Những điểm “mờ” trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La cần được làm sáng tỏ
Cập nhật: 25/09/2019
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Người dân Sơn La kỳ vọng qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa, những điểm "mờ" trong vụ gian lận thi cử sẽ được làm sáng tỏ.
Trả lời tại phiên họp thứ 37 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, về quá trình xử lý vụ án gian lận thi cử 2018 tại Sơn La, mới đây, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, nếu địa phương "lúng túng không làm được", Bộ Công an và VKSND Tối cao thống nhất sẽ rút hồ sơ lên Trung ương điều tra khởi tố về tội "Nhận và đưa hối lộ".
Những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La được báo giới đặc biệt quan tâm. |
Thông tin này được đưa ra trước phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La vài ngày khiến người dân khắp cả nước đồng tình ủng hộ. Đặc biệt là nhiều người dân Sơn La mong phiên tòa sẽ làm rõ tận gốc được những người can thiệp để nâng điểm thi, làm mất đi niềm tin của xã hội vào tính trung thực, khách quan, nghiêm túc của kỳ thi quan trọng này.
Quá trình điều tra vụ gian lận thi cử ở Sơn La, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy khai đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh.
Cáo trạng cho rằng, hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa điểm, nâng điểm cho các thí sinh của các bị can có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ, Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ. Song kết quả điều tra cho thấy, những người liên quan khác đều không thừa nhận có thỏa thuận và đưa tiền cho các bị can Nga, Sọn, Huynh và Thủy.
Ngoài lời khai của các bị can và số tiền hơn 2,4 tỷ đồng mà các bị can đã nộp, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can về tội Nhận hối lộ.
Ông Khánh Ngọc, cán bộ hưu trí ở thành phố Sơn La cho biết, vụ án kéo dài hơn một năm mà đến giờ vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng về hành vi đưa và nhận hối lộ khiến người dân bức xúc và thất vọng.
Theo đó, ông Ngọc đề nghị phải làm nhanh và có kết luận chính xác, đúng người, đúng hành vi và tính chất vi phạm, đúng quy định của pháp luật tại phiên xét xử sơ thẩm khai mạc ngày 16/9. Tòa án Nhân dân tỉnh Sơn La nên xem xét, đánh giá thận trọng, khách quan các chứng cứ, yêu cầu các cơ quan tiếp tục điều tra làm rõ có hay không việc nhận hối lộ và đưa hối lộ theo luật định để sớm xét xử bổ sung tội danh này.
Ông Ngọc cho rằng, nhiều đối tượng đã khai nhận tiền để nâng điểm thi, nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại không xác định được người đưa tiền. Trong kết luận điều tra thấy rằng không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa và nhận hối lộ, nhưng lại kết luận các đối tượng này vụ lợi được một số tiền!. Vậy số tiền này ở đâu ra? Nếu vậy kết luận này không có căn cứ, mà cơ quan chức năng phải xác định được người nào đưa tiền, đưa bao nhiêu, ở đâu? Đã là vụ lợi, khoản tiền ấy là thu nhập trái pháp luật phải tịch thu, nhưng lại không có nguồn gốc! Nếu căn cứ theo kết luận này, bắt buộc phải trả lại số tiền đã thu của các bị can đã nộp vì không có căn cứ nào để thu cả.
Ông Ngọc đề nghị Tòa xem xét hết sức kỹ lưỡng những tình tiết này. "Tôi muốn khi Tòa xét xử, trên cơ sở kết quả điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát, cần phải làm rõ trước Tòa toàn bộ nội dung diễn biến của sự việc một cách khách quan nhất và xử cho đúng người đúng tội, đúng các quy định của pháp luật. Đặc biệt những người có liên quan trực tiếp, có trách nhiệm trong việc này, nhưng hiện vẫn đang ngoài vòng pháp luật. Bởi nếu không có những người có thẩm quyền can thiệp vào thì những người trong hội đồng thi không dám làm những việc táo tợn như vậy", ông Ngọc bức xúc.
Đồng tình với quan điểm của ông Khánh Ngọc, chị Lò Thị Mai ở Sơn La khẳng định: Không có ai tự nhiên hy sinh danh dự, sự nghiệp của mình để đi sửa điểm cho một loạt những người không quen biết mà không vì mục đích nào đó! Trong khi đó, gần như cả tổ chấm thi các môn trắc nghiệm Sơn La đã xé bỏ tất cả những quy định của pháp luật về thi cử, quy định của Bộ Giáo dục làm, với thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh. Vậy phải giải mã được câu hỏi các bị can làm thế với động cơ gì?!. Về mặt chủ quan có thể thấy đó là động cơ về tiền, vì đã có đối tượng khai là nhận tiền.
"Theo tôi trách nhiệm của các cơ quan chức năng phải làm rõ được việc này, phải làm rõ nguồn gốc tiền này ở đâu ra và nếu không rõ nguồn gốc chỉ dựa theo lời khai của các đối tượng này mà kết luận tiền này do vụ lợị phải tịch thu thì hoàn toàn không có căn cứ", chị Mai nêu quan điểm.
Sau khi khởi tố, bị can Trần Xuân Yến - nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La được cho tại ngoại |
Theo đúng kế hoạch, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La diễn ra vào 8h sáng 16/9. Đông đảo nhân dân Sơn La đang rất hy vọng và gửi gắm đến những người cầm cân nảy mực trong phiên tòa sẽ làm rõ nhiều tình tiết liên quan đến vụ án khiến người dân bức xúc.
Đầu tiên là việc ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo tỉnh Sơn La có vai trò đến đâu trong vi phạm xảy ra? Phụ huynh có con được nâng điểm thi tại Sơn La đã tác động như thế nào đến các bị can để nâng khống điểm cho con em họ? Nếu không vì tiền, quan hệ lợi ích qua lại thì không lẽ các bị can trên lại từ được nhờ “xem điểm" lại đi “nâng điểm”? Đặc biệt quá trình điều tra, một số bị can trong vụ án đã tự giác nộp lại số tiền thu lợi bất chính.Vậy ai đã đưa tiền?
Những điểm "mờ" còn chưa được làm rõ trong vụ án này, nhân dân Sơn La cùng người dân cả nước đang kỳ vọng qua hoạt động tranh tụng tại phiên tòa sẽ được làm sáng tỏ. Như vậy mới tránh được oan sai, đồng thời không bỏ lọt tội phạm, trả lại niềm tin của xã hội với nền giáo dục nước nhà./.
Vụ gian lận thi cử Sơn La: Khai trừ 8 cán bộ bị truy tố ra khỏi Đảng
Từ khóa: gian lận thi cử ở Sơn La, tội đưa và nhận hối lộ, phiên tòa
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN