Phát huy văn hoá bản địa để làm du lịch bền vững tại Kbang, Gia Lai

Cập nhật: 17/11/2024

VOV.VN - Những năm qua, nhiều địa phương tại tỉnh Gia Lai đã triển khai hiệu quả việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số để làm du lịch cộng đồng. Từ đó, vừa giúp bảo tồn giá trị văn hóa, vừa nâng cao đời sống người dân.

Những ngày cuối năm, người dân Bahnar ở làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai rạng rỡ nụ cười chào đón đoàn khách từ Hà Nội. Du khách hào hứng thưởng thức món cơm lam thơm dẻo trong ống nứa, gà nướng đậm đà và rượu ghè men lá nồng nàn; rạo rực với âm thanh rộn rã của cồng chiêng.

Chị Lê Thị Phương, du khách đến từ Hà Nội, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Gia Lai, cũng là lần đầu tiên được trực tiếp xem cồng chiêng Tây Nguyên. Và nhất là có các bạn nhỏ tham gia biểu diễn, thật sự cảm thấy thú vị và hấp dẫn, một cảm giác bình yên và thư thái”.

Cùng với làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã xây dựng các làng du lịch cộng đồng của người Bahnar, gồm: Kdang (xã Kông Lơng Khơng), Stơr (xã Tơ Tung), Kon Bông (xã Đak Rong) và Chiêng (thị trấn Kbang).

Già làng Đinh Mưnh - làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng cho biết: “Chúng tôi chuẩn bị homestay là nhà sàn để cho khách ngủ, gia đình sẽ nấu cơm theo phong tục của mình bằng gạo lúa rẫy, cá bắt dưới suối, rượu ghè cho khách uống, hát hò là họ vui vẻ thích lắm. Khách tới thì ngủ ở nhà nào cũng được. Tôi là già làng, tôi có trách nhiệm cùng bà con và phải cố gắng”.

Chị Trần Thị Bích Ngọc - công chức UBND xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, cho biết, công tác bảo tồn văn hoá truyền thống từ không gian đến phong tục tập quán được chú trọng để giúp bà con làm du lịch bền vững: “Qua việc làm du lịch cộng đồng thì các loại hình di sản thì cũng được bà con phục dựng lại như cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm. Bà con cố gắng vừa bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa và cũng vừa phát triển du lịch để thu hút được khách du lịch, qua đó sẽ góp phần thêm kinh tế cho bà con ở làng”.

Không riêng các làng du lịch, mà tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, công tác bảo tồn văn hóa hướng tới làm du lịch bền vững cũng đang được triển khai.

Ông Trần Xuân Nam, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, huyện Kbang cho biết: “Các làng có sự chủ động, bảo tồn duy trì văn hoá của người Bahnar. Bên cạnh đó chúng tôi nhân rộng một số nét văn hoá của người đồng bào phía Bắc như người Mông, người Tày để đặc sắc hơn văn hóa trên địa bàn. Đặc biệt vào dịp Tết, xã tổ chức hội xuân, thu hút các làng Bahnar tham gia các tiết mục cồng chiêng. Do đó, một số làng trên địa bàn đã có nhận thức bảo vệ, bảo tồn văn hoá”.

Từ năm 2022, huyện Kbang đầu tư gần 4 tỷ đồng triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025.

Ông Đinh Đình Chi, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kbang cho biết địa phương cũng lồng ghép nhiều nguồn lực để giúp người dân bảo tồn văn hóa, tạo sinh kế ổn định đời sống: “Thứ nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, thứ hai là bảo tồn, phát huy được giá trị của các di sản văn hóa người địa phương, kết nối các địa phương với nhau tạo thành một cái tuyến tour để đưa khách đến. Khi khách đến rồi, tập huấn cho người dân bước đầu có ý thức lập kế hoạch, tạo ra sinh kế; bước đầu lấy di sản để làm nền tảng để phát triển du lịch và cũng lấy du lịch để nuôi lại di sản và tạo công ăn việc làm cho người dân”.

Từ khóa: Gia Lai, du lịch bền vững,du lịch gia lai,văn hóa bản địa,văn hóa gia lai,du lịch cộng đồng

Thể loại: Công chúng của VOV

Tác giả: nguyễn thảo/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập