần phải khảo sát, đánh giá kỹ hơn để làm rõ đối tượng được đánh giá.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: “Hoạt động tư pháp khi công khai lên rồi không đơn giản. Không chỉ có người dân, các cơ quan tư pháp mà cả quốc tế người ta cũng nhìn vào đây nữa. Yêu cầu phải khách quan, độc lập, vô tư, kịp thời…đây là những tiêu chí rất dân chủ và cần phải tính toán kỹ."

Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận 48 ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị khóa IX về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, để phát triển đội ngũ luật sư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của luật sư trong giai đoạn tới, Đảng đoàn Luật sư và các cấp ủy, tổ chức Đảng ở Trung ương và địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan cần thực hiện đẩy đủ, toàn diện Kết luận 69 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư.

Đồng thời đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Chiến lược nghề Luật sư sau năm 2020. Về kiến nghị của Liên đoàn Luật sư về xây dựng trường nghề, cần xác định rõ trường đào tạo nghề luật sư hay trường Đại học đào tạo Luật sư. Bởi trong luật Luật sư có quy định cụ thể về vấn đề này. Vì muốn thực hiện phải phù hợp với Luật giáo dục đào tạo, Luật dạy nghề và phải có chương trình, giáo án. Vì vậy cần cân nhắc, xem xét trên cơ sở rà soát đánh giá tổng thể về việc sắp xếp các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp cho phù hợp với thực tiễn.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kết luận: “Cần có đề án phù hợp với Luật giáo dục và đào tạo, dạy nghề và phải có đất đai, cơ sở vật chất hạ tầng và phải có đội ngũ giáo viên cơ hữu, giáo viên thỉnh giảng. Đồng thời phải có chương trình, phải có giáo án. Tôi đề nghị Ban cán sự Đảng bộ Tư pháp cùng với Đảng đoàn Liên đoàn luật sư phối hợp nghiên cứu, đánh giá cho kỹ, phối hợp để nâng cao chất lượng đào tạo luật sư.”

Về Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá của người dân với hoạt động tư pháp, Phó Thủ tướng đề nghị cần cân nhắc cách làm, phạm vi đánh giá theo lĩnh vực, tiêu chí, phạm vi, mức độ, đối tượng lấy ý kiến để đánh giá. Đồng thời đề nghị Hội Luật gia tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để tiếp tục hoàn chỉnh đề án./.

Từ khóa:

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập