Liên kết sản xuất đưa nông sản miền núi Khánh Hòa vươn xa

Cập nhật: 3 giờ trước

VOV.VN - Tại vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa, nhiều mô hình liên kết sản xuất đang được triển khai, mở ra hướng phát triển mới cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đây là cách làm phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, góp phần cụ thể hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Khánh Vĩnh (cũ) có xuất phát điểm thấp, bà con sống dựa vào sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Việc tổ chức sản xuất theo vùng chuyên canh hay chuỗi giá trị gần như chưa hình thành. Nhiều hộ vẫn làm nông theo thói quen, mạnh ai nấy làm.

Trong bối cảnh đó, mô hình liên kết giữa Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn với 23 hộ dân tộc thiểu số tại xã Khánh Vĩnh trồng hơn 20 héc ta bưởi da xanh đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. Công ty cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch.

Các hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân đúng liều lượng, ghi nhật ký sản xuất. Đây là điều trước nay bà con ít quan tâm. Việc doanh nghiệp tham gia ngay từ đầu giúp bà con sản xuất có kế hoạch rõ ràng, tránh tình trạng mất mùa hay dư thừa cục bộ.

Bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây và nông sản Ngân Nguyễn cho biết: “Người dân ở đây rất chịu khó, chỉ cần được hỗ trợ đúng cách là làm tốt. Chúng tôi tổ chức đào tạo cho bà con về quy trình và kỹ thuật canh tác. Các kỹ sư và thành viên trong hợp tác xã trực tiếp giới thiệu nguồn gốc phân bón, thuốc trừ sâu, đồng thời giải thích rõ lợi ích khi sử dụng các sản phẩm hữu cơ – từ việc bảo vệ đất, nâng cao chất lượng nông sản đến đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Qua đó, bà con dần làm quen với hướng sản xuất an toàn, bền vững”.

Sau gần hai năm triển khai liên kết, với sự hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia, mô hình này đã cho kết quả khả quan. Cây bưởi sinh trưởng tốt, bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định. Nhiều hộ dân người Raglai, Ê Đê trước đây chỉ trồng sắn, ngô, nay đã chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn, nguồn thu nhập tăng gấp hai, ba lần so với trước.

Không chỉ liên kết với doanh nghiệp, tại xã Trung Khánh Vĩnh (trước đây là xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cũ), mô hình Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Khánh Trung cũng đang hoạt động hiệu quả. Hợp tác xã này có hơn 20 thành viên cùng tổ chức sản xuất nông nghiệp và cung ứng các dịch vụ nấu ăn, vận chuyển, vật tư nông nghiệp, lưu trú cho khách du lịch.

Việc liên kết giữa các thành viên không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào mà còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo nhóm, tăng giá trị sản phẩm. Điểm đáng chú ý là hợp tác xã này gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển dịch vụ. Nông trại Hoa Quả Sơn của bà Lê Thị Kim Thanh là một ví dụ điển hình. Từ chỗ chỉ trồng cây ăn quả, bà Thanh mạnh dạn chuyển hướng làm nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch cộng đồng. Du khách đến thăm nông trại được trải nghiệm hái trái tại vườn, nấu ăn, nghỉ lại cùng gia đình người bản địa.

“Trong hợp tác xã, mỗi thành viên phụ trách một mảng: người làm vườn, người nấu ăn, người vận chuyển, người bán hàng. Nhờ liên kết chặt chẽ, khi khách đến đây, họ được phục vụ trọn gói, từ trải nghiệm nông sản tại vườn đến lưu trú, mua sắm. Không ai có thể làm hết mọi việc nên phải hợp tác, chia sẻ để cùng phát triển", bà Lê Thị Kim Thanh chia sẻ.

Từ những mô hình nhỏ nhưng hiệu quả lớn cho thấy, liên kết là chìa khóa giúp vùng dân tộc thiểu số thay đổi cách làm ăn. Khi người dân cùng nhau tổ chức sản xuất, cùng tiêu thụ sản phẩm thì giá trị nông sản được nâng lên, tinh thần hợp tác được bồi đắp. Thay vì tự phát, bà con bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng và nhu cầu thị trường.

Tham gia liên kết đòi hỏi người dân phải tuân thủ kỹ thuật, có trách nhiệm với sản phẩm do mình làm ra. Qua đó hình thành chuỗi sản xuất – tiêu thụ khép kín, nâng cao uy tín nông sản miền núi trên thị trường. Quan trọng hơn, các mô hình này đang góp phần cụ thể hóa Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Trong đó, phát triển sinh kế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập là trọng tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa, đánh giá, đến nay, bà con không còn nhận hỗ trợ một chiều mà được khuyến khích đối ứng, có trách nhiệm, từ đó hình thành thói quen sản xuất chuyên nghiệp, bền vững.  

“Nhà nước không hỗ trợ toàn bộ mà bà con cũng phải đóng góp, đối ứng một phần để thực hiện mô hình. Tôi cho rằng đó là cách tốt nhất để thay đổi nhận thức, khi người dân có phần vốn của mình trong đó, họ sẽ có trách nhiệm hơn với tài sản được hỗ trợ. Đây cũng là cách nhanh nhất để đồng bào hiểu, làm chủ và gắn bó với mô hình sản xuất.”- ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.

Miền núi tỉnh Khánh Hòa đang có những chuyển biến tích cực. Khi doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân cùng bắt tay liên kết thì việc phát triển nông nghiệp không còn là câu chuyện riêng lẻ. Cùng nhau làm ăn đã trở thành hướng đi chung, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm chủ sinh kế, từng bước phát triển bền vững./.

Khánh Hòa kêu gọi đầu tư kinh tế biển, du lịch chất lượng cao

VOV.VN - Chiều nay (25/7), tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư năm 2025 với chủ đề “Khánh Hòa – Hội tụ giá trị, Đầu tư bền vững”. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tham dự hội nghị.

Từ khóa: Khánh Hòa, Chương trình MTQG, dân tộc thiểu số, Khánh Hòa, Liên kết sản xuất, nông sản miền núi Khánh Hòa

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thái bình/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan