PGS-TS Nguyễn Văn Huy: "Không nên xây nhà cao tầng ở Mã Pì Lèng"
Cập nhật: 09/10/2019
Thu Trang nói gì về diễn xuất của Hoa hậu Thiên Ân trong "Nụ hôn bạc tỷ"?
Luxury cruise ship brings 4,400 international visitors to Hue in early 2025
VOV.VN - "Ở Mã Pì Lèng không nên xây nhà cao tầng mà nên xây nhà 1 đến 2 tầng, phù hợp với cảnh quan và văn hóa ở vùng đó", PGS-TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Dư luận đang dậy sóng về việc công trình Mã Pì Lèng Panorama được xây dựng trên đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc)– một danh thắng nổi tiếng của tỉnh Hà Giang, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sảnđã chia sẻ quan điểm của mình với VOV.VN.
Vùng cao nguyên đá Đồng Văn như tờ giấy trắng, hãy thận trọng khi vẽ lên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đó.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết, ông lên Hà Giang từ những năm 1969. Từ Hà Giang lên Đồng Văn, Mèo Vạc, nếu có xe ca cũng đi mất 2 ngày. Một ngày từ Hà Giang lên đến Quản Bạ, Yên Minh. Ngày hôm sau mới lên đến Đồng Văn, Mèo Vạc. Nói như vậy để thấy khó khăn gian khổ vô cùng. Bà con thì nghèo và cái nghèo đó kéo dài cho đến tận bây giờ.
Đến bây giờ họ mới bắt đầu có cơ hội để phát triển. Cơ hội đấy là cơ hội đất nước đổi mới, kinh tế phát triển lên, người dân có điều kiện đi lên đó du lịch. Chính vì thế chúng ta thấy nơi đây đang có tiềm năng, điều kiện để giúp người dân phát triển.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, câu chuyện “cốt tử” của Hà Giang bây giờ là làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển. Du lịch phát triển, gắn liền với cao nguyên đá Đồng Văn, di sản địa chất toàn cầu. Đương nhiên câu chuyện phát triển có những mâu thuẫn với vấn đề bảo vệ di sản thiên nhiên, di sản văn hóa. Nhưng những mâu thuẫn ấy, không phải là không giải quyết được. Vấn đề ở đây là muốn giải quyết mẫu thuẫn giữa sự phát triển và những vấn đề bảo tồn môi trường, bảo tồn cảnh quan và bảo tồn thiên nhiên ở đấy thì phải có một tầm nhìn chiến lược rất là quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản. |
Một tầm nhìn xa phải có một trí tuệ ở đấy chứ không thể làm theo kiểu phát triển ào ào. Nhiều nơi ở Việt Nam về cơ bản đang phát triển ào ào, không có cái nhìn xa trông rộng ra 50 năm, 100 năm hoặc dài hơn nữa. Mảnh đất Hà Giang, đặc biệt là mảnh đất ở vùng cao nguyên đá Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc… đấy là địa bàn, môi trường tuyệt vời nhưng mà ở đó như tờ giấy trắng. Nó hoàn toàn là những gì thuộc về thiên nhiên, hàng vạn, triệu năm để lại thì bây giờ về mặt cơ bản không có sự thay đổi quá lớn. Toàn bộ cao nguyên đó đã ngủ một giấc rất dài cho đến bây giờ mới bắt đầu thức dậy. Vấn đề của chúng ta khác với những nơi khác. Ở những nơi khác đã có sự phát triển, có sự khai thác, đã đặt trong sự đã rồi nhưng ở đây thì hoàn toàn chưa. Công nghiệp hiện đại chưa vào đó một cách sâu sắc hoặc mới chớm chút ít. Cho nên ở đây sẽ diễn ra 2 luồng, 2 vấn đề lớn.
Vấn đề thứ nhất nếu nôn nóng phát triển ở trên đó mà tiến hành đô thị hóa, xây nhà, cừa một cách thiếu quy hoạch hoặc là có những quy hoạch không đủ tầm thì chắc chắn sẽ phá vỡ “báu vật” mà trời ban cho vùng cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng ta không tính đến những điều kiện văn hóa, xã hội, ở vùng cao nguyên đá mang một mô hình từ đâu đó để ghép vào đó là đã làm tổn thương và khó sửa sau này. Đó là khuynh hướng nếu chúng ta không làm tốt.
Một khuynh hướng khác đó là quá thận trọng. Khi mà chúng ta thấy cao nguyên đá Đông Văn hùng vĩ, tuyệt đẹp mà lại không dám làm gì thì điều đó cũng rất nguy hiểm. Nó ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng đó và ảnh hưởng đến đời sống của những cư dân hàng đời bám đất đó trong sự nghèo khổ, lạc hậu thì điều đó cũng không được. Chúng ta không thể để ở đó sự nguyên sơ được. Tôi nghĩ rằng phải làm thế nào phát triển được cao nguyên đá để phát huy được thế mạnh ở đây là thu hút được du lịch, biến đấy thành một nơi khách du lịch đến tham quan và ở lại vài ngày. Đó chính là nguồn thu ở Hà Giang.
Các kiến trúc sư của Việt Nam chưa đủ trình độ để xây dựng quy hoạch phát triển cao nguyên đá Đồng Văn mang tính chất thế kỷ.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, viễn cảnh như ông nói ở trên chỉ thành công khi có một quy hoạch chuẩn. Trong bối cảnh đất nước hiện nay của chúng ta có rất nhiều nhóm lợi ích khác nhau, rồi tầm nhìn của những người làm quy hoạch, trải nghiệm của những người làm du lịch đối với một khu du lịch mang tầm cỡ thế giới như thế. Các kiến trúc sư của Việt Nam chắc chưa đủ trình độ để có một quy hoạch phát triển có tính chất thế kỷ. Phải mời bằng được các chuyên gia làm quy hoạch du lịch sinh thái ở miền núi, ở các vùng núi cao chứ không phải là ở bờ biển.
Đã có quy hoạch rồi thì phải thực hiện quy hoạch đó cho đúng. Đừng vì lợi ích khác nhau mà phá các quy hoạch. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm rồi, quy hoạch rất là tốt nhưng cứ qua một thập kỷ, qua 5 năm lại thay đổi quy hoạch. Chính quy hoạch đó lại tàn phá một cách ghê gớm bởi vì quy hoạch đã được duyệt nhưng thay đổi quy hoạch thì dần dần phá bỡ quy hoạch.
Khi chúng ta làm quy hoạch chuẩn thì người được hưởng lợi trước hết là chủ nhân ở vùng đó, là người Mông, Dao, Bố Y, La Chí…nhiều dân tộc thiểu số nữa sống ở trên đó mà hiện nay vẫn có cuộc sống khó khăn. Làm sao phát triển du lịch để cư dân ở đó được hưởng lợi. Bài học như ở Sa Pa (Lào Cai) thì người hưởng lợi lại không phải là đồng bào dân tộc trên đó. Tất cả dân tộc ở vùng đất đó trở thành người làm thuê chứ không phải làm chủ.
Không nên cực đoan cấm xây dựng các công trình ở Mã Pì Lèng
Trong quy hoạch phát triển, chúng ta phải làm và lưu ý đến việc phát triển du lịch nhưng phải gắn bó với văn hóa ở vùng đó.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy đưa ra những băn khoăn, xây một nhà như thế để đón khách du lịch thì nước thải đi đâu, xử lý nước thải như thế nào? Những ngôi nhà xây lớn ở trên Mã Pì Lèng nhìn xuống dòng sông Nho Quế, không hiểu làm thế nào để giữ dòng sông Nho Quế, nó trong xanh, sạch sẽ như hiện nay. Tất cả đều điều đó phài tính ngay từ đầu, tính đến văn hóa, xã hội, môi trường với một tầm nhìn của người quản lý xã hội ở đó rất là cao. Nếu không làm tốt ngay từ đầu, chỉ ít bữa nữa thì sông Nho Quế chết như sông Đáy, sông Nhuệ của ở dưới đồng bằng.Đến lúc đó chúng ta có tội lớn với đất nước.
Mã Pì Lèng Panorama nằm ngay trên hẻm vực Tu Sản, đoạn đèo Mã Pì Lèng nối Mèo Vạc với Đồng Văn. |
Xây nhà là rất là cần nhưng theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, ở đó không nên xây nhà cao tầng mà nên xây nhà 1 tầng hoặc 2 tầng là đủ, quan trọng phù hợp với điều kiện và cảnh quan.
Vấn đề đặt ra là xây ở đâu, xây như thế nào? Đó là một câu chuyện, không thể cấm được nhưng phải nằm trong quy hoạch. Quy hoạch này phải là quy hoạch thông minh, khoa học, có tầm nhìn. Điều kiện chúng ta chưa làm được thì chúng ta phải mời chuyên gia nước ngoài. Không thể khoán cho tỉnh Hà Giang làm được vì họ chưa đủ trình độ để làm quy hoạch. Nếu như chỉ có họ làm và họ quyết tất cả thì chắc chắn là manh mún, chắc chắn là hỏng. Bởi lãnh đạo trên đó chắc chắn chưa có kinh nghiệm trong việc quản lý đô thị, không có kinh nghiệm, chưa bao giờ làm phát triển du lịch.
Mọi câu chuyện phải làm theo pháp luật
Hiện nay trên mạng nói rất mạnh, có những kêu gọi tẩy chay nhưng tôi nghĩ chúng ta phải hết sức bình tĩnh để xem xét, đề nghị Nhà nước xử lý như nào cho đúng, cho thỏa đáng, phải hết sức công tâm, khách quan. Nếu sai, nếu ảnh hưởng thực sự đến vẻ đẹp của Mã Pì Lèng thì phải xử lý cho triệt để. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ ở trên đó cần phải phát triển, cần phải có những xây dựng nhưng mà nó phải phù hợp với điều kiện cảnh quan ở trên đó. Đặc biệt khi có những công trình như thế thì phải giải quyết về những vấn đề an ninh môi trường. Nước thải xử lý như thế nào? Tất cả những câu chuyện như thế không giải quyết được thì rất là khó. Mọi thứ phải đi đồng bộ chứ không phải chỉ một tòa nhà.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, mọi việc phải làm theo pháp luật. Như bây giờ chúng ta biết chắc chắn trên vùng cao nguyên đá sẽ phát triển du lịch thì phải có những quy định, nguyên tắc về mặt xây dựng. Những nguyên tắc đó không đơn thuần ở tòa nhà, ở độ cao mà nó còn ở phong cách, những vấn đề liên quan đến văn hóa và môi trường. Tất cả phải có quy định và được kiểm soát theo pháp luật một cách chặt chẽ. Những quy định như thế đòi hỏi chúng ta phải xây dựng khách quan, khoa khọc và có tầm nhìn xa.
"Tôi nghĩ những người kinh doanh ở đó là họ có tầm nhìn, họ biết nhìn xa trông rộng, họ đón thời cơ. Đấy là việc rất đáng khích lệ. Trước kia mời lên Hà Giang mấy ai đến nhưng mà giờ họ nhìn thấy thời cơ. Thế còn có cho người ta làm hay không thì đó là quyết định của tỉnh. Người ta làm giấu thì đó là phạm pháp. Còn ai cho phép người ta làm và có phù hợp hay không thì phải xem xét cụ thể. Nhưng tôi tin chắc ở đó có rất nhiều sai sót",PGS-TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama có tầm nhìn ra sông Nho Quế. |
Chỉ cần nhìn một tòa nhà cao như thế là thấy nó án ngữ về mặt cảnh quan, phản cảm, không phù hợp. Cho nên cấy một cái gì vào tấm thảm thiên nhiên đẹp như thế thì phải cân nhắc rất là kỹ. Cân nhắc này phải là những người tài hoa về quản lý xã hội, những người tài hoa về khoa học kỹ thuật, về kiến trúc chứ không phải ai cũng có thể cấy. Đó là tài sản của đất nước còn chưa bị phá vỡ, chưa bị hủy hoại, chúng ta phải giữ, trân trọng, nâng niu và từng bước đi thận trọng, chắc chắn để phạm ít sai lầm nhất.
"Cao nguyên đá Đồng Văn, của tỉnh Hà Giang là báu vật của thiên nhiên. Vì vậy, chúng ta phải xây dựng một đề án có tầm quốc gia", đó là mong ước của PGS-TS Nguyễn Văn Huy./.
UNESCO khuyến nghị xây điểm dừng chân ở vị trí Mã Pì Lèng Panorama
Du khách vẫn thích thú “check in” ở Mã Pì Lèng Panorama
Từ khóa: mã pì lèng, mã pí lừng, đèo mã pí lèng, Mã Pì Lèng Panorama, Mèo Vạc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN