Nhiều chính sách kịp thời hỗ người có công ở Lai Châu

Cập nhật: 27/07/2020

VOV.VN - Hàng năm địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để hiện thực hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, chia sẻ, động viên gia đình người có công.

"Uống nước nhớ nguồn", đạo lý đó đã thấm nhuần trong mỗi người dân Lai Châu và trở thành hoạt động thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hàng năm địa phương đã huy động nhiều nguồn lực để hiện thực hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, chia sẻ, động viên gia đình người có công.

Chiến tranh biên giới 1979 đã lùi xa, nhưng ông Vũ Đức Thuận, ở khu 24, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu vẫn không thể quên những năm tháng chiến đấu khốc liệt. Sau chiến tranh, ông may mắn được trở về với gia đình, trong khi đồng đội của ông nhiều người đã ngã xuống, để lại người thân nơi hậu phương.

nhieu chinh sach kip thoi ho nguoi co cong o lai chau hinh 1
Lễ trao tiền hỗ trợ sửa nhà cho ông Bùi Văn Bé, Tổ 5, phường Quyết Tiến, TP Lai Châu (người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học)
Ảnh: Laichau.dcs.vn

Ông Thuận tâm sự: Sau khi rời quân ngũ, ông về Ninh Bình đón vợ con lên Tây Bắc xây dựng cuộc sống mới và gắn bó với mảnh đất Tân Uyên từ đó đến nay. Dù đã cố gắng, nhưng với vết thương chiến tranh để lại nên việc lao động sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào vợ con. Đầu năm 2020, gia đình ông được nhận hỗ trợ 50 triệu đồng từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện để sửa lại nhà ở.

“Ngoài chế độ của đối tượng chính sách nói riêng và đối tượng người có công nói chung, chúng tôi được lãnh đạo các cấp rất quan tâm,đặc biệt là chương trình hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho đối tượng người có công. Sau khi có đề nghị hỗ trợ sửa mái nhà, các ban, ngành đã xuống kiểm tra xem xét, thấy thực tế đúng nhu cầu là họ phê duyệt, chỉ trong thời gian ngắn đã có quyết định triển khai làm cho người có công rất phấn khởi”, ông Thuận cho biết.

Nhằm chia sẻ bớt khó khăn cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công, năm 2020, huyện Tân Uyên đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 22 ngôi nhà cho người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến trên địa bàn.

Dù địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng huyện đã chi hơn 700 triệu đồng, trong đó có hơn 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Đến nay, 100% gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công đã có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân trên địa bàn huyện.

Bà Lê Thị Tình, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, Phòng đã xác định nội dung, biện pháp để triển khai tuyên truyền phổ biến chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách ưu đãi người có công trên địa bàn.

“Phòng LĐ, TB&XH huyện thực hiện chi trả kịp thời cho các đối tượng chính sách. Triển khai các chính sách hỗ trợ về việc làm, dạy nghề cho con em và người có công, chính sách về chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục đối với con em của người có công trên địa bàn. Đồng thời tuyên truyền, vận động xã hội hóa để chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người có công trên địa bàn”, bà Tình nêu rõ.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang quản lý gần 7.800 hồ sơ người có công theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Sau gần 7 năm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hơn 600 hộ gia đình, góp phần giúp các gia đình chính sách yên tâm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế./.

Từ khóa: người có công, thương binh liệt sỹ, hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ thương bệnh binh

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập