Ông John Bolton mất chức tác động thế nào tới thương chiến Mỹ-Trung?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Sự ra đi của một cố vấn có quan điểm cứng rắn như Bolton có thể sẽ khiến Mỹ và Trung Quốc tới gần hơn với một thỏa thuận thương mại và công nghệ.
Tổng thống Donald Trump cần một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc càng sớm càng tốt để tránh sự sụt giảm mạnh của nền kinh tế Mỹ - như kết quả các cuộc thăm dò gần đây đã cho thấy. Tuy nhiên, 2 bên sẽ không có bất cứ thỏa thuận nào nếu Mỹ đảo ngược những nỗ lực gạt công ty viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei khỏi các thị trường thế giới.
Trong khi đó, thông tin Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton từ chức có thể làm tăng triển vọng Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận, mặc dù sự thay đổi ngay lập tức vẫn phụ thuộc ở những yếu tố khác.
Cố vấn Bolton ngồi bên phải Tổng thống Trump trong cuộc gặp bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina cuối năm 2018. Ảnh: The Atlantic |
Người đứng sau những nút thắt của thương chiến Mỹ-Trung?
Trung Quốc và Mỹ dường như đã tới gần một thỏa thuận thương mại đầu tháng 12/2018 khi Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Trump có cuộc gặp bữa tối bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires (Argentina) – ngoại trừ việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu ở sân bay Vancouver.
Ông Trump lúc đó không biết về vụ bắt giữ này, nhưng Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton của ông thì có. Ông Bolton sau đó đã xác nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh của Mỹ.
Từ vài tuần trước đó, như Wall Street Journal lần đầu đưa tin ngày 23/11/2018, chính phủ Mỹ đã bắt đầu chiến dịch thuyết phục các đồng minh của minh gạt Huawei khỏi mạng lưới 5G. Vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, lần đầu tiên Mỹ sử dụng sức mạnh đặc quyền ngoại giao trong trường hợp cá nhân bị cáo buộc vi phạm các lệnh trừng phạt, là lời tuyên bố “chiến tranh” đối với Trung Quốc. Những tháng tiếp theo, Mỹ đã cấm các công ty công nghệ Mỹ cung cấp linh kiện và phần mềm cho Huawei, đồng thời tìm cách lôi kéo các đồng minh của mình tẩy chay công nghệ 5G của Huawei.
Tất cả các sắc lệnh của Tổng thống Mỹ nhằm vào Huawei đều do Hội đồng an ninh quốc gia của ông John Bolton ở Tòa nhà văn phòng điều hành ngay kế bên Nhà Trắng soạn thảo.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump không phải là người tạo ra một chiến dịch nhằm vào Huawei nhưng ông là người trình bày những quan điểm của cộng đồng tình báo với Nhà Trắng và giúp tính toán những cơ sở cho nỗ lực đánh bật Huawei khỏi vị trí hàng đầu trên thị trường.
Theo cáo buộc của chính phủ Mỹ, Huawei, có thể đã xây dựng các cổng bí mật trong router của mình để đánh cắp dữ liệu, làm lộ an ninh mạng của bất cứ nước nào mà Huawei cung cấp dịch vụ. Với sự nguy hiểm (mà Mỹ cáo buộc) này, Mỹ có thể sẽ cắt giảm việc chia sẻ tình báo với những đồng minh có sử dụng các thiết bị của Huawei.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhà tài phiệt George Soros trên Wall Street Journal, “Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và “machine learning” (khả năng học hỏi, nhận thức của hệ thống máy móc). Nhưng hiện nay Huawei vẫn còn phụ thuộc vào 30 công ty Mỹ cung cấp các linh kiện cốt lõi mà họ cần để cạnh tranh trên thị trường 5G. Chừng nào Huawei còn ở trong danh sách thực thể, họ sẽ thiếu các công nghệ thiết yếu và sẽ bị yếu đi nghiêm trọng… Tuy nhiên, Tổng thống Trump có thể sớm hủy hoại chính sách Trung Quốc của chính mình và nhường lợi thế cho Bắc Kinh”.
Lệnh cấm xuất khẩu các linh kiện của Mỹ cho Huawei chưa chắc đã làm chậm lại các nỗ lực của công ty này trong lĩnh vực 5G. Những linh kiện này dễ dàng được cung cấp từ các nơi khác và Trung Quốc cũng đã tìm các giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ Mỹ từ tháng 3/2018, khi Mỹ cấm bán chip cho ZTE của Trung Quốc.
Thêm 1 rào cản được xóa bỏ?
Ông Bolton là một người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc. Tháng 1/2018, ba tháng trước khi nhận nhiệm vụ làm Cố vấn an ninh quốc gia, ông từng nói với WSJ rằng, Mỹ nên triển khai binh sỹ tới Đài Loan. Tất nhiên Trung Quốc không thích điều đó và sẽ “rất mừng” khi ông rời khỏi bộ máy của Tổng thống Trump.
Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu (Global Times) của Trung Quốc Hu Xijin đăng tải trên Twitter nói rằng: “Bolton không bao giờ đóng vai trò tích cực trong các vấn đề Trung Quốc, mặc dù đó không phải là lý do ông bị sa thải. Tôi tin những người có quan điểm chính trị cực đoan đều bị hoang tưởng và khiến người khác thấy khó hòa hợp. Thông tin Bolton bị sa thải chắc hẳn đã nhận được tràng vỗ tay ở Nhà Trắng”.
Tuy nhiên một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có hình thức như thế nào vẫn còn khá mù mờ. Mỹ không thể đơn giản bỏ qua vấn đề Huawei, nhưng có thể đồng ý về việc kiểm tra và soi chiếu các sản phẩm công ty này.
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói với nhà bình luận Thomas Friedman của New York Times rằng, Huawei “sẵn sàng chia sẻ các công nghệ 5G với các công ty Mỹ để họ có thể xây dựng nền công nghiệp 5G của riêng mình”. Ông nói thêm rằng, các công ty Mỹ có thể “thay đổi code phần mềm. Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ được đảm bảo về an ninh thông tin”.
Nhìn chung, cộng đồng tình báo Mỹ và những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc sẽ không thích điều đó. Nhưng sự ra đi của ông Bolton giống như việc loại bỏ thêm 1 nhân tố “diều hâu” khỏi mạng lưới đặc biệt quan trọng này.
Sự thống trị của Huawei trong cuộc chơi công nghệ thực sự là mối đe dọa với Mỹ, nhưng những tư tưởng thích chiến tranh như Bolton cũng không phải là điều tốt cho Mỹ. Trong khi đó, nếu Tổng thống Trump có thể thỏa hiệp với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ sẽ tránh được tình trạng bị suy giảm – yếu tố quan trọng để chính ông Trump tăng thêm cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020./.
Ai sẽ thay thế John Bolton làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ?
Từ khóa: Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton, thương chiến Mỹ-Trung, thỏa thuận thương mại
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN