Nhận diện thách thức để xây dựng phát triển nông thôn bền vững
Cập nhật: 07/10/2019
VOV.VN - Giai đoạn tới thực hiện hiệu quả hơn để phát triển vùng nông thôn xanh sạch, đẹp và đời sống người dân khá về vật chất, phong phú về tinh thần.
Tại hội thảo "Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới" diễn ra hôm nay tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thời gian tới phải tập trung các nhóm giải pháp tổng hợp để giải quyết các nút thắt đó là tái cơ cấu kinh tế nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp thúc đẩy sản xuất. Bời đây chính là nền tảng, bản chất của quá trình xây dựng nông thôn mới, từ đó mới nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn bộ mục tiêu bao trùm đã đạt, nhiều chỉ tiêu vượt mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2010-2020. Theo đó, tổng đầu tư toàn xã hội cho Chương trình đạt xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng.
Nhận diện thách thức để xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. |
Riêng về giao thông gấp 5 lần về hạ tầng 5 năm trước đó. Về điện đã có 100% số xã có điện lưới quốc gia. Đến tháng 10 năm nay, cả nước có 4 nghìn 554 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 51,16% so với mục tiêu đặt ra của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là đến năm 2020 đạt 50% số xã đạt chuẩn…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cho rằng, quá trình triển khai Chương trình vẫn còn nhiều hạn chế như: đời sống người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo; kết quả xây dựng nông thôn mới chưa bền vững, nhiều địa phương chỉ chú trọng phát triển hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tới phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống của người dân.
Một số ý kiến cho rằng, triển khai giai đoạn tới Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới cần đổi mới cách tiếp cận, đi vào chiều sâu và đảm bảo tính bền vững, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên phân tích: “Nông nghiệp ở đây tái cơ cấu phải trên 2 khía cạnh thứ nhất là giải quyết những vấn đề tồn đọng từ trước đến nay, thứ hai là phải đáp ứng được cả yêu cầu của thời đại đặt ra đó là yêu cầu về công nghệ, thị trường thế giới những yếu tố này bây giờ khác trước rất nhiều nếu chúng ta không làm được điều này thì đặt vấn đề sẽ phiến diện và quá trình có khả năng là tiếp tục không thành công.”
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, vẫn phải đánh giá lại để rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới thực hiện hiệu quả, thực chất hơn để phát triển vùng nông thôn xanh sạch, đẹp và đời sống người dân khá về vật chất, phong phú về tinh thần. Đồng thời cho rằng, để giải quyết các nút thắt cần tận dụng hiệu quả yếu tố thời đại, đó là khoa học, công nghệ, cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ 4, và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát huy tốt nhất các nguồn lực từ các thành phần kinh tế, xã hội, sức mạnh của người dân.
“Chúng ta tạo ra hệ "sinh thái" đầy đủ, từ thể chế, cơ chế, từ nguồn lực, từ tổ chức, chỉ đạo thực hiện với phương châm cả 3 khu vực: một là khu vực Nhà nước đó là hệ thống chính trị, thứ hai là các thành phần kinh tế nhất là doanh nghiệp, thứ 3 là người dân tham gia. 3 khu vực đó cùng đồng hành thì sự nghiệp nông thôn mới chúng ta mới thành công” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói./.
Xây dựng nông thôn mới, thanh niên “biến bãi rác thành vườn hoa”
Nông thôn mới phải xác định người nông dân là chủ thể
Từ khóa: phát triển nông thôn, nông thôn, nông dân, xây dựng nông thôn mới
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN