"Nữ quái" tuồn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài trái phép
Cập nhật: 13/06/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Cáo trạng xác định, từ năm 2016-2020, Nguyễn Thị Nguyệt và đồng phạm đã cấu kết nhân viên ngân hàng dùng thủ đoạn mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất để vận chuyển tiền trái phép hơn 30.000 tỷ đồng qua biên giới.
Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn thành cáo trạng truy tố Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1985, ở quận Tây Hồ) cùng 12 bị can khác về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”.
Cơ quan truy tố xác định có 10 cá nhân là chủ doanh nghiệp, cửa hàng vàng bạc tại Hà Nội và TP.HCM đã giao tiền cho bị can Nguyễn Thị Nguyệt chuyển trái phép qua biên giới, cơ quan điều tra đã tách tài liệu để tiếp tục làm rõ hành vi của các cá nhân này.
Theo cáo trạng của VKS, từ năm 2016, nhận thấy một số đối tượng có nhu cầu thuê chuyển tiền trái phép ra nước ngoài nên Nguyễn Thị Nguyệt mua hồ sơ tạm nhập, tái xuất của Phạm Hữu Thuật (41 tuổi, trú tỉnh Quảng Ninh) để hợp thức việc chuyển tiền trái phép ra nước ngoài thông qua pháp nhân của 2 công ty.
Theo đó, Phạm Hữu Thuật và Nguyễn Thị Nguyệt thỏa thuận mỗi bộ hồ sơ tạm nhập, tái xuất để chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Thuật bán cho Nguyệt với giá từ 30-40 triệu đồng.
Nguyệt chuyển cho Thuật thông tin công ty và mẫu dấu, chữ ký của giám đốc công ty để Thuật hoàn thiện hợp đồng tạm nhập hàng hóa là IC điều khiển, làm thủ tục kê khai hải quan. Hai người ngụy tạo mua bán, xuất nhập khẩu hàng hóa bằng cách chung tiền mua linh kiện điện tử của một người bên Trung Quốc, nhập về Việt Nam rồi tái xuất quay vòng về lại cho chính người Trung Quốc đó.
Viện KSND xác định, từ thỏa thuận trên, bị can Thuật đã mở 49 tờ khai hàng hóa với tổng giá trị nhập khẩu là 52,3 triệu USD, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu là hơn 52,3 triệu USD. Sau đó, Thuật sử dụng pháp nhân của 2 công ty cùng tên Đại Phát và Công ty TNHH xuất nhập khẩu BDA (trụ sở tại Hải Phòng) để thanh toán quốc tế 48/49 hợp đồng tại 3 ngân hàng.
Theo cáo trạng, tổng số tiền Thuật và Nguyệt chuyển ra nước ngoài hơn 3.800 tỷ đồng và hưởng lợi 152 triệu đồng.
Giai đoạn thứ hai, năm 2017, sau khi biết các thủ đoạn, cách thức chuyển tiền trái phép ra nước ngoài, Nguyệt ngưng hợp tác với Thuật. Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn mượn chứng minh thư nhân dân của người thân trong gia đình thành lập 8 công ty.
Thực tế, 8 công ty này không có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa mà Nguyệt cùng các đồng phạm khác sử dụng pháp nhân các công ty này ký hợp đồng kinh tế khống để mua hàng hóa là IC điện thoại thông minh của các công ty tại Singapore, sau đó bán cho các công ty tại Trung Quốc theo hình thức tạm nhập tái xuất để có tờ khai hải quan.
Từ đó, lập hồ sơ thực hiện việc chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài để hưởng lợi 0,1% tổng số tiền giao dịch chuyển tiền.
Nguyệt cùng chồng là Phạm Anh Tuấn điều hành, quản lý việc chuyển tiền trái phép, lôi kéo nhiều người thân trong gia đình là dì, chị, em, cháu cùng thực hiện.
Để có hàng hóa hợp thức các hợp đồng kinh tế mua hàng hóa tạm nhập, tái xuất, Nguyệt chỉ đạo em ruột là Nguyễn Văn Thắng mua các linh kiện điện tử, đóng thành 12 thùng có trọng lượng từ 5-6kg để sử dụng quay vòng cho tất cả hợp đồng mua bán khống.
Nguyệt thuê Vũ Thị Thư ( SN 1986 là nhân viên Chi nhánh công ty TNHH Giao nhận PGS Việt Nam, là bạn học cũ với Nguyệt) vận chuyển các kiện hàng (06 kiện mỗi lần chuyển) từ Việt Nam sang Singapore và ngược lại với giá 42- 47 triệu đồng mỗi hợp đồng. Nguyệt nói với Thư việc chuyển hàng từ Singapore về Việt Nam là vì đối tác Trung Quốc yêu cầu nhập nguồn hàng từ Singapore
Sau khi lấy được phiếu thông qua, giấy xuất kho, Thắng sử dụng ôtô vận chuyển các kiện hàng lên cửa khẩu Kim Thành, tỉnh Lào Cai, làm thủ tục tái xuất.
Lợi dụng sự thiếu kiểm tra giám sát của cán bộ Hải quan, Thắng chỉ vận chuyển một phần các kiện hàng, rồi thuê người vận chuyển ngược về Việt Nam, giao lại cho mình để quay vòng.
Trong khi Thắng làm những việc này, tại Hà Nội vợ chồng Tuấn Nguyệt cùng các thành viên còn lại thỏa thuận với khách hàng về tỷ giá quy đổi ngoại tệ và phí chuyển tiền. Sau đó, Nguyệt và Tuấn liên hệ với các ngân hàng tại tỉnh Quảng Ninh và Lào Cai để thực hiện việc chuyển tiền dưới hình thức thanh toán quốc tế. Sau khi trao đổi với nhân viên ngân hàng, vợ chồng Tuấn Nguyệt gửi hồ sơ, chứng từ qua đường bưu điện và email điện tử cho nhân viên ngân hàng.
Cáo trạng chỉ rõ, từ năm 2016 đến năm 2020, sau khi hợp thức được các hồ sơ tạm nhập tái xuất, vợ chồng bị can Nguyệt cùng các đồng phạm đã nhiều lần vận chuyển trái phép tổng số tiền hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.
Cơ quan tố tụng cho rằng, bằng những thủ đoạn trên, Nguyễn Thị Nguyệt đã thu lời bất chính gần 30,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị can khai số tiền hưởng lợi đã được chi trả cho hoạt động của các công ty, mua hàng, vận chuyển hàng hóa và chi tiêu cá nhân hết. Trong giai đoạn điều tra, gia đình các bị can đã tự nguyện nộp 2,9 tỷ đồng khắc phục hậu quả./.
Từ khóa: chuyển hơn 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài, rửa tiền, trái phép
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN