Nhà sử học Pháp viết về cuộc hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cập nhật: 19/05/2020
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN -Theo ông Alain Ruscio, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những biến cố thăng trầm gấp cả trăm lần so với một người bình thường.
Alain Ruscio, nhà sử học người Pháp, đã viết cuốn sách của mình về Hồ Chí Minh. Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc cuộc hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua các tác phẩm của Người gồm nhiều thể loại như bài báo, bài phát biểu, bài thơ hay thư từ, cũng như các tài liệu lưu trữ của phía Pháp. Theo ông Alain Ruscio, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua những biến cố thăng trầm gấp cả trăm lần so với một người bình thường. Phần lớn thời gian ở nước ngoài, Người sống trong thiếu thốn vật chất và đối mặt với nhiều tình huống nguy hiểm. Cho đến khi Người trở về nước năm 1941 và đọc bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam vào ngày 2/9/1945.
Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên VOV thường trú tại Pháp phỏng vấn nhà báo, nhà sử học Pháp Alain Rusio – xung quanh cuốn sách này.
Nhà sử học Alain Ruscio giới thiệu cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
PV: Thưa ông, trong cuốn sách mới xuất bản của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã sử dụng hàng nghìn trang tư liệu được lưu trữ tại Trung tâm tư liệu hải ngoại quốc gia Pháp – ANOM, để dựng lại hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc. Theo ông, thì từ thời điểm nào mà nhà cầm quyền Pháp bắt đầu ý thức được sự nguy hiểm của người thanh niên này đối với chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương?
Nhà sử học Pháp Alain Rusio: Thời điểm chính mà các cơ quan mật vụ Pháp bắt đầu quan tâm đến Nguyễn Ái Quốc là khi ông gửi đến Hội nghị Versailles năm 1919 những yêu sách của nhân dân An Nam. Nguyễn Ái Quốc bị theo dõi, và ngày càng gắt gao vì chỉ trong vòng vài tháng, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành nhân vật hoạt động tích cực nhất trong cộng đồng người Việt ở Pháp. Lí do vì sao Nguyễn Ái Quốc lại tích cực như vậy là vì ông có một niềm tin rất mạnh mẽ, mà sau này chúng ta được biết thêm, đó là từ khi rất trẻ ông đã bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân An Nam ở bất cứ nơi nào.
PV: Trong các tư liệu của ANOM còn lưu rất nhiều báo cáo của hai mật vụ Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc rất gắt gao, một người tên là Jean, người kia tên là Édouard. Liệu có thời điểm nào, sự an toàn của Nguyễn Ái Quốc thực sự bị đe doạ không?
Nhà sử học Pháp Alain Rusio: Có chứ, đừng quên rằng Nguyễn Ái Quốc đã rất nhanh chóng bị kết án bởi một Toà án ở An Nam, dĩ nhiên là dưới tác động của những người Pháp thực dân. Vì vậy, điều mà Nguyễn Ái Quốc lo ngại là bị bắt và bị trục xuất về Đông Dương, khi đó thì cuộc sống của ông sẽ ngay lập tức bị đe doạ. Ở đây phải nói là các mật vụ Pháp đã hoạt động hết sức hiệu quả, các nhà sử học sau này tìm được rất nhiều thông tin về Nguyễn Ái Quốc nhờ các báo cáo của cảnh sát Pháp.
PV: Ông có nói rằng, Nguyễn Ái Quốc luôn bảo vệ cho quyền lợi của nhân dân An Nam ở khắp mọi nơi. Từ khi đến Pháp, Nguyễn Ái Quốc cũng đã tham dự rất nhiều cuộc họp, cuộc gặp gỡ tranh luận. Từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên này ở Paris, làm thế nào Nguyễn Ái Quốc thành công trong việc tập hợp những người Việt Nam yêu nước và cả những người đấu tranh ở các nơi khác trên thế giới, từ châu Á, châu Phi?
Nhà sử học Pháp Alain Rusio: Phải nói rằng, ngay từ khi còn rất trẻ, tức khi bắt đầu là một thanh niên, Nguyễn Ái Quốc đã là một con người quốc tế thực thụ. Ông luôn có một mối lo thường trực về việc bảo vệ những người bị áp bức trên thế giới, không chỉ là người Việt Nam. Ông là người ái quốc nhưng không phải là người dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi mà luôn bảo vệ quyền lợi của tất cả.
Có những tài liệu về việc ông bảo vệ những người Ai-len, vì khi đó Ai-len đang là thuộc địa của Anh. Ông còn bảo vệ một võ sĩ đấm bốc người Senegal khi đó đánh thắng một nhà vô địch da trắng người Pháp. Ông viết những bài báo bảo vệ Triều Tiên. Tất cả những điều đó cho thấy ông luôn quan tâm đến việc bảo vệ những người bị áp bức trên khắp thế giới.
