Phát huy nguồn lực văn hoá trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo" của thủ đô

Cập nhật: 28/09/2020

VOV.VN - Trong hội thảo "Nguồn văn hóa trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo", các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến, đề xuất các chính sách, giải pháp cho Hà Nội trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo”.

Sáng 28/9, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức Hội thảo "Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo" của Thủ đô Hà Nội". Hội thảo khoa học có quy mô lớn, với gần 100 bài tham luận của các nhà lãnh đạo, quản lý thực tiễn ở Trung ương và Hà Nội; các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tập trung trao đổi, thảo luận về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hoá trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo" của thủ đô. 

Tham dự hội thảo có bà Ngô Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cùng đại diện lãnh lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và thành phố Hà Nội; các nhà khoa học, nhà quản lý.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, Hà Nội có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội có bề dày lịch sử văn hóa ngàn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa những giá trị cao quý của dân tộc, tiêu biểu cho lương tri, phẩm giá con người; được tổ chức UNESCO vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. "Văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, với Hà Nội không chỉ là trung tâm quyền lực chính trị mà còn có bệ đỡ của sức mạnh “mềm” chính là trung tâm văn hóa", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Ngày 30/10/2019, Hà Nội vinh dự được công nhận là Thành phố sáng tạo của UNESCO. Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh, với tôn chí hướng tới thúc đẩy "nguồn lực văn hoá" và "sáng tạo văn hoá" làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Việc tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô với thế giới. Đồng thời, xây dựng chiến lược văn hoá toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa, truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, nhằm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực văn hóa, xây dựng và phát triển Thủ đô trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Trở thành thành phố sáng tạo là vinh dự, đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội phấn đấu thực hiện các kế hoạch hành động sao cho xứng tầm với danh hiệu. Bà Ngô Thị Thành Hằng nhấn mạnh tầm quan trọng của hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp, chia sẻ những ý kiến tâm huyết, đổi mới, đề xuất các chính sách, giải pháp dưới góc nhìn khoa học, thực tiễn liên quan đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nguồn lực văn hoá trong chiến lược phát triển 'Thành phố sáng tạo" của thủ đô. Thông qua hội thảo, từ những vấn đề lý luận, thực tiễn của Hà Nội, các ý kiến của các đại biểu là cơ sở đặc biệt quan trọng để Hà Nội xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển văn hoá trong thời gian tới. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, đề xuất giải pháp về việc phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa của Thủ đô Hà Nội trong xây dựng "Thành phố sáng tạo". Các đại biểu khẳng định văn hóa là động lực cho Hà Nội phát triển; văn hóa là cội nguồn để tạo dựng nên sức mạnh dân tộc, sự bền vững cho một quốc gia, là niềm tự hào để sánh với các quốc gia khác.

Theo PGS.TS Tạ Ngọc Tấn, Hà Nội cần chú trọng phát triển “văn hóa sống của con người" và "văn hóa cảnh quan của Thủ đô". Về văn hoá sống của con người, PGS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, người Hà Nội cần phát huy truyền thống thanh lịch, xây dựng chuẩn mực giá trị người Hà Nội hiện đại, có tiếp thu giá trị truyền thống gắn với những giá trị tiêu biểu của dân tộc. Còn về "văn hoá cảnh quan", Hà Nội cần lưu ý đến việc điều chỉnh quy hoạch cũng như xây dựng các công trình văn hóa, như tượng đài, công trình điêu khắc về các danh nhân của Hà Nội và cả nước; các công trình kiến trúc dân dụng cần phải có bóng dáng đặc trưng dân tộc. Ngoài ra, thành phố cũng cần chú trọng đến việc cải tạo đường phố, các khu vực công cộng, ý thức bảo tồn những dấu tích lịch sử.

Còn PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu ý kiến cần xây dựng và định hình thương hiệu thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. PGS, TS Bùi Hoài Sơn lý giải: “Hà Nội có quá nhiều tiềm năng lợi thế, ghi danh ở lĩnh vực nào chúng tôi tin cũng sẽ được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, thiết kế là lĩnh vực bao trùm hiện diện trong mọi mặt đời sống, có thể vừa phát huy các di sản truyền thống, vừa phù hợp với Hà Nội đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ”.

Phát biểu tại hội thảo với tham luận "Hãy để rồng thiêng được cất cánh: Nguồn lực văn hóa là nền tảng cho sự phát triển của thành phố Hà Nội trong thế kỷ XXI", ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết điều quan trọng của việc gia nhập "Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO" chỉ là bước khởi điểm trong quá trình định vị sự phát triển của Hà Nội với tư cách là một Thủ đô sáng tạo. Điều này giúp cho Hà Nội thực hiện những sáng kiến phát triển dựa trên một thái độ chủ động, cởi mở chia sẻ về những lựa chọn ưu tiên đầu tư của thành phố với các đối tác tư nhân và quốc tế...

Đóng góp ý kiến trong việc xây dựng nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo" của Hà Nội, PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, Hà Nội cần đột phá trực tiếp vào một số lĩnh vực như: tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; khoa học công nghệ; di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; văn hóa tôn giáo; thể chế, thiết chế văn hóa; giao lưu văn hóa… Bên cạnh đó, quy hoạch cán bộ làm văn hóa cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Nếu quy hoạch không tốt, liên tục thay đổi thì không phát triển được. Cán bộ văn hóa cần phải có tâm, có tầm, có tâm huyết với văn hóa...

Sau khi nghe những phát biểu tham luận, ý kiến của các đại biểu, ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định, các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo đã kiến giải rõ hơn một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của văn hóa, nguồn lực văn hóa, đô thị sáng tạo, thương hiệu sáng tạo; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát huy nguồn lực văn hóa, xây dựng văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội; tham chiếu một số kinh nghiệm quốc tế về phát huy nguồn lực văn hóa, về xây dựng đô thị sáng tạo, thương hiệu sáng tạo, nhằm giúp Việt Nam từng bước hình thành mạng lưới các thành phố sáng tạo trong cả nước, hướng tới xây dựng Hà Nội thành đô thị sáng tạo của khu vực Đông Nam Á.

Ban tổ chức ghi nhận những ý kiến của các đại biểu về những kết quả đã đạt được của Hà Nội trong xây dựng và định hình thương hiệu thành phố sáng tạo cũng như những bất cập, hạn chế cần khắc phục để thúc đẩy hiệu quả, phát huy nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo", đặc biệt ở những vấn đề như sức mạnh mềm văn hóa ở một bộ phận cán bộ, người dân chưa cao; tăng trưởng kinh tế chưa ổn định; tiềm lực các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa chưa mạnh; cơ chế, chính sách để khai thông nguồn lực văn hóa và thúc đẩy đổi mới sáng tạo còn một số hạn chế,...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận xét nhiều bài viết chất lượng đã đề xuất nhiều giải pháp có giá trị về cả lý luận và thực tiễn rất phong phú, để khai thông, vốn hóa nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo" như: "Các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; triển khai chuỗi chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ; tăng cường hợp tác công tư trong xây dựng các không gian sáng tạo; các giải pháp về truyền thông, tài chính, giáo dục, khoa học - công nghệ; phát triển cụm ngành du lịch trong phát triển đô thị sáng tạo...". Ngoài các vấn đề chung, nhiều giải pháp được đề xuất gắn liền với thực tiễn tại các lĩnh vực, địa phương cụ thể cũng được đề cập trong hội thảo. Đây sẽ là cơ sở để chính quyền thành phố Hà Nội tìm hướng đi phù hợp, xây dựng chiến lược phát triển "Thành phố sáng tạo" của quốc gia và khu vực./.

Từ khóa:

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập