Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp Đà Nẵng hoàn thành sớm Đề án giảm nghèo

Cập nhật: 23/07/2024

VOV.VN - Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thành “Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020” trước 2 năm.

Thành ủy Đà Nẵng vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang triển khai 26 chương trình tín dụng, trong đó 14 chương trình tín dụng chính sách của Trung ương, còn lại của địa phương. Tổng doanh số cho vay trong 10 năm qua hơn 11.000 tỷ đồng với 247.160 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay từ nguồn vốn này. Đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 5.011 tỷ đồng, tăng 3.794 tỷ đồng so với năm 2014.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thành Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 trước 2 năm với gần 20.300 hộ thoát nghèo; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 140.400 lao động; 10.946 học sinh, sinh viên được vay vốn để tiếp tục học tập. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng cho vay xây dựng, nâng cấp, cải tạo gần 50.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới tại huyện Hòa Vang.

Thực tiễn cho thấy, Chỉ thị số 40 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Những kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng, nhất là trong bối cảnh bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Thành tựu đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hạn chế nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, đặc biệt là tại những vùng nông thôn đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách tín dụng xã hội của Đà Nẵng trong thời gian qua. Thành phố đã ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và đã bố trí đủ nguồn lực để cho vay. Thành phố cũng đã có chính sách cho vay đối với hộ có thu nhập trung bình từ ngân sách địa phương, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội năm sau cao hơn năm trước. Đà Nẵng cũng là địa phương có tổng nguồn vốn ủy thác lớn thứ 3 cả nước sau Hà Nội và TP.HCM.

Ông Nguyễn Hồng Sơn đề nghị thành phố Đà Nẵng tiếp tục huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách, ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh mà Đà Nẵng đang có nhiều thuận lợi, nhiều cơ hội để doanh nghiệp đầu tư vào thành phố: “Đà Nẵng đang bước vào giai đoạn phát triển mới, giai đoạn phát triển dựa nhiều hơn vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực và đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn sắp tới, chuẩn nghèo của chúng ta cũng sẽ ngày càng khác đi và sẽ tiến đến một thời điểm mà chúng ta không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Đà Nẵng đã có chuẩn hộ nghèo mới, trình độ của người dân cũng tăng lên, điều đấy có nghĩa là trọng tâm, trọng điểm của hoạt động tín dụng, chính sách xã hội trong thời gian tới sẽ khác đi”.

Từ khóa: đà nẵng, nguồn vốn tín dụng, giảm nghèo,đà nẵng

Thể loại: Xã hội

Tác giả: đình thiệu/vov-miền trung

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập