Nông dân ĐBSCL lao đao vì giá lúa rớt thê thảm

Cập nhật: 25/09/2019

Sau Tết 2019, giá lúa xuống thấp và tiêu thụ chậm, thương lái ép giá, bỏ cọc khiến nhiều nông dân các tỉnh miền Đông Nam bộ và ĐBSCL lao đao.

Ông Lê Văn Lùn, trú tại thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An cho biết, gia đình ông đã ký hợp đồng bao tiêu 3 ha lúa RVT với giá là 7.000 đồng/kg, trước Tết doanh nghiệp đặt cọc 5 triệu đồng/ha. Hiện nay, vì giá lúa xuống thấp nên đơn vị thu mua ép giá xuống còn 5.800 đồng/kg. Lúa đã đến ngày thu hoạch, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn không đến thu mua khiến lúa bị hao hụt khoảng 200kg/ha/ngày.

Không chỉ có gia đình ông Lùn mà nhiều ngày qua nông dân tỉnh Long An phải chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra, nhưng sản lượng lúa đến nay vẫn tiêu thụ rất chậm.

“Tình hình chung rất khó khăn, bà con sản xuất những giống được giá như năm ngoái là lúa 49, lúa 504 thì năm nay thương lái lại không chịu mua. Lúa thơm thì bán được trên 5.000 đồng/kg, sau đó tụt xuống chỉ hơn hơn 4.000 đồng/kg. Thực tế làm đúng giống thì còn bán được, còn ngoài vùng nông dân tự phát hoàn toàn không thể bán được, rất khó khan”, ông Trần Văn Thời, nông dân huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) cho biết.

nong dan dbscl  lao dao vi gia lua rot the tham hinh 1
Nông dân lao đao vì giá lúa rớt thê thảm.

Tại các cánh đồng lúa chín tại huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) khá ảm đạm. Thương lái hạn chế thu mua lúa, máy gặt đập liên hợp hoạt động cầm chừng. Nhiều nông dân với gương mặt đầy nỗi âu lo, lúa đã chín rục trên đồng mà không có người đến mua.

“Hiện tại lúa đã tới ngày thu hoạch, quá 4 ngày rồi mà vẫn cắt chưa được. Liên hệ với cò lái thì nói là chưa có ghe mua, tình trạng này kéo dài thì lúa sẽ héo hết” - anh Sơn Thành Phát ở ấp Bờ Đập, xã Viên An (huyện Trần Đề) lo lắng.

Huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, là địa phương được nông dân tập trung trồng nhiều nhất giống lúa cao sản, đặc sản như RVT, lúa Nhật DS1, Đài Thơm 8... Đây đều là loại giống lúa chất lượng cao. Tuy vậy, thị trường biến động, các loại lúa này giá cũng giảm sâu. Theo người dân, hiện lúa RVT, thương lái thu mua chỉ khoảng 5.500 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 chỉ là 4.600 đồng/kg, so với đầu vụ, giá giảm từ 1000-2000 đồng/kg.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh đã xuống giống hơn 78.000 ha lúa Đông xuân. Trong đó có hơn 23.000 ha, chiếm gần 30% diện tích gieo sạ đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với hơn 24.000 hộ tham gia, còn lại hơn 55.000 ha lúa Đông xuân phụ thuộc vào thương lái. Sau Tết, giá lúa ở tỉnh Hậu Giang có xu hướng giảm mạnh so với đầu vụ, từ 300 - 700 đồng/kg và giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 1.000 đồng/kg. Do đó hiện nay, các doanh nghiệp, thương lái chưa triển khai thu mua và nông dân trồng lúa không an tâm, nhất là đối với diện tích không hợp đồng tiêu thụ.

nong dan dbscl  lao dao vi gia lua rot the tham hinh 2
Giá thấp, người dân còn phải tốn chi phí vận chuyển về nơi bán.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An cho biết, để kịp thời hỗ trợ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương. Sau khi thống nhất các ý kiến, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến hành những chính sách hỗ trợ và thu mua lúa giúp bà con nông dân tỉnh Long An và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.

“Trước mắt Bộ Nông nghiệp đã cho mua ngay khoảng 200.000 tấn lúa của nông dân đưa vào dự trữ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn sẽ làm việc với Bộ Công Thương, và Thống đốc ngân hàng Nhà nước ưu tiên cho doanh nghiệp vay vốn thu mua lúa của dân”, ông Nguyễn Văn Hoàng nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho rằng: Trong khi chờ các giải pháp tháo gỡ từ Trung ương thì trước mắt các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo trong, ngoài tỉnh đã ký hợp đồng với các Hợp tác xã tiêu thụ lúa cho nông dân Hậu Giang cố gắng thực hiện theo hợp đồng. Bên cạnh đó nên quan tâm hỗ trợ tỉnh mua thêm lúa của các nông dân sản xuất ngoài vùng nguyên liệu đã ký kết.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cần quan tâm đến việc thỏa thuận, ký kết hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp với các Hợp tác xã sản xuất, từ đó có hướng hỗ trợ khi phát sinh khó khăn, vướng mắc giữa các đơn vị. Đồng thời các địa phương cần kiểm tra, giám sát tình hình thu hoạch, tiêu thụ lúa, giá lúa trên thị trường kịp thời báo cáo để UBND tỉnh có hướng chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Theo ông Tuyên, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài Chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao. Do đó, hy vọng thời gian tới giá lúa sẽ tăng trở lại. Chính vì vậy điều quan trọng lúc này là các địa phương cần tập trung tuyên truyền, vận động để người dân giảm bớt lo lắng, an tâm sản xuất./.

Vinh Quang - Thạch Hồng - Tấn Phong/VOV

Từ khóa: lúa gạo, giá lúa, giá lúa xuống thấp, thương lái ép giá, Đông Nam bộ,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập