Đồng bằng sông Cửu Long tăng cường gắn kết cùng phát triển du lịch
Cập nhật: 19/11/2024
VOV.VN - Đồng bằng sông Cửu Long có thời điểm bị coi là vùng trũng về phát triển du lịch. Các sản phẩm du lịch chủ yếu khai thác vào mùa nước nổi, còn giai đoạn khác thiếu các hoạt động đặc sắc. Hơn thế nữa các sản phẩm du lịch và cách làm du lịch trong vùng khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về sự đặc thù của từng địa phương.
Đánh giá về thực trạng du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Lê Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết đây từng bị xem là vùng trũng phát triển với khởi điểm thấp và tốc độ phát triển chậm. Khoảng 15 năm trở lại đây, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL được thành lập và đã cùng với các địa phương xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh liên kết hơn tác giữa vùng du lịch trọng điểm trong cả nước như TP.HCM, Hà Nội, duyên hải Miền Trung... cùng xây dựng sản phẩm, tuyến du lịch mới để góp phần phát triển du lịch ĐBSCL .
"Đặc điểm vùng ĐBSCL là vùng sông nước, do đó tài nguyên du lịch cũng giống nhau và sản phẩm du lịch cũng thường giống nhau. Tuy nhiên chúng tôi cũng xác định được những đặc trưng riêng của mình, là tính sông nước của mỗi vùng khác nhau. Khoảng 10 năm trở lại đây thì du lịch tại ĐBSCL đã phát triển tốt. Một số vùng trọng điểm du lịch như Phú Quốc ở Kiên Giang, TP. Cần Thơ; ngoài các tỉnh phát triển mạnh thì Bến Tre, Đồng Tháp hay một số tỉnh trước đây rất khó khăn như Bạc Liêu, Cà Mau bây giờ phát triển rất tốt", ông Lê Thanh Phong cho biết.
Theo ông Lê Thanh Phong, muốn phát triển sản phẩm du lịch thì ĐBSCL phải khai thác tốt các tài nguyên thiên nhiên, trong khi tài nguyên ĐBSCL chủ yếu là sông nước thì sản phẩm du lịch cũng gắn với sông nước. "Mang đặc tính là sông nước nên sản phẩm du lịch cũng na ná nhau. Nhưng những năm về trước chúng tôi chưa phân tích kỹ, bây giờ thấy sông nước mỗi vùng khác nhau và cũng có những đặc thù riêng. Ví dụ như Cần Thơ có sông nước gắn với đô thị, An Giang có vùng sông nước gắn với tâm linh, Bạc Liêu có sông nước gắn với yếu tố văn hóa... Ngoài đặc điểm chung chúng tôi khai thác những thế mạnh đặc trưng của từng địa phương".
Thời gian gần đây, TP.HCM cùng với ĐBSCL đã xây dựng chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng, các bên có ký liên kết hợp tác phát triển du lịch và sau đó thành lập Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TP.HCM với 13 tỉnh thành ĐBSCL.
Theo ông Lê Thanh Phong, các chương trình liên kết đôi khi không đạt hiệu quả cao vì phải tùy theo tính tự giác của từng địa phương: "Chúng ta không thực hiện xây dựng được thể chế trong liên kết, vì liên kết chỉ mang tính chất tự giác, tự nguyện, tự quản. Điểm nghẽn hiện nay là trong Ban điều phối. Ban điều phối TP.HCM có thành lập, cụm phía Tây, cụm phía Đông ĐBSCL cũng có ban điều phối. Nhưng tất cả các ban này không thực hiện quyền quyết định theo thể chế mà pháp luật quy định, mà thực hiện mang tính chất tự nguyện, tự quản và quyết định theo nguyên tắc đồng thuận. Do không thể điều phối được một cách mạnh mẽ mà tùy theo sự tự giác của từng địa phương, do đó nhiều khi không đạt kết quả cao là vậy".
Đáng chú ý, ĐBSCL cũng đã mở rộng liên kết trong tiểu vùng Mekong với chương trình tour dọc theo sông Mekong qua Campuchia, Lào hay tour đường bộ kết nối Campuchia, Thái Lan, Myanmar. "Những chương trình này là một điểm nổi bật trong khu vực ĐBSCL, chúng tôi đã thực hiện được ở Campuchia, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên việc quảng bá xúc tiến này vẫn chưa thật toàn diện, chỉ mang tính giới thiệu hình ảnh và chưa làm thường xuyên được. Việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp nhau chưa có hiệu quả cao, nhưng cũng góp phần nào giúp lượng khách quốc tế đến ĐBSCL có tăng trong 10 năm vừa qua", ông Lê Thanh Phong cho biết.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế trong liên kết hợp tác các vùng trọng điểm du lịch trong cả nước, nhất là trung tâm du lịch TP.HCM đang cùng đồng hành; tiến tới công bố 50 điểm du lịch hấp dẫn của TP.HCM và ĐBSCL. Đây được kỳ vọng sẽ là hạt nhân đầu tiên để xây dựng những sản phẩm du lịch mới được người tiêu dùng bình chọn những điểm đến nổi bật. Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cũng sẽ cụ thể hóa các chương trình hợp tác giữa ĐBSCL với TP.HCM, với Hà Nội, với miền Bắc, với Đà Nẵng và duyên hải Miền Trung, Lâm Đồng, Tây Nguyên; đồng thời xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các địa phương trong khu vực ĐBSCL.
Từ khóa: du lịch, Đồng bằng sông Cửu Long,du lịch miền tây,du lịch tây nam bộ,phát triển du lịch
Thể loại: Công chúng của VOV
Tác giả: chanh tuy/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN