Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm nạn nhân nhiễm chất độc da cam
Cập nhật: 21/08/2024
Toàn cảnh Lễ trao giải Búa liềm vàng lần thứ 9
Tổng Bí thư: Báo chí cách mạng Việt Nam đã hòa mình vào thực tiễn cuộc sống
VOV.VN - Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2024), sáng nay, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã đến thăm và tặng quà Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì.
Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng và tẩy độc cho cựu chiến binh và con của cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiện, Trung tâm thường xuyên nuôi dưỡng, điều trị, chăm sóc trên 100 nạn nhân chất độc da cam, là con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.
Trong đó, hơn 90% các cháu bị bệnh tâm thần; không tự phục vụ được. Các nạn nhân có những hành vi bất thường, tăng động mạnh, có nguy cơ gây nguy hại cho bản thân và những người xung quanh, dẫn đến công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như các ban, ngành đoàn thể, doanh nghiệp.
Tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm luôn phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta, khắc phục mọi khó khăn, xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho cựu chiến binh và con em của cựu chiến binh thành phố Hà Nội bị nhiễm chất độc da cam trong kháng chiến hiện gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Bày tỏ xúc động khi đến thăm Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau; quan tâm chăm lo đối với các đối tượng chính sách, người có công, người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành nguồn lực để khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam; xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường trong khu vực còn tồn đọng chất độc hóa học; chăm sóc, giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
Phó Chủ tịch nước đánh giá cao cấp ủy, chính quyền địa phương, Bộ Quốc phòng, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Đồng thời vận động nguồn lực, tổ chức khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi về việc làm phù hợp để nạn nhân chất độc da cam/dioxin vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, các nước, tổ chức, cá nhân có liên quan. Vì vậy, làm tốt công tác này không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội, mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, vì một thế giới không có chiến tranh, không có vũ khí hóa học.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong trong chiến tranh ở Việt Nam, nhất là Chỉ thị số 43 ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2021 - 2030. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh; trong đó phải chú trọng công tác xây dựng và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng nói chung và người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học nói riêng. Đồng thời tăng cường phối hợp giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc tháo gỡ vướng mắc, giải quyết kịp thời, hiệu quả, đúng quy định đối với những tồn đọng chính sách, nhất là người tham gia hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/dioxin nhưng chưa được hưởng chế độ.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị: "Ngành y tế nên có đề xuất về một quy trình mang tính chất chính sách. Hội nạn nhân da cam đề nghị, ngành y tế có sự tham gia chủ trì, Bộ Quốc phòng cũng nghiên cứu, tính toán làm sao có một chính sách, một quy trình để điều trị cho nạn nhân chất độc da cam theo phương pháp mới để không tốn nhiều công sức của cán bộ, nhân viên, người phục vụ trong gia đình. Nếu chúng ta có quy trình tốt, thuốc men tốt thì chúng ta sẽ giúp rất nhiều cho nạn nhân, giúp rất nhiều cho người trực tiếp chăm sóc, chúng ta giảm bớt đi gánh nặng xã hội để những người lao động trong các gia đình có thể làm những việc khác chăm lo cho gia đình”.
Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm Trung tâm có đủ điều kiện, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao; quan tâm nghiên cứu, đề xuất chính sách, cải thiện chế độ đối với đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động ở Trung tâm nói riêng và đội ngũ cán bộ, bác sĩ làm công tác này trong cả nước nói chung.
Từ khóa: chất độc da cam, chất độc da cam,Phó Chủ tịch nước,Võ Thị Ánh Xuân,Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm nạn nhân nhiễm chất độc da cam
Thể loại: Nội chính
Tác giả: việt cường/vov1
Nguồn tin: VOVVN