Và tất cả những điều này đã diễn ra trước khi có Hội nghị ở Tours (về thành lập đảng Cộng sản Pháp). Sau này khi ông trở thành người cộng sản, những hành động này càng được nhân lên, nhưng phải thấy là ngay từ những lần dấn thân đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc đã luôn ủng hộ các cuộc đấu tranh của những dân tộc khác, đặc biệt là dân tộc Triều Tiên, khi đó đang đấu tranh rất mạnh chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản.
PV: Vậy việc Nguyễn Ái Quốc tiếp cận các tư tưởng chính trị của những người thuộc đảng Xã hội, và sau này là những người Cộng sản Pháp, đã diễn ra như thế nào? Việc tiếp cận này có tầm quan trọng ra sao với ông?
Nhà sử học Pháp Alain Rusio: Tôi cho rằng thời điểm mà Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản là thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời ông, hoặc là một trong 2-3 thời điểm quan trọng nhất, như khi cách mạng thành công năm 1945. Nguyễn Ái Quốc sau này có kể lại là khi ông đọc những dòng đầu tiên của Lê-nin trên báo “Nhân đạo” năm 1920, ông đã lập tức hiểu rằng, liên minh của những con người vô sản và những người bị áp bức chính là con đường ông tìm kiếm.
Vì thế, có thể nói là Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu với một ý định rất thực tế. Diễn văn ông đọc ở Đại hội Tours (1920) cũng không hoàn toàn là một diễn văn Mác-xít mà chủ yếu một diễn văn kêu gọi sự đoàn kết và muốn những người dự hội nghị thấy rằng số phận của Việt Nam và những nước bị thuộc địa khác cần được lưu tâm. Đó là khởi đầu để Nguyễn Ái Quốc trở thành người cộng sản.
PV: Chúng ta hãy nói về di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tờ Le Monde/Histoire của Pháp cách đây vài năm có làm một bộ sách 20 nhân vật đã thay đổi lịch sử thế giới trong thế kỷ 20, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản thân ông, sau nhiều chục năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, làm cách nào để đo được tầm vóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong sự phát triển của dân tộc Việt Nam và trong lịch sử thế giới cận đại?
Nhà sử học Pháp Alain Rusio: Tôi chia sẻ đánh giá của tờ Le Monde. Tôi thậm chí xếp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào danh sách 10 nhân vật lịch sử đã ghi dấu ấn của thế kỷ 20. Với tôi, Hồ Chí Minh là đại diện cho liên minh giữa sự đấu tranh cho việc giải phóng nhân loại (với một người cộng sản như ông thì đó là lí tưởng) với đấu tranh giải phóng dân tộc. Việc kết hợp hai chủ đề lớn này trong tư tưởng của ông, trong cuộc đời đấu tranh của ông là vô cùng quan trọng.
Điều thứ hai, mà thực sự là dấu ấn trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là sự khiêm tốn, là ý nguyện của ông luôn được nói như nhân dân bình thường. Chúng ta có rất nhiều mẩu chuyện, giai thoại về điều này. Như khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp để đàm phán với chính phủ Pháp (1946), ban đầu ông được xếp ở tại một khách sạn rất sang trọng, là khách sạn Royal Monceau ở Paris.
Một số nhân chứng kể lại, là khi họ đánh thức Chủ tịch Hồ Chí Minh dậy để dọn phòng, họ phát hiện ông đang ngủ dưới sàn, vì giường quá êm. Những giai thoại đó, tôi tin là thật và là một trong các lí do sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nhà Raymond Aubrac và ở lại đó. Tất nhiên theo tôi thì còn một lí do nữa đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ biết có máy ghe lén trong phòng khách sạn. Ở Việt Nam thì ai đến Hà Nội cũng đều biết đến nhà sàn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vì ông không quen với sự tiện nghi trong Phủ Chủ tịch. Nhà sàn là một biểu tượng lớn cho sự khiêm tốn của ông.
Tôi cũng muốn nói thêm về sự chân thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều này không phải tự tôi tìm hiểu ra mà là tôi khẳng định, qua các nghiên cứu, là tất cả những người từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể cả các kẻ thù, các điệp viên… đều nói rằng ông tuyệt đối là người chân thành. Ông là người thành thật, luôn nói đúng những gì mình nghĩ và thực sự là cống hiến toàn bộ cuộc đời cho lí tưởng của mình mà không bao giờ nghĩ ngợi về các lợi ích vật chất hay chính trị cho riêng mình, hay bất cứ đặc lợi nào.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.
Từ khóa: Nhà sử học Pháp, ông Alain Ruscio, Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN