
Ký ức gần 1.500 ngày ở “địa ngục trần gian” nhà tù Phú Quốc
Cập nhật: 6 giờ trước
Ký ức gần 1.500 ngày ở “địa ngục trần gian” nhà tù Phú Quốc
Bộ Tư lệnh Quân khu 9 kiểm tra tại Ban chỉ huy BĐBP thành phố Cần Thơ
VOV.VN - Người lính trải qua gần 1.500 ngày nơi “địa ngục trần gian” tại nhà tù Phú Quốc, vẫn vẹn nguyên ký ức về những trận đòn roi, những màn tra tấn tàn khốc của địch. Câu chuyện cuộc đời ông không chỉ là một phần ký ức hào hùng của dân tộc, mà còn là nốt nhạc trong bản anh hùng ca về ý chí kiên cường, bất khuất.
Trong những ngày này, cả nước đang hướng tới các hoạt động tri ân những cựu chiến binh, thương binh, thân nhân liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho nền hòa bình dân tộc, chúng tôi có dịp tới thăm một thương binh hạng 4/4 - người đã trải qua gần 1.500 ngày "sống không bằng chết" tại nhà tù Phú Quốc - ông Nguyễn Quốc Phú.
Ông Nguyễn Quốc Phú tình nguyện nhập ngũ vào ngày 10/7/1967, được phân về Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 2, thuộc Sư đoàn 338, và huấn luyện tại huyện Cẩm Thủy (cũ), tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 12/1967, đơn vị ông hành quân vào Nam.
“6 tháng tiến quân vào Nam, dọc đường có nhiều đồng đội hy sinh, bị thương do trúng bom tọa độ của địch. Trong thâm tâm chúng tôi lúc ấy, thương đồng đội bao nhiêu thì căm thù giặc bấy nhiêu. Ai cũng mong muốn vào chiến trường thật nhanh để chiến đấu với kẻ thù”, ông Phú nhớ lại.
Tháng 3/1969, khi đang là trung đội trưởng của C21, Quân đoàn 5, trong một trận giao tranh ác liệt với địch, ông Phú bị trọng thương ở chân, đầu và bụng. Đơn vị đã gửi ông vào ấp Tân Hiệp nhưng bị giặc phát hiện, đến bắt đưa về Sài Gòn để vừa điều trị vừa hỏi cung.
Ký ức về những ngày bị tra tấn để lấy lời khai của địch vẫn hằn sâu trong tâm trí ông Phú. “Lúc bị bắt, tôi đã xác định trong đầu, thà hy sinh chứ kiên quyết không để lộ thông tin gì của đơn vị. Tôi cũng được huấn luyện trước về tình huống bị địch bắt, nên khi bị tra khảo, tôi cố gắng khai sai thông tin và khai thật ngắn”.
Ông hiểu rằng địch có rất nhiều hình thức tra tấn để lấy cung, và chúng sẽ ghi vào hồ sơ, sau đó tra khảo nhiều lần để xem có trùng khớp với lời khai ban đầu hay không. “Chúng dùng ánh sáng cực mạnh soi vào mặt làm ức chế thần kinh. Vì mình khai sai, nên phải khai thật ngắn để nhớ dễ, trong đầu luôn phải nhớ lời khai ban đầu". Chúng thay nhau tra khảo, đánh đập nhưng ông vẫn giữ vững được lời khai như ban đầu.
Sau 2 tháng, khi biết không moi được bất kỳ thông tin nào từ ông, chúng đã đày ông ra nhà tù Phú Quốc - nơi đây được ví như “địa ngục trần gian”. Trong thời gian bị giam cầm, ông Phú đã nếm trải và chứng kiến những hình thức tra tấn dã man như đóng đinh vào đầu gối, dội nước sôi, bỏ vào thùng phi rồi dùng búa đập bên ngoài, nhốt vào chuồng cọp, treo ngược phơi nắng.
Máu của biết bao đồng đội đã thấm đẫm tại trại giam này, nhưng tất cả không làm ông run sợ. Ngược lại, lòng căm thù và ý chí quật cường trong ông càng trỗi dậy mạnh mẽ. Ông Phú nhanh chóng kết nối được với tổ chức Đảng trong nhà tù. Ông được tín nhiệm giao nhiệm vụ bí thư chi đoàn của chi bộ trong trại giam. Ông đã 3 lần tổ chức đào hào cùng đồng đội và nhiều chiến sĩ đã vượt ngục thành công trong những lần đào hào ấy.
Khoảng thời gian bị địch giam cầm ở Phú Quốc đối với ông như những ngày sống trong “địa ngục trần gian”, nhưng cũng chính nơi đây đã hun đúc nên ý chí thép của một người cách mạng kiên trung.
Sau gần 1.500 ngày tù đày, đến ngày 21/3/1973, ông Nguyễn Quốc Phú được trả tự do, trở về đơn vị cũ công tác, tiếp tục tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Đến 5/1976, ông chuyển công tác sang ngành giao thông, Công ty Cầu Thanh Hóa, đảm nhận chức vụ bí thư đoàn, sau đó đi học ở Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa và chuyển công tác về Tỉnh đoàn. Năm 1995, ông chuyển sang Hội Cựu chiến binh tỉnh làm Trưởng ban phong trào và nghỉ hưu năm 2008.
Khi nghỉ hưu, ông sinh hoạt tại Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Thanh Hóa), và năm 2022 ông được bầu làm Chủ tịch Hội. Ông hăng hái liên lạc, giúp đỡ đồng đội gặp khó khăn vươn lên thoát nghèo, kêu gọi xây nhà tình nghĩa cho đồng đội, kịp thời động viên nhau. Hiện tại, hội chỉ còn 600 người, giảm hơn 1.000 hội viên so với ban đầu nhưng vẫn hoạt động đều đặn.
Với những đóng góp không mệt mỏi ấy, ông đã vinh dự được trao tặng 24 huân, huy chương các loại và giấy khen của các cấp, tỉnh, Trung ương.
Chiến tranh đã lùi xa 50 năm, nhưng những tháng ngày binh nghiệp, những lần cận kề cái chết vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí người thương binh già. Ông Phú chia sẻ: “Đời binh nghiệp là phần không thể thiếu của cuộc đời tôi. Mình phải nhớ, phải ghi lòng để kể lại cho con cháu, không được quên đi những năm tháng đó”.
Từ khóa: Phú Quốc, Phú Quốc, nhà tù Phú Quốc,Phú quốc địa ngục trần gian
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: ctv phương giang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN