Những lối nhỏ thênh thang cho nông sản
Cập nhật: 07/03/2020
Nhà máy vắc xin VNVC 2.000 tỷ đồng được tập đoàn hàng đầu thế giới thiết kế
Dự án hơn 7.200 tỷ của Cần Thơ đang chi trả tiền bồi thường cho người dân
VOV.VN - Công nghệ chế biến, bảo quản các mặt hàng rau, củ, quả nhiều hạn chế, tổn thất sau thu hoạch lớn đeo đuổi nông sản Việt trong nhiều năm qua.
Không bỏ cuộc, người sản xuất vẫn nỗ lực tìm lời giải cho sản phẩm của mình.
Khó muôn nẻo
Bà Nguyễn Thị Mơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Tiên Hải, Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đang chật vật tìm đầu ra cho nghệ vàng.
Theo lời bà Mơ, có công ty hứa liên kết sản xuất bao tiêu đầu ra, nhưng khi sản phẩm cho thu hoạch thì công ty đó chạy “mất hút”. Qua nhiều người giới thiệu, bà tìm sang các cơ sở chế biến tại Hưng Yên, Nam Định... nhưng đều nhận được lời khuyên giá nghệ thấp, công vận chuyển cao, sản phẩm làm ra không đủ bù chi phí. Rồi bà tìm đến cả những công ty lớn về dược mỹ phẩm nhưng câu trả lời đều là họ đã đủ nguyên liệu sản xuất.
Cán bộ liên minh HTX Hà Nam thăm vườn rau sạch HTX Nông sản sạch Bảo An. |
Trước Tết, bà được người quen dẫn mối mua, nhưng nghệ đã dỡ mà đến nay chả thấy khách đến mua. Trong ngôi nhà chật hẹp, ngổn ngang, bà chia sẻ: “Bà con lối xóm ủng hộ được 70kg với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Số nghệ còn lại đang thối dần, nhà tôi lại chuẩn bị xây không có chỗ để. Nghệ không bán được, đã tốn tiền thuê người dỡ, giờ lại thêm chi phí thuê người đổ bỏ”.
Được biết, HTX dịch vụ nông nghiệp Tiên Hải có 850 thành viên với diện tịch 224ha, trong đó chủ yếu là sản xuất nông nghiệp như: Lúa, ngô, khoai, lạc, cây dược liệu, cây ăn quả. Tuy nhiên, các sản phẩm ở đây đều chưa tìm được thị trường bao tiêu đầu ra.
Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX tỉnh Hà Nam, toàn tỉnh có 206 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều đáng nói, trong số 206 HTX nông nghiệp đang hoạt động thì có đến 60 - 70% số HTX nông nghiệp gặp khó khăn.
Ông Lê Văn Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cho biết: “Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện gặp rất nhiều khó khăn như: rủi ro từ thị trường giá cả, không chủ động được khâu tiêu thụ sản phẩm. Hoạt động vẫn chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, gia công tận dụng thời gian, nguyên liệu, nhân công...”.
Một doanh nghiệp cho biết, hiện các kho đông lạnh sản phẩm ớt của họ đã đầy ắp, với sản lượng 400 tấn đang chờ giá lên và thông quan. Doanh nghiệp có chế biến các sản phẩm từ ớt như dấm ớt, tương ớt... nhưng chỉ chiếm 5% sản lượng thu mua. Sản phẩm chế biến chỉ phục vụ thị trường nội địa nên doanh nghiệp vẫn đang chờ tín hiệu ấm trở lại từ thị trường xuất khẩu.
Chính vì khâu chế biến còn nhiều hạn chế, người sản xuất mang tư duy sản xuất cũ nên nhiều năm nay nông sản rơi vào cảnh được mùa rớt giá, cả nước từ cá nhân đến doanh nghiệp phải “giải cứu”. Điều đáng nói là có những mặt hàng năm nào cũng rơi vào “ thảm cảnh”. Và tình trạng này sao cứ mãi tái diễn?
Hình thành nhiều ý tưởng
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, sản lượng rau quả chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng tươi. Hiện cả nước có trên 150 cơ sở chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1.000.000 tấn sản phẩm/năm, tập trung ở 28 tỉnh/thành phố.
Ngoài ra, còn có hàng ngàn cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình như sấy khô hoa quả, sản xuất mứt hoa quả, dưa chuột muối,... Tuy nhiên, tỷ lệ nguyên liệu đưa vào chế biến đạt thấp chỉ khoảng 5 - 10%. Tỷ lệ sử dụng công suất thiết kế bình quân là 56,2%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, “giải cứu” một số mặt hàng nông sản thời gian qua chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được gốc rễ vấn đề, thậm chí về dài lâu biện pháp này còn làm nảy sinh tâm lý ỷ lại, trong khi chất lượng sản phẩm nông sản không được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh màu “ảm đạm” đó, vẫn có những bạn trẻ yêu nông nghiệp và say mê với ruộng đất, nhìn ra hạn chế trong bối cảnh chung để khởi nghiệp.
Tham gia các diễn đàn khởi nghiệp, các câu lạc bộ khởi nghiệp, nhận thấy sự yếu kém ở khâu chế biến, Nguyễn Thị Thu đã thành lập HTX Tâm An tại Khánh Hà, Thường Tín, Hà Nội chuyên về các sản phẩm chế biến.
Chia sẻ về các dự án của mình, Nguyễn Thị Thu hồ hởi: “Tôi biết được phương pháp cơ bản về chế biến, và liệt kê ra hàng ngàn ý tưởng từ rau, củ, quả của Việt Nam như cà rốt, bí đỏ, chùm ngây, cải bó xôi... để phục vụ người tiêu dùng”.
Được biết, đầu tiên HTX Tâm An chế biến các sản phẩm bằng phương pháp sấy lạnh thành ngũ cốc và bột rau củ quả cho bé ăn dặm. Sau đó HTX sản xuất sản phẩm như: mỳ chũ rau củ, bún rau củ, muối vừng rau củ và bánh quy rau củ... Các sản phẩm này được người tiêu dùng đón nhận. Hiện HTX mở rộng vùng nguyên liệu với tổng diện tích 3ha. Ngoài ra, HTX còn tập hợp các bạn khởi nghiệp cùng chung ý tưởng và mời các chuyên gia hỗ trợ về lĩnh vực chế biến, để mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất.
Còn đối với Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bảo An, Vĩnh Trụ, Lý Nhân, Hà Nam, để tránh tình trạng bấp bênh về giá, Hiếu chọn hướng liên kết trong sản xuất tìm đơn hàng trước khi sản xuất. Hiện HTX Nông sản sạch Bảo An cam kết cung cấp 50 tấn/tháng, chủy yếu vào các siêu thị và chuỗi nhà hàng, bếp ăn. “Tôi chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm. Các HTX khác đồng ý bắt tay sản xuất cùng với tôi. Các HTX trồng sản phẩm gì theo sự triển khai của tôi, nên sản phẩm thậm chí không đủ để đáp ứng nhu cầu”.
Lạng Sơn thí điểm xuất khẩu nông sản qua Ga đường sắt Đồng Đăng
Nông sản trong dịch Covid-19: Không thể chỉ kêu “giải cứu”
Từ khóa: phát triển nông sản, đầu ra cho nông sản, nông sản, nông sản sạch
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN