Bài toán vỉa hè TP.HCM: Lời giải nào cho thực tế mới?
Cập nhật: 2 giờ trước
Ngang nhiên khai thác đất trái phép ở Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu
Công an Hà Nội hợp luyện, chuẩn bị cho những ngày lễ lớn của đất nước
VOV.VN - Câu chuyện về vỉa hè, lòng đường tại các đô thị lớn chưa bao giờ là cũ. Tại TP.HCM, dù chính quyền đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự, nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn tái diễn như một vòng luẩn quẩn.
Ghi nhận tại các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Đình Chiểu, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Trãi... cho thấy, vỉa hè vẫn đang bị "xẻ thịt" để kinh doanh, giữ xe, gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Bài toán quản lý vỉa hè đang đứng trước những thách thức mới, đòi hỏi một lời giải căn cơ và bền vững hơn.
Dạo một vòng quanh các tuyến đường trung tâm như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi… vào giờ cao điểm hay buổi tối, không khó để bắt gặp hình ảnh những quán ăn, quán cà phê bày bàn ghế tràn ra vỉa hè. Những chiếc xe máy, xe ô tô của khách đậu nối đuôi nhau chiếm hết lối đi của người đi bộ.
Len lỏi giữa không gian chật chội đó là những gánh hàng rong mưu sinh. Đối với họ, vỉa hè là nơi duy nhất để kiếm sống qua ngày: “Đâu có gì đâu, có xe thì mình tránh vào trong lề chứ mình có đi ngoài đường đâu mà mình sợ”.
“Mình bán tùm lum chỗ chứ đâu có bán ở đây không đâu. Em thấy em đậu cũng bình thường thôi à, tại vì mình không tiền nên buôn bán thế này chứ tiền đâu mà thuê mặt bằng”.
“Mấy nay em cũng không có bán ở đây thường mà mấy nay mưa gió quá ở trong chợ bán không được nên mới bày ra đây bán”.
Mưu sinh là nhu cầu chính đáng. Thế nhưng, việc kinh doanh tự phát, lấn chiếm không gian chung đang đẩy người đi bộ xuống lòng đường, đối mặt với nguy cơ tai nạn, đồng thời gây ra không ít bức xúc cho các hộ dân sinh sống và kinh doanh hợp pháp tại khu vực.
Ông Nguyễn Thành Lợi một người dân sinh sống tại phường Vườn Lài bức xúc: “Tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường thế này lâu rồi, chắc cũng phải mấy năm rồi đó mà làm lấn chiếm như thế này thì cản trở giao thông, người dân đi lại rất khó khăn, chưa kể ảnh hưởng đến những hộ dân buôn bán ở đây, bởi vì người ta chiếm người ta ngồi bán ở trước mình ở trong thì khó khăn cho việc buôn bán, sinh hoạt. Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần đi dẹp nhưng một thời gian thì cũng lại tái diễn như vậy.”
Trước thực tế, chính quyền đã không ít lần ra quân xử lý, nhưng chiến dịch nào cũng chỉ như "bắt cóc bỏ đĩa". Nhận thấy việc chỉ xử phạt không giải quyết được gốc rễ vấn đề, TP.HCM đã thực hiện giải pháp mới khi áp dụng cho thuê một phần vỉa hè, lòng đường có thu phí.
Đề án này từ khi triển khai vào tháng 5 năm 2024 đã cho thấy những kết quả khả quan, vừa lập lại trật tự, vừa tăng nguồn thu cho ngân sách gần 7 tỷ đồng và nhận được sự đồng tình của nhiều người dân, đặc biệt là những người đã gắn bó cuộc sống của mình với vỉa hè. Hơn 20 năm mưu sinh trên hè phố với nghề sửa quần áo, bà Nguyễn Thị Liên hoàn toàn ủng hộ việc cho thuê vỉa hè:
“Bây giờ già cả rồi, kêu nghỉ thì cô cũng không biết làm gì sống thì cô cũng phải bám vỉa hè thôi. Cô buôn bán vỉa hè cũng mấy chục năm nay rồi nếu mà cô thấy chuyện sắp xếp buôn bán cho thu phí thì cô thấy được.”
Luật Đường bộ mới, sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2025, đã quy định chặt chẽ hơn, khiến mô hình cho thuê vỉa hè để kinh doanh, buôn bán không còn phù hợp. Đặc biệt, sau sự kiện sáp nhập địa giới hành chính từ ngày 1/7, diện mạo và quy mô của TP.HCM đã thay đổi đáng kể.
Thực tế mới này đòi hỏi phải có một khung chính sách quản lý đồng bộ và phù hợp hơn. Chính những vướng mắc này đã buộc TP.HCM phải tạm dừng việc cho thuê vỉa hè để tính toán lại toàn bộ phương án quản lý.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang rà soát lại và đang kiến nghị Ủy ban. Thứ nhất là bãi bỏ cái quy định 32 về sử dụng lòng đường, hè phố, tại vì hiện nay nó không còn phù hợp với lại Luật đường bộ mới.
Thứ hai là đang đề xuất với Ủy ban chấp thuận để Sở Xây dựng triển khai xây dựng đề án quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn. Cái này là thực hiện theo Luật Đầu tư công và Luật quản lý tài sản công, Nghị định 44. Nếu Ủy ban chấp thuận thì tháng 12 chúng tôi sẽ trình nội dung trên.”
Có thể thấy việc Sở Xây dựng TP.HCM đang đề xuất một đề án mới, xem vỉa hè, lòng đường là tài sản công và sẽ xây dựng cơ chế quản lý, khai thác dựa trên Luật Quản lý tài sản công được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện hơn.
Dưới góc độ kinh tế, việc khai thác hiệu quả tài sản công này không chỉ giúp tăng ngân sách mà còn cần được sử dụng để tái đầu tư, nâng cao chất lượng sống cho chính người dân.
Thạc sĩ kinh tế Trần Công Danh phân tích: “Khi mà chúng ta thu ngân sách như vậy thì chúng ta sẽ hỗ trợ cho người dân như thế nào trong hoạt động quản lý còn là các hoạt động phục vụ cho người dân tại địa phương khi người dân đang sinh sống sử dụng những vỉa hè ở đó thì từ đó sẽ thúc đẩy đời sống của người dân tốt hơn.”
Việc xây dựng một đề án tổng thể dựa trên các quy định pháp luật mới là hướng đi cần thiết. Tuy nhiên, để đề án thực sự đi vào cuộc sống, câu hỏi lớn nhất vẫn là làm sao để hài hòa được lợi ích giữa việc đảm bảo không gian cho người đi bộ, giữ gìn trật tự mỹ quan đô thị và tạo ra sinh kế bền vững cho người dân.
Hy vọng rằng, với đề án dự kiến trình vào cuối năm nay, TP.HCM sẽ sớm tìm ra lời giải dứt điểm cho bài toán quản lý vỉa hè đã tồn tại suốt nhiều năm qua.
Từ khóa: vỉa hè, Bài toán vỉa hè, TP Hồ Chí Minh, lấn chiếm lòng đường vỉa hè, kinh doanh tự phát , mỹ quan đô thị
Thể loại: Xã hội
Tác giả: trọng nghĩa/vov giao thông
Nguồn tin: VOVVN