Nhiều phương thức xét tuyển sớm đại học chưa đảm bảo độ tin cậy, công bằng
Cập nhật: 21/08/2024
VOV.VN - Công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.
Hôm nay (9/8), tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị giáo dục ĐH năm 2024. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong năm qua, giáo dục đại học đã từng bước đổi mới tư duy, nhận thức, nâng cao năng lực quản trị đại học, tháo gỡ các điểm nghẽn, khai thông các nguồn lực, đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu và thực chất, gắn với mục tiêu nâng cao chất lượng và tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học. Giáo dục đại học đã triển khai toàn diện các giải pháp bảo đảm chất lượng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó cũng đã có nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác, khai thác các nguồn lực từ bên ngoài cho GDĐH. Các cơ sở giáo dục đại học chủ động tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong toàn bộ hoạt động, từ hệ thống quản lý, tuyển sinh, đào tạo, đổi mới phương pháp dạy và học, lấy tiến bộ của người học làm thước đo cho chất lượng, hiệu quả giảng dạy.
Với kết quả này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch năm học 2023 - 2024.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023 - 2024 về giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc thực hiện tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ở một số cơ sở đào tạo còn chậm, lúng túng, nhất là vấn đề thành lập, kiện toàn hội đồng trường, quan hệ phối hợp giữa hội đồng trường với ban giám hiệu tại một số đơn vị.
Việc triển khai thực hiện một số văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ GDĐT còn lúng túng, đặc biệt là việc triển khai quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Nhiều địa phương chưa nhận thức đúng quyền và trách nhiệm của mình trong việc triển khai nhiệm vụ này.
Việc kiểm định chất lượng, thực hiện theo chuẩn chương trình đào tạo triển khai còn chậm, hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế; việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tuy đã tích cực triển khai nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa phát huy hết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng chậm, chưa đồng đều giữa các ơ sở giáo dục đại học; công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.
Báo cáo tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, chất lượng đào tạo mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao và yêu cầu phát triển kinh tế tri thức; trình độ ngoại ngữ, trong đó có trình độ tiếng Anh của lao động qua đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Quy mô đào tạo trình độ đại học tăng nhưng tập trung ở các ngành, lĩnh vực có khả năng xã hội hóa cao như khối ngành kinh tế, tài chính hoặc khối ngành có nhu cầu nguồn nhân lực lớn, trong khi các nhóm ngành khoa học cơ bản, khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật, nông nghiệp... chưa có sức hút đối với người học.
Đa số cơ sở giáo dục đại học chỉ tập trung chủ yếu vào hoạt động đào tạo, đặc biệt là đào tạo đại học, chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu khoa học. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu sử dụng lao động và nhu cầu xã hội.
Năng lực kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học với doanh nghiệp tuy đã có sự cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng nghiên cứu khoa học và khả năng chuyển giao công nghệ. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ tuy có tăng về số lượng nhưng thiếu các nhà khoa học đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới và thực hiện triển khai các nhiệm vụ quốc gia ngang tầm khu vực và quốc tế; động lực cống hiến và nhiệt huyết của một bộ phận đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chưa cao.
Việc đầu tư ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học đang theo xu hướng giảm trong những năm gần đây, nhiều cơ sở công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo (tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định) và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo; học phí của các cơ sở giáo dục đại học công lập còn chậm được điều chỉnh để bảo đảm bù đắp đủ chi phí theo lộ trình quy định nên ảnh hưởng đến khả năng tự chủ tài chính của các cơ sở.
Đặc biệt, công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt được nhiều kết quả; cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng chưa đủ hấp dẫn nên chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục, nhất là ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Từ khóa: xét tuyển, tuyển sinh, xét tuyển đại học, đại học, xét tuyển sớm
Thể loại: Xã hội
Tác giả: nguyễn trang/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN