Nhà nước pháp quyền XHCN: Làm rõ mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân
Cập nhật: 09/10/2022
Campuchia, Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận Rồng vàng lớn nhất từ trước tới nay
Nga triển khai đạn pháo dẫn đường bằng laser mới nhất tấn công Ukraine
VOV.VN - Trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vấn đề chung nhất là phải làm rõ được mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Như đã đề cập trong bài 1 Nhà nước pháp quyền là xu thế tất yếu trên thế giới, phù hợp với trình độ phát triển xã hội. Mỗi quốc gia tổ chức nhà nước pháp quyền phù hợp với đặt điểm của mình. Ở Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phân tích, hoạt động của Nhà nước pháp quyền là điều tất yếu, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng điều chỉnh để ba nhánh quyền lực phối hợp nhịp nhàng, kết nối, giám sát lẫn nhau để tạo hiệu quả. Đó chính là vai trò của Đảng, vì Đảng có sứ mệnh đại diện cho cả dân tộc chứ không phải chỉ giai cấp công nhân.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ, “Tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”. Thực hiện nhiệm vụ rất quan trọng này, Ban chỉ đạo cấp quốc gia đã được thành lập với sự tham gia của các nhà khoa học pháp lý, nhà luật học, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, nhà quản lý để nghiên cứu và viết Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để chủ quyền nhân dân, quyền con người, quyền công dân, công bằng, công lý được thực thi, Hiến pháp và pháp luật được thượng tôn thì phải tạo được các đột phá trong ba khâu sau đây. Một là đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế. Hai là đột phá trong tổ chức quyền lực Nhà nước. Ba là đột phá trong cải cách tư pháp.
Trong ba đột phá vừa nêu, đột phá xây dựng và hoàn thiện thể chế để quyền lực Nhà nước thực sự thuộc về nhân dân là điều được xem là yếu tố rất quyết định thể hiện rõ tính chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, ngoài các luật như: Luật Mặt trận Tổ quốc năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân… cần có thêm một số luật như Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và một số luật khác với các quy định để nhân dân thực hiện được quyền lực của mình.
"Nhân dân không có điều kiện thực hiện tất cả quyền lực Nhà nước thì ủy quyền cho các cơ quan trong bộ máy Nhà nước để thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp và một số quyền khác. Thế thì những quyền gì dân trực tiếp phải nắm giữ, đó là quyền trưng cầu ý dân, ta có luật, nhưng để cụ thể hóa được thì chưa có. Hay như vấn đề Hiến pháp, quyền lập hiến có phải chỉ có Quốc hội không, hay là tới đây quyền lập hiến là quyền của dân, vai trò Quốc hội trong quyền lập hiến này như thế nào?" - ông Uông Chu Lưu cho biết.
Để quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thì các thể chế phải đảm bảo phát huy được tính dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Người dân phải là trung tâm của bộ máy nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Giáo sư Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, lợi ích ý chí của Nhà nước là lợi ích ý chí của nhân dân theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước dân chủ của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm. Tổ chức hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở mọi cấp phải gần dân để dân dễ tiếp cận, dễ đối thoại, dễ kiểm tra, dễ giám sát. Có như vậy mới phát huy được sự đóng góp của nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, nắm được nguyện vọng nhân dân mà hoạch định chính sách.
Khi quyền làm chủ được nhân dân uỷ thác cho cho các cơ quan đại diện thì nhiệm vụ quan trọng nữa là kiểm soát quyền lực trong bộ máy nhà nước. Hiến pháp 2013 đã quy định, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải bám sát nguyên tắc này.
Giáo sư Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp Luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân tích, có phân công, phân nhiệm thì mới phối hợp được và có phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi thì lúc đó mới kiểm soát một cách tốt hơn. Cần phải coi trọng cơ chế kiểm soát phía hành pháp và tư pháp đối với lập pháp và kiểm soát lẫn nhau. Tăng cường kiện toàn, đổi mới cơ chế thanh tra, kiểm tra, kiểm soá bên trong của các quyền, để làm sao bản thân các quyền tự kiểm soát được mình thật tốt, trên cơ sở đó mới kiểm soát được người khác.
Đúng như phân tích của ông Trần Ngọc Đường, trong bộ máy nhà nước pháp quyền, cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực cả bên trong các cơ quan Nhà nước. Trong đó, mắt xích quan trọng nhất là cơ chế kiểm soát việc thực hiện các quyền của cán bộ, công chức, viên chức theo luật định.
Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, phải có cơ chế, pháp luật, phải có kiểm tra để mọi cán bộ, công chức trong bộ máy Nhà nước luôn nghĩ rằng, quyền của mình có được là nhân dân giao cho mình, mình là công bộc của dân. Nếu chúng ta thiết kế bộ máy rất đẹp, cơ chế kiểm soát quyền lực rất tốt, nhưng đặt vào đó một đội ngũ cán bộ không toàn tâm toàn ý với Đảng, không toàn tâm toàn với ý nhân dân thì Nhà nước pháp quyền không thể thắng lợi được.
Một định hướng quan trọng nữa trong hoàn thiện Nhà nước pháp quyền đó là phải tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa từ Trung ương cho địa phương. Đây cũng là vấn đề mà nhiều tỉnh, thành nêu khi góp ý xây dựng Dự thảo Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền.
Ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa cho biết: "Trong lĩnh vực kinh tế - xã hội cần nhiều vấn đề phân cấp cho tỉnh, cho huyện, nhưng trên thực tế chưa cụ thể trong luật nên quá nhiều việc phải xin ý kiến. Ví dụ trong lĩnh vực đất đai, Quốc hội có chính sách đặc thù cho một số tỉnh, HĐND một số tỉnh được quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng sản xuất, từ 500ha trở xuống đối với đất lúa và 1.000ha trở xuống đối với rừng sản xuất. Nhưng thực ra đây không phải đặc thù mà đây chính là phải phân cấp cho tỉnh, phân cấp để làm tốt hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư".
Như vậy, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, vấn đề chung nhất là phải làm rõ được mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trên cơ sở các định hướng đột phá đã được nêu./.
Từ khóa: xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Hội nghị trung ương 6 khóa 13, quyền làm chủ của nhân dân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